BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trồng cây đinh lăng - mô hình mới ở Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 03/01/2017 - 15:50

BTN - Trước đây, thường người ta chỉ trồng cây đinh lăng với số lượng ít ỏi chủ yếu để làm kiểng hoặc làm rau ăn. Nhưng hiện nay, tại Tây Ninh, có nơi đinh lăng đã được trồng tập trung với số lượng lớn hơn nhiều để làm hàng hoá bán ra thị trường.

Ông Thơi trong vườn đinh lăng của mình.

Một trong những người đi đầu của phong trào trồng cây đinh lăng ở ấp Phước Nghĩa, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu là ông Nguyễn Văn Thơi, năm nay 56 tuổi. Đến thăm vườn đinh lăng của ông Thơi vào một ngày gần cuối năm, chúng tôi lấy làm lạ khi thấy đinh lăng được trồng xen kẽ với cao su. Chúng đã cao gần một mét, có những gốc đã to gần bằng ngón chân cái người lớn.

Ông Thơi cho biết, vườn cao su của ông rộng 2.200 mét vuông, cây đã được 5 năm tuổi, thời gian qua do giá mủ cao su xuống quá thấp nên ông chưa cho “mở miệng” thu hoạch mủ. Trong lúc chờ giá, ông Thơi được giám đốc Công ty Nông nghiệp Thiên Đường (gọi tắt là Công ty Thiên Đường) tư vấn về việc làm kinh tế gia đình bằng cách trồng cây đinh lăng xen kẽ với cao su. Nghiên cứu thêm, ông Thơi nhận thấy cây đinh lăng là giống chịu ẩm, chịu bóng râm, phù hợp với điều kiện sẵn có trong vườn cao su nên quyết định đầu tư “làm thử” theo hướng đã được tư vấn như trên.

Bước đầu, ông Thơi dùng máy cày cắt giữa hai hàng cao su thành hai luống đất, mỗi luống cao khoảng 30cm, để trồng đinh lăng. Sau đó, ông dùng ni-lông đen, phủ lên các luống đất để ngăn cỏ dại, chống xói mòn, đồng thời giữ ẩm cho đất. Khi chuẩn bị sẵn sàng, ông đầu tư vốn mua hơn 2.000 cây đinh lăng giống của Công ty Thiên Đường đem về trồng. Ông Thơi cho biết: “Lúc tôi mua, cây đinh lăng giống đã lên cao được khoảng 30cm có giá 6.000 đồng/cây”. Trên mỗi luống đất, ông trồng 2 hàng cây đinh lăng, mỗi cây được trồng cách nhau 40cm. Mỗi luống đinh lăng cách hàng cây cao su 1 mét. Thời gian đầu, ông Thơi dùng ống nhựa mỏng, có đục nhiều lỗ để tưới đinh lăng theo kiểu phun sương. Nhưng qua thực tế, ông nhận thấy tưới kiểu này không đều, không đủ sức cho cây phát triển. Những tháng gần đây, khi cây đinh lăng đã lớn, ông Thơi tháo bỏ toàn bộ lớp nhựa phủ trên luống đinh lăng và tưới theo kiểu bơm nước cho ngập các rãnh giữa hai luống, rồi dùng gàu tát nước lên gốc đinh lăng theo kiểu tưới ruộng đậu phộng. “Tưới kiểu này, nước thấm tự nhiên và đủ ướt cho cây đinh lăng”- ông tự nhận xét về cách làm của mình.

Sau 6 tháng, vườn đinh lăng của ông Thơi đã cao lớn, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật. Lẽ ra, ông đã có thể thu hoạch lá đinh lăng để bán cho Công ty Thiên Đường theo hợp đồng nhưng do thời điểm lúc đó mưa to, kéo dài liên tục nhiều ngày khiến là đinh lăng bị vàng, rụng gần hết. Nếu bẻ lá e sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, nên ông Thơi quyết định để nguyên đó. Vì thế mà cho đến nay, vườn đinh lăng đã hơn 8 tháng tuổi của ông vẫn chưa thu hoạch.

Tuy thế, ông Thơi vẫn tỏ ra rất kỳ vọng vào loại cây trồng mới này, ông tin nó sẽ đem lại lợi nhuận cao cho gia đình mình. Theo hợp đồng với bên thu mua, cứ 6 tháng ông sẽ thu hoạch lá đinh lăng tươi một lần, bán với giá 2.000 đồng/kg. Cứ đều đặn như thế, sau 3 năm sẽ thu hoạch toàn bộ lá, thân và rễ tươi bán cho bên thu mua, trong đó, phần thân và rễ có giá 20.000 đồng/kg. Theo ông, nhà nào có đất trống nên đầu tư trồng đinh lăng, vì trồng loại cây này ít tốn vốn, cây đinh lăng lại không kén đất, mà còn nhẹ công chăm sóc, không sợ sâu rầy, vài ba ngày tưới một lần cũng được.

