BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trương tộc ở Thanh Điền 

Cập nhật ngày: 10/01/2018 - 05:18

BTN - Bên con đường liên ấp Thanh Trung - Thanh Hoà, phần thuộc về ấp Thanh Trung, xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành có một ngôi nhà thờ họ. Ðấy là Trương phủ từ với ba đại tự gắn trên chiếc cổng kiểu tam quan. Trụ cổng xây gạch vuông, hai tầng mái ngói. Trên hai trụ giữa nổi bật đôi câu đối đắp bằng chữ Việt nên dễ đọc: Gầy sự nghiệp, tổ tiên lưu phước đức/ Lập gia tư, cháu chắt báo công ơn.

Trương tông đường, ấp Thanh Trung.

Qua một khoảng sân rộng lát gạch mới đến ngôi thờ tự. Nhà kiểu ba gian, cột tường gạch xây, mái ngói. Chung quanh và phía trước có hành lang. Mái ngói móc xoè ra bốn phía như kiểu bánh ít của đình, chùa Nam bộ. Tiếp liền với ngôi thờ, ở phía sau còn một nhà phụ giản dị với hai mái dốc, làm nơi kho chứa và chuẩn bị cỗ bàn khi dòng họ có việc chung. Nhìn bao quát chỉ thấy trầm ngâm một vẻ ngoài bình dị, mái ngói nâu trên những cột tường vàng. Và dường như cái không gian kiến trúc giản dị ấy lại càng làm nổi bật các ngai thờ trong ngôi nhà ba gian hai chái. Ba ban thờ có bệ xây, ban nào cũng nắn nót từng chi tiết gờ phào trắng, đỏ. Rồi tàn lọng hai màu đỏ vàng, chân nến, lư hương lấp lánh màu đồng. Hai bên, một phía trái là ban thờ các vị “Tằng tổ bá thúc huynh đệ”; bên kia là bàn thờ chơn linh “Tằng tổ cô dì, tỷ muội”. Bàn thờ chính giữa được trang trí đẹp nhất, với cả một bức phù điêu rồng, phượng bao quanh tấm đại tự đắp 4 chữ lớn bố cục trong hình tròn. Là “Thuỷ tổ cửu huyền”. Hai bên còn 4 ô tròn nhỏ hơn, khắc chữ Chơn, Linh, Trương, Tộc. Ðôi câu đối gắn trên ban thờ giữa cũng như đã bao quát đầy đủ cái tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dòng họ. Ðấy là: Sanh hoá ơn so trời biển rộng/ Khai cơ đức sánh núi sông dài.

Họ Trương là một trong những dòng họ lớn, có công khai phá lập nên đất xã Thanh Ðiền. Bản dự thảo “30 năm làm nên sự nghiệp anh hùng”, viết từ năm 1985 của Ðảng bộ xã có đoạn: “Trên mảnh đất Thanh Ðiền đã có con người (Việt) từ thế kỷ 17 (năm 1682). Những người dân đến đây là do từ miền Trung, Trung bộ kéo vào, vì họ đã chán ghét sự bất công của triều đình, chán ghét chiến tranh Trịnh-Nguyễn…”. Dần dà: “Ðến cuối thế kỷ 19, nhân dân Thanh Ðiền mới thật sự định cư (an cư-lập nghiệp) và cũng từ đó, trên mảnh đất này có nhiều họ tộc: họ Nguyễn, họ Trương, họ Lê, họ Võ, họ Phạm, họ Ðào, họ Phan, họ Ðỗ, họ Lâm v.v...”. Trong tập bản thảo này, họ Trương được kể khá dài và chi tiết, chiếm gần nửa các trang 6 và 7. Một đặc điểm quan trọng và cũng là ưu điểm của dòng họ này: “Ðã tạo được điều kiện để quy tụ họ tộc hơn 111 năm nay và luôn luôn đoàn kết trong họ, biết đỡ đần và dạy bảo con cháu không cho làm điều gian dối…”. Nhưng tại sao lại 111 năm? Chi tiết này cũng cần nghiên cứu lại, vì năm 1874 (cách 111 năm so với năm 1985), hầu như không có sự kiện nào đặc biệt với họ Trương.

Ngày mất của cụ Trương Thành Lang từ nhiều năm nay đã trở thành ngày giỗ tổ của tộc họ, vào ngày 25.9 âm lịch hằng năm, năm nay là vào ngày 12 và 13 tháng 11.2017. Các cụ cao tuổi của tộc họ cho biết, ngôi thờ tự chung chỉ mới có từ sau ngày giải phóng miền Nam 30.4.1975. Còn trước đó, đến ngày cúng thì mọi người cứ xoay vòng, tập hợp tại nhà một vị nào đó trong họ làm lễ giỗ. Ai có gì thì mang góp giỗ thứ ấy, không câu nệ nghèo, giàu. Cái tên Trương phủ từ cũng mới có gần đây, còn trước kia được gọi là “nhà thờ Trương tông đường”. Bảng chữ cũ ghi tên này, lập năm 1990 vẫn còn được trân trọng treo dưới mái ở hành lang phía trước.

Con đường liên ấp, từ đường 786 đi vào trở nên tấp nập đông vui hơn vào hai ngày lễ giỗ. Ngày trước chỉ toàn các cụ tuổi cao đến bàn việc và xem xét mọi việc chuẩn bị. Một số thanh niên trai gái cũng đến chăm lo công việc hậu cần. Trên mỗi bàn tiếp khách có những đĩa bánh tét, bánh ú nổi danh của đất Thanh Ðiền, gồm cả hai loại bánh chay và bánh mặn. Sang đến ngày sau, bước vào chính giỗ mới thật là đông. Có cả các nhà sư đến làm lễ, cùng các cụ trong Ban quý tế dâng hương, hoa, trà, rượu. Ngoài sân là các bàn phẩm vật cúng, với những mâm heo quay nguyên con đỏ bóng. Ðể ý mà xem, bao giờ cũng có thêm một bàn thờ mới đặt trước sân. Gia phả dòng họ chép rằng “Ðấy là bàn thờ vọng “đại thần Trương - Nhất - Túc” và “mỗi khi lập nghi cúng tại nơi giỗ họ, tiền bối chúng ta dạy phải vọng bàn thờ bên ngoài, như đã lưu truyền cho tới ngày nay…”. Còn chưa rõ mối liên hệ nào giữa họ Trương Thanh Ðiền với vị quan được dân phong là “đại thần Trương - Nhất - Túc” kể trên. Gia phả cũng chỉ viết sơ bộ rằng, ngài từng tham gia đánh Pháp sau Hoà ước 1862 cùng đội quân của Nguyễn Trung Trực. Ngài cũng đã hy sinh, được dân lập đền thờ tại một tỉnh ở miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nam bộ Trương Ngọc Tường thì truyền thuyết về Trương Nhất Túc có thể có nguồn gốc xa hơn, từ miền Trung hoặc Bắc.

Con đường đi tìm đất mới của họ Trương- Thanh Ðiền, theo gia phả thì ít nhất có đến hai chặng dừng. Một là ở xã Phước Tĩnh, thuộc vùng đất xưa được gọi Mô Xoài, nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ðấy là vào khoảng năm 1800, sau khi có một nữ nhân kiệt quê Bình Ðịnh theo đoàn quân Nguyễn Huệ vào quy dân lập ấp tại đây vào năm 1789.

Chặng dừng thứ hai là ở vùng Gò Vấp hiện nay, khi quan đại thần Trương Minh Giảng về trí sĩ khoảng năm 1850. Khi ấy: “Ngài bố cáo khắp vùng, ai có họ Trương thì về quy tựu với gia đình của ngài, cất nhà ở Gò Vấp và ngài cho làm ruộng ở An Phú Ðông”. Nhưng có lẽ do đất đai Gò Vấp khi ấy vẫn còn hạn hẹp, nên cuộc hành trình của dòng họ lại tiếp tục trên con đường thiên lý phía Tây (con đường Sứ, nay là lộ 782 và 784) đến Tây Ninh tìm đất mới. Và đến Tây Ninh, cũng có thể là theo chỉ dẫn của vị đại thần họ Trương nổi tiếng này. Bởi vì ông là một trong hai vị đại thần làm Kinh lược sứ của triều đình đã từng đến Tây Ninh vào năm 1836. Sách Ðại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng: “Ðến bây giờ bọn Kinh lược sứ Trương Minh Giảng và Trương Ðăng Quế, thân đến tận nơi, xem thấy từ cầu Tây Huê ngoài tỉnh thành (Gia Ðịnh) thẳng đến một con đường lớn phủ Kha Lâm, khoảng giữa có đồn Xỉ Khê, đất rộng, phẳng mà màu mỡ, người Kinh, người Phiên ở xen nhau, làm ăn cày cấy… Bọn Giảng bèn dâng sớ xin đặt phủ lỵ tại đấy, rồi tuỳ địa thế liên lạc nên chia hai huyện lệ thuộc vào…”. Và thế là, có sự ra đời của phủ Tây Ninh năm 1836 với hai huyện Tân Ninh và Quang Hoá. Ðến năm Minh Mạng thứ XIX (1838), thôn Thanh Ðiền thuộc tổng Hoà Ninh, huyện Tân Ninh được thành lập. Khoảng năm 1850, họ Trương đã tìm đến, khai cơ mở đất lập nghiệp tại ấp Thanh Trung. Dẫn đầu đoàn người ấy chính là cụ Trương Thành Lang. Cụ có 6 người con trai, nay được suy tôn là thuỷ tổ cửu huyền của họ Trương ở Thanh Ðiền. Mộ của cụ vẫn còn kia, cao và đẹp nhất trong khu nghĩa trang tộc họ. Sau lưng mộ gắn hai bài thơ, hai đôi liễn đối khắc vào bảng đá. Một trong hai đôi liễn đối ấy: Tổ phụ khai cơ gầy sự nghiệp/ Tử tôn truyền kiếp dựng cơ đồ.

Hơn 150 năm đã qua, tộc họ Trương- Thanh Ðiền vẫn giữ được nếp xưa, bảo bọc, giúp đỡ nhau trong cố kết cộng đồng, để cơ đồ của mỗi cá nhân và dòng họ mỗi ngày thêm mỗi sáng.

TRẦN VŨ