BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trung Quốc lên án biểu tình Hong Kong là 'khủng bố' 

Cập nhật ngày: 13/08/2019 - 08:45

Hôm 12-8, gần 200 chuyến bay ra vào Hong Hong đã bị huỷ bỏ sau khi gần 5.000 người biểu tình tràn vào sân bay khiến nơi này phải đóng cửa.

"Hoạt động hàng không tại Sân bay quốc tế Hong Kong đã bị gián đoạn nghiêm trọng do sự tụ tập của công chúng ở sân bay hôm nay", sân bay ra tuyên bố, hãng tin AFP cho hay.

"Ngoài các chuyến khởi hành đã hoàn thành thủ tục check-in và các chuyến bay đang hướng tới Hong Kong, tất cả các chuyến bay còn lại của ngày hôm nay bị hủy". Tuyên bố cũng cho biết giao thông tới sân bay "rất tắc nghẽn" và các khu đỗ xe đã kín. "Người dân được khuyên cáo không nên tới sân bay". Loa sân bay liên tục phát "Tất cả các chuyến bay đã bị hủy, hãy rời sân bay càng sớm càng tốt".

Hình ảnh hỗn loạn tại sân bay quốc tế Hong Kong ngày 12-8. Ảnh: CNN

Theo đài CNN, cuộc biểu tình ngày 12-8 không phải cuộc biểu tình đầu tiên nhắm vào sân bay Hong Kong do trong mắt người tham gia, sân bay là địa điểm quốc tế để phát đi thông điệp mà họ muốn truyền tải ra cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, một số người biểu tình lại cho rằng sân bay sẽ là một nơi an toàn hơn khi cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ đẫm máu khắp nhiều khu vực ở Hong Kong hôm 11-8.

Được biết, những cuộc đụng độ lớn giữa cảnh sát tại ga tàu MTR và người biểu tình khiến hơn 40 người phải nhập viện, trong đó có một phụ nữ bị trúng đạn ở mắt phải, nhiều khả năng không thể hồi phục. Sự việc làm bùng lên cơn giận dữ của những người biểu tình. Một số người biểu tình trong sân bay hôm 12-8 cũng mang bịt mắt để ủng hộ người phụ nữ nói trên. Cảnh sát cũng bị phát hiện bắn đạn hơi cay ở khoảng cách gần và trong không gian kín về phía người biểu tình, trong khi một cảnh sát bị bỏng sau khi bị người biểu tình ném bom xăng. 

Chia sẻ với CNN, chị Patsy Ko cho biết những hình ảnh từ vụ biểu tình 11-8 đã thôi thúc chị tham gia vào đợt biểu tình hôm 12-8. Đây cũng là lần đầu tiên chị tham gia biểu tình. "Tôi rất buồn khi trông thấy những người bị thương, tôi không thể ngủ được suốt đêm đó", Patsy Ko nói. 

Mặc dù một số hành khách của các chuyến bay bị huỷ bày tỏ sự thông cảm đối với những người biểu tình, một số khác lại tỏ ra bực bội và chỉ trích cuộc biểu tình làm gián đoạn công việc của họ.

Trước đó cùng ngày khi người biểu tình bắt đầu tràn vào sân bay, quan chức Trung Quốc đã kêu gọi sử dụng "bàn tay thép" để giải quyết "những hành vi bạo lực" ở Hong Kong. 

"Những người tham gia bạo loạn đã liên tục tấn công cảnh sát bằng những vũ khí nguy hiểm. Họ đã gây ra những tội ác nguy hiểm và bắt đầu biểu lộ dấu hiệu khủng bố. Đây là một sự xâm hại nghiêm trọng đến luật pháp và trật tự xã hội của Hong Kong, đe doạ đến tính mạng và sự an nguy của người dân đặc khu", phát ngôn viên Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau (HKMAO) Dương Quang chỉ trích. 

Theo CNN, việc gọi cuộc biểu tình Hong Kong là "khủng bố" cho thấy một sự chuyển biến đáng kể trong chính sách của Trung Quốc đối với đặc khu này. Điều này sẽ mở đường cho chính quyền đại lục có những đối sách cụ thể và cứng rắn và không loại trừ trường hợp có thể điều quân đội Trung Quốc hoặc cho phép cảnh sát đặc khu sử dụng bạo lực để đối phó. 

Hiện quân đội có thể sẵn sàng được triển khai một khi chính quyền đặc khu gửi yêu cầu hỗ trợ. Tuy nhiên, quan chức đặc khu cho đến nay đều phủ nhận phải cần đến giải pháp đó. Cũng trong ngày 12-8, cảnh sát Hong Kong đã cho sử dụng một phương tiện chống bạo động bọc thép được trang bị vòi rồng chưa xác định. Trong khi đó, chính quyền Thâm Quyến công bố một video quay cảnh lực lượng cảnh sát quân sự Trung Quốc diễn tập chống bạo động. 

Nguồn PLO