“Trồng được vài trăm gốc là có tiền đi chợ thoải mái. Thời gian qua, nhiều bà con ở các huyện Bến Cầu, Tân Biên đã đến tham quan học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng trồng theo”- ông Thơi nói. Ông cũng chia sẻ những kinh nghiệm, rằng trồng đinh lăng trong vườn cao su tuy có lợi nhưng cũng có mặt hạn chế. Cái lợi là tận dụng được tàn cây cao su để che bớt nắng cho đinh lăng, vì loại cây này không phù hợp với ánh nắng chói chang, rọi chiếu trực tiếp.

Nếu trồng đinh lăng ngoài đất trống, thì phải dùng lưới che chắn hoặc trồng thêm loại cây nông nghiệp ngắn ngày, có tàn lá xoè rộng như đu đủ chẳng hạn, để “hãm” bớt ánh nắng cho cây đinh lăng. Tuy nhiên, trồng cây đinh lăng trong vườn cao su có mặt hạn chế là cây trồng bị chia xẻ, cạnh tranh dinh dưỡng.

Ông Thơi cho biết: trước khi trồng, ông đã dùng máy cày cắt luống, lên rò để bảo đảm khô ráo cho cây đinh lăng và cắt bớt rễ con của cây cao su, không cho chúng ăn vào phần đất trồng đinh lăng. Nhưng rễ cao su mọc trở lại rất nhanh và vẫn ăn lòn sang. Ông nói: “Phân bón cho đinh lăng bị cao su ăn hết bảy, tám phần. Bằng chứng là mấy năm nay, tôi không bón phân cho cao su nhưng chúng vẫn tươi tốt, ra lá xanh đen”

Ông Đỗ Hoàng Phúc- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh cung cấp thêm thông tin, ở xã này có hai hộ trồng cây đinh lăng theo mô hình trồng chung với cây cao su. Hộ còn lại làm theo cách: rong chặt cây cao su, tạo thành những khoảng trống nhỏ trong vườn để lấy ánh sáng cho đinh lăng. Hiện tại, chưa thể đánh giá cách làm nào hiệu quả hơn mà phải chờ thu hoạch sau ba năm mới biết chính xác được.

Theo anh Phúc, mô hình hợp đồng trồng cây đinh lăng cơ bản phù hợp với những hộ gia đình có diện tích đất nhỏ lẻ. Có doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, có hợp đồng thu mua sản phẩm là điều thuận lợi, trước mắt là tạo hướng đi mới cho bà con nông dân. Tuy nhiên, vị Chủ tịch Hội Nông dân xã cũng có phần dè dặt, chưa dám khuyến khích bà con nông dân dốc túi đầu tư cho mô hình này. Thực tế cho thấy, từng có không ít mô hình sản xuất, trồng trọt ra đời và rộ lên thành phong trào rồi… tắc tị, chỉ vì bí khâu “đầu ra” sản phẩm.

Vườn đinh lăng hơn 8 tháng tuổi của ông Thơi phát triển trở lại sau thời gian mưa bão kéo dài.

Đến tham quan trụ sở Công ty Thiên Đường toạ lạc tại ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, chúng tôi thấy ở đây có trưng bày những bình rượu đinh lăng và trà túi lọc có thành phần nguyên liệu là cây đinh lăng. Ông Trần Hoài Việt- Giám đốc Công ty giới thiệu, công ty này thành lập đã được ba năm nay, hiện đang có nhu cầu mua cây đinh lăng để sản xuất trà túi lọc và rượu đinh lăng.

Về quy mô hoạt động, hiện công ty có 6 trại ươm cây giống với số lượng cả chục ngàn cây đinh lăng, loại lá nhỏ. Mỗi cây giống đã trồng năm tháng tuổi, cao từ 25- 30cm, có giá 6.000 đồng. Khi nông dân mua về trồng, tỷ lệ cây giống bị hao hụt khoảng 1% nhưng công ty sẵn sàng bù cho đến 2%. Công ty có nhân viên hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hoạch và sẽ thu mua sản phẩm trở lại theo hai dạng. Dạng thứ nhất là mua thân, cành, gốc, rễ với đơn giá cố định 20.000 đồng/kg. Dạng thứ hai là chỉ mua lá với giá 2.000 đồng/kg.

