BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trong căn gác, một niềm vui tự tại

Cập nhật ngày: 24/12/2017 - 07:26

BTN - Bài thơ đã đăng trong tạp chí “Nhà văn và tác phẩm” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) số 25 năm 2017.

Câu chuyện cũng bình thường như cuộc sống hằng ngày của nhiều người làm nghề lao động thủ công trong những căn nhà nhỏ giản dị giữa thành phố xô bồ, đông chen, tất bật.

Nhân vật chính ở đây là một ông lão chuyên đóng giày cho biết bao người tứ xứ- những người luôn cần có giày để đi: “Người thợ đóng giày đã già/ năm mươi năm qua ông đo biết bao bàn chân/ chỉ để thiên hạ bước những bước nhỏ, bước lớn/ ra khỏi thành phố này”.

Những người thợ đóng giày ở đâu mà chẳng thế. Nông thôn hay thành thị đều vậy. Giống nhau cả, vậy thì nhà thơ kể cho chúng ta nghe làm gì? 

Đọc tiếp:  “Còn ông/ không hề có chiếc giày vừa số/ bởi lẽ chân ông không để đi giày”. Chân ông không phải để đi giày thì cứ mặc, còn chân người khác- nhỏ, to, dài, ngắn… khó mấy, ông cũng đều phục vụ được.

Bài thơ giải thích chuyện ông không đi giày: Bàn chân ông chỉ đi bằng bàn chân/ trong căn gác mười mấy mét vuông/ không thể khác. Vậy thì đúng rồi! Trong căn gác thì tôi cũng vậy mà bạn cũng vậy- đều như ông, không thể khác, chẳng ai lại đi giày. Đi chân không vừa mát, vừa nhẹ, vừa tiện.

Nhưng có cái lạ ở đây, chính là từ việc “chẳng có gì lạ”, ở một chỗ không có gì đáng chú ý ấy mà tiếng tăm cứ lừng lẫy khắp nơi, ai cũng biết: “Thế mà danh hiệu của ông/ bằng cách nào đó đã vượt qua đại dương”.

Tác giả bài thơ khẳng định cứ chắc như gạch nung: Đôi bàn chân vô giá/ đôi chân chưa hề đóng chiếc giày nào! Và nhà thơ còn sử dụng phép ngoa ngôn, lộng ngữ: “Ông đã gửi những bước đi thật của năm mươi năm làm nghề trong tám mươi năm làm người trên hành tinh chúng ta”.

Đến đây, điều “bí hiểm” vẫn chưa hé lộ. Muốn rõ chúng ta phải tiếp tục nghe. Và đây rồi, lời giải rất gọn vì nó quá ư đơn giản: “… ông chỉ mỉm cười với bàn chân Giao Chỉ của mình/ cái ngón cái oái oăm luôn muốn quay ngược lại”.

Đến đây thì người đọc có thể cười xoà. Cười vì hiện tượng: “Cái ngón cái oái oăm luôn muốn quay ngược lại của một “bàn chân Giao Chỉ”.

Bài thơ thuộc loại cởi mở, tự do. Câu cần bao nhiêu từ thì dùng bấy nhiêu, không ngại. Câu ngắn chỉ vài ba chữ, câu dài đến mấy chục chữ. Đoạn thơ cũng vậy. Có đoạn rất ngắn- chỉ vài ba câu, có đoạn bốn, năm câu xen nhau. Một điểm khác có lẽ là sự cố ý của tác giả.

Để đến được lý do vì sao chân ông lão đóng giày chỉ đi bằng bàn chân mà không đi giày, tác giả cứ dềnh dàng mãi, ý chừng muốn người đọc phải sốt ruột theo dõi để biết nguyên nhân.

Phải qua 6 đoạn thơ dài ngắn nối tiếp nhau “u u, minh minh” rồi mới lộ. Bàn chân của ông là bàn chân Giao Chỉ, bàn chân của cội nguồn, dòng giống, ông không buồn vì cái “dáng vẻ oái oăm” của nó mà “chỉ mỉm cười với bàn chân Giao Chỉ của mình”.

Hai chữ “của mình” biểu hiện một sự tự hào. Ông không đi được giày thì ông đóng giày cho người khác đi. Bàn chân ông không đi giày thì cộng đồng thân thiết của ông đi. Vui ở chỗ đó! 

Cảnh Trà