BAOTAYNINH.VN trên Google News

Triều Tiên thử tên lửa - lời cảnh báo đòi Mỹ khởi động lại đàm phá 

Cập nhật ngày: 06/05/2019 - 20:59

Các chuyên gia nhận định lần thử vũ khí vừa qua là lời cảnh báo cho Washington rằng Bình Nhưỡng sắp hết kiên nhẫn với tiến trình đàm phán hạt nhân, có thể quay lại thử nghiệm ICBM.

Quân đội Triều Tiên ngày 4/5 cho phóng nhiều tên lửa chiến thuật có hệ thống dẫn đường ra Biển Nhật Bản. Đợt "diễn tập không kích" được đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong Un giám sát, theo KCNA.

Truyền thông Triều Tiên nói cuộc diễn tập nhằm kiểm tra năng lực bệ phóng tên lửa tầm xa và vũ khí chiến thuật có dẫn đường của "các đơn vị phòng thủ". Bình Nhưỡng ra thông báo một ngày sau khi hoàn thành diễn tập.

Theo nhiều chuyên gia, động thái trên nhằm tạo áp lực lên Washington, đòi hỏi nhượng bộ trong đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng, theo South China Morning Post.

Triều Tiên bất ngờ thử tên lửa trở lại sau hơn một năm kiềm chế leo thang quân sự. Ảnh: KCNA.

"Triều Tiên không hài lòng với Mỹ nên đang tìm cách tạo áp lực", Cheng Xiaohe, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định Bình Nhưỡng đã hết kiên nhẫn trước tình trạng hoãn đối thoại song phương.

Bằng cách giới hạn thử nghiệm vũ khí ở phạm vi tên lửa tầm ngắn, không triển khai tên lửa tầm trung hoặc tên lửa đạn đạo, ông Kim gửi tín hiệu Bình Nhưỡng vẫn muốn nói chuyện với Mỹ. 

Theo Wang Sheng, chuyên gia Đại học Jilin, ông Kim Jong Un cho phóng tên lửa vì Mỹ không phản ứng đúng với kỳ vọng sau hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều ở Vladivostok vào cuối tháng 4. 

"Tôi nghĩ Triều Tiên đang lo lắng vì nhu cầu cấp bách về phát triển kinh tế trong nước. Điều này đòi hỏi một môi trường quốc tế thuận lợi hơn. Trong khi đó, Mỹ không cần vội vã đạt một thỏa thuận", Sheng nhận định.

"Nếu tình trạng này tiếp diễn, Triều Tiên có thể kết luận Mỹ không chân thành (về việc tìm kiếm hòa bình). Hai bên có rủi ro quay trở lại với chiến thuật đối đầu ăn miếng trả miếng", ông cảnh báo.

Chính quyền Seoul đã kêu gọi Bình Nhưỡng dừng những hành động leo thang căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Shin Beom Chul, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cho rằng vụ thử nghiệm vũ khí nhắm trực tiếp đến Mỹ.

"Đây rõ ràng là lời cảnh báo gửi đến Tổng thống Trump, cho thấy đàm phán có thể vuột khỏi tầm tay nếu Washington không chấp nhận phi hạt nhân hóa từng bước như ông Kim đề xuất. Nếu ông Kim không có được điều mình muốn, bước đi tiếp theo có thể gồm khởi động lại thử nghiệm tên lửa tầm xa", Shin nhận định.

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun sẽ có chuyến làm việc tại Seoul và Tokyo trong tuần sau. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, đại diện từ Washington dự kiến làm việc với các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốcvề "các nỗ lực thúc đẩy mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện và có thể kiểm chứng".

Nhiều chuyên gia đánh giá cuộc tập trận là lời cảnh cáo gửi đến Washington. Ảnh: KCNA.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vừa qua đề nghị gửi một phái đoàn đặc biệt sang Triều Tiên đối thoại và tìm cách phá thế bế tắc. Nhiệm vụ của ông Biegun lần này có thể nhằm "phối hợp" với các đồng minh của Mỹ liên quan đến đề xuất này.

"Việc đàm phán bị trì hoãn đang đặt áp lực rất lớn lên vai chính phủ của Tổng thống Moon. Tôi kỳ vọng ông Biegun trao đổi với giới chức Hàn Quốc về những bước đi tiếp theo và các phối hợp chính sách về vấn đề Triều Tiên", Cheng nhận định.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tự tin có thể đạt được một thỏa thuận mới với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

"Tôi tin ông Kim Jong Un hiểu rõ những tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên và sẽ không làm gì khiến điều này bị ảnh hưởng hoặc chấm dứt. Ông ấy cũng hiểu tôi ủng hộ ông ấy, và không muốn ông ấy thất hứa. Sẽ đạt được thỏa thuận", tổng thống Mỹ viết trên Twitter ngày 4/5.

Nguồn Zing