Cây trồng từ 6-8 tháng là có thể thu hoạch đợt đầu tiên, bình quân được một ký, trong đó có nửa ký lá và nửa ký cành. Một ha đất vườn trồng 30.000 gốc đinh lăng có thể đem lại 300 triệu đồng. 6 tháng sau, thu hoạch đợt thứ hai, được khoảng 300 triệu đồng nữa. Tính tổng cộng thu nhập là 600 triệu đồng/năm/ha. Riêng tiền bán lá đủ trả chi phí thuê nhân công thu hoạch. Sau ba năm thu hoạch như thế, củ (rễ) cây đinh lăng đã tích luỹ đủ chất dinh dưỡng, công ty sẽ mua lại toàn bộ để làm nguyên liệu sản xuất trà, rượu.

Ông Việt chia sẻ thêm, về mặt kỹ thuật, cây đinh lăng thích hợp với nhiệt độ từ 23- 280C. Nếu nhiệt độ quá cao sẽ làm cây chậm phát triển. Ở Tây Ninh do nắng gắt, nhiệt độ khá cao, nên trồng đinh lăng xen kẽ trong vườn cao su hoặc vườn cây ăn trái như cam, xoài, bưởi có tán mát.

Về việc thu mua, ông Việt cho hay, do nhu cầu nguyên liệu ổn định để sản xuất, công ty đã hợp đồng trồng hàng trăm ha ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lăk, Quân khu 5. Riêng ở Tây Ninh, công ty đã hợp đồng với nông dân trồng được 36 ha và chỉ có nhu cầu hợp đồng thêm khoảng 50 ha, không thể nhiều hơn.

Ở Tây Ninh, người trồng đinh lăng chỉ thực hiện với quy mô nhỏ- từ 1.000- 2.000 mét vuông, không tập trung diện tích lớn. Hiện nay, Công ty Thiên Đường ký hợp đồng cố định với người trồng trong thời gian ba năm. Sau đó, căn cứ vào tình hình sản xuất, công ty sẽ xem xét về việc mở rộng quy mô.

Trồng cây đinh lăng với số lượng lớn là một mô hình làm kinh tế mới lạ. Người trồng nên tham khảo kỹ về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cũng như nội dung hợp đồng của doanh nghiệp để tránh mọi rủi ro có thể xảy ra.

Đại Dương - Thái Hoà

Đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm, là một loài cây nhỏ thuộc chi đinh lăng (Polyscias) của họ cuồng cuồng (Araliaceae). Ở nước ta, đinh lăng được trồng từ lâu, phổ biến ở vườn gia đình, đình chùa, trạm xá, bệnh viện để làm cảnh, làm thuốc và gia vị. Lá cây này được sử dụng như rau sống, có thể ăn kèm trong món gỏi cá. Theo y học cổ truyền, toàn cây đinh lăng, gồm rễ, thân, lá đều có thể sử dụng làm thuốc với nhiều công dụng khác nhau. Rễ cây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết. Lá đinh lăng có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ.

 

 

  • ĐẠI DIỆN CÔNG TY THIÊN ĐƯỜNG XIN CẢM ƠN ANH ĐẠI DƯƠNG, ANH THÁI HÒA VÀ TẤT CÃ ANH CHỊ BÁO TÂY NINH ĐÃ VIẾT BÀI CHIA SẺ MÔ HÌNH DỰ ÁN CÂY ĐINH LĂNG ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI! <br /> CÔNG TY THIÊN ĐƯỜNG KÍNH MỜI CÁC KHÁCH HÀNG GHÉ THAM QUAN DỰ ÁN DƯỢC LIỆU ĐINH LĂNG, CHÚNG TÔI CÓ ĐỘI NGŨ KỶ SƯ CHUYÊN NGHIỆP SẺ HƯỚNG DẨN TẬN TÌNH VỀ CÁC QUY TRÌNH CHĂM SÓC CÂY ĐINH LĂNG. <br /> GỌI NGAY VỀ CÔNG TY THIÊN ĐƯỜNG ĐỂ ĐƯỢC GIẢI ĐÁP: 0666 502 679 - 0931 249 679 - 0986 436 374. TRẦN HOÀI VIỆT(BAN GIÁM ĐỐC) ĐẠI DIỆN CÔNG TY <br /> XIN TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!

    TRẦN HOÀI VIỆT - Cách đây 7 năm