BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giáo dục Mầm non ngoài công lập:

Trường tư thục cũng…đói giáo viên 

Cập nhật ngày: 22/05/2019 - 07:03

BTN - Nhiều trường MNTT được xây dựng với cơ sở vật chất khang trang nhưng số phòng học “bỏ hoang” còn nhiều. Nguyên nhân là do thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở MNTT chưa chú trọng dạy học theo chương trình của Bộ GD&ĐT, chỉ đơn thuần là nuôi dưỡng, chăm sóc khiến trẻ cũng thụ động hơn so với các trẻ ở trường công lập.

Một cơ sở mầm non tư thục tại huyện Trảng Bàng. Ảnh: Tấn Trung

Trong giáo dục, có một vấn đề không mới nhưng luôn được đặt ra, đó là mạng lưới trường lớp thuộc bậc học mầm non dành cho con em công nhân tại các khu, cụm công nghiệp. Trong 9 huyện, thành phố, Trảng Bàng là nơi tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp nhất. Hàng chục ngàn công nhân từ nhiều tỉnh, thành khác đang làm việc, sinh sống ở đây, đặt ra cho ngành Giáo dục tỉnh nhà một nhiệm vụ quan trọng: lo chỗ học cho con em công nhân, người lao động nhập cư.

KHÔNG GIAN CHẬT HẸP

Trước tình hình phát triển dân cư ở các KCN, số trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ, mầm non (từ 2 - 5 tuổi) cũng ngày càng tăng cao. Đồng thời, việc các trường mầm non, mẫu giáo (MNMG) công lập và ngoài công lập được cấp phép luôn trong tình trạng quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ cho người dân. Điều đó dẫn đến các cơ sở nhóm, lớp mầm non tư thục (MNTT) tự phát tại các xã tập trung KCN của huyện Trảng Bàng cũng tăng theo. Trong đó, hầu hết các cơ sở đều chưa chuẩn bị các điều kiện tối thiểu theo quy định của ngành Giáo dục; và một số chưa được cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo Trảng Bàng, hiện tại, toàn huyện có 16 trường MNMG (trong đó có 5 trường MNTT) và 183 nhóm trẻ, lớp MNTT. Một số trường, nhóm, lớp MNTT trên địa bàn huyện có sự đầu tư về cơ sở vật chất, môi trường giáo dục, an toàn. Chất lượng giáo dục trẻ chuyển biến tốt tạo điều kiện cho trẻ phát huy tính tích cực, mạnh dạn, tự tin thích nghi với môi trường giáo dục.

Đồng thời việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng đã đáp ứng cơ bản yêu cầu, nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Việc hình thành các nhóm, lớp MNTT góp phần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ tại các KCN, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng nhưng cũng gây không ít khó khăn trong công tác quản lý.

Ông Hà Minh Thuận- Chủ tịch UBND Thị trấn cho biết, vài năm trở lại đây, mặc dù các cơ sở MNTT đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ tại địa phương, chất lượng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc, giáo dục trẻ có tiến bộ nhưng còn hạn chế. Cơ sở MNTT vẫn còn nhiều hạn chế như diện tích cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, hoạt động của trẻ, công tác lưu mẫu thức ăn, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ chưa tốt.

Bà Phan Thị Bạch Yến- Phó Chủ tịch UBND xã An Tịnh cho biết, trên địa bàn xã có hai KCN Trảng Bàng và Khu chế xuất Linh Trung III, các cơ sở MNTT trên địa bàn xã phần nào đáp ứng nhu cầu gửi con của các công nhân tại địa phương. Thế nhưng, các cơ sở, nhóm lớp này thiếu sân bãi cho trẻ vui chơi, tập luyện, diện tích lớp chật hẹp, không thông thoáng, lớp học quá tải khiến trẻ không thoải mái, giáo viên quản lý không xuể, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy trẻ.

Trên thực tế, hầu hết các cơ sở MNTT được xây dựng trên đất nhà, đất thuê hoặc cải tạo lại từ nhà ở hiện tại. Dù diện tích hạn chế nhưng nhiều cơ sở vẫn nhận giữ số trẻ quá mức quy định dẫn đến việc quá tải. Nhiều cơ sở lý giải, mức thu học phí phù hợp với mức lương của công nhân mới có thể thu hút phụ huynh đưa trẻ đến trường. Nhưng với mức học phí như vậy chưa đủ để đầu tư tốt cho cơ sở vật chất, bảo đảm đủ thiết bị vui chơi cho trẻ như các trường công lập.

Ngoài ra, nhiều trường MNTT được xây dựng với cơ sở vật chất khang trang nhưng số phòng học “bỏ hoang” còn nhiều. Nguyên nhân là do thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở MNTT chưa chú trọng dạy học theo chương trình của Bộ GD&ĐT, chỉ đơn thuần là nuôi dưỡng, chăm sóc khiến trẻ cũng thụ động hơn so với các trẻ ở trường công lập.

Sự quá tải của một trường MNTT trên địa bàn huyện Trảng Bàng.

Chị Nguyễn Thị Loan Nhi, chủ Nhóm trẻ MNTT Tuổi Ngọc (xã An Hoà) cho biết, mặc dù cơ sở được xây dựng trên đất của gia đình nhưng khi hoạt động gặp không ít khó khăn. Số lượng trẻ gửi luôn biến động do phụ huynh hay thay đổi công việc, nơi ở; giáo viên, bảo mẫu không mặn mà với công việc và hay nghỉ việc. Cơ sở khó tuyển giáo viên mới vì lực lượng giáo viên mầm non tại địa phương còn thiếu. Hiện tại, cơ sở vẫn còn chỗ cho trẻ nhưng do thiếu giáo viên nên không thể mở thêm lớp.

Để đẩy mạnh công tác quản lý và nâng cao chất lượng nuôi dạy, chăm sóc trẻ trong độ tuổi MN, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành quy chế phối hợp thực hiện quản lý các cơ sở MNTT trên địa bàn huyện. Theo tinh thần này, tăng cường sự phối hợp giữa Phòng GD&ĐT với các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện thẩm định điều kiện xin thành lập trường của các cơ sở MNTT và thường xuyên giám sát, kiểm tra liên ngành các trường, cơ sở MNTT trong việc tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật.

“Để tăng cường công tác quản lý các cơ sở MNTT trên địa bàn huyện cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành. Đồng thời, để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo đảm an toàn cho trẻ, Phòng GD&ĐT huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở MNTT để có những biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế, quy định của ngành Giáo dục”- ông Huỳnh Thanh Hải- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện phát biểu.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT thông tin thêm, địa phương này đã, đang và tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện xã hội hoá giáo dục, cụ thể là khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp có tâm huyết với ngành Giáo dục tham gia xây dựng và phát triển các cơ sở MNTT đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân.

Trong đó, tập trung chủ yếu vào các mục tiêu nâng cao cơ sở vật chất, thiết bị và đồ dùng, đồ chơi ở các cơ sở MNTT. Đồng thời, đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN và đẩy mạnh công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách cho GVMN theo quy định.

CHẤN CHỈNH

Xung quanh những vấn đề của giáo dục mầm non ngoài công lập ở Trảng Bàng nói riêng, toàn tỉnh nói chung, bà Mai Thị Lệ, Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin, hiện tại, hai khu công nghiệp trên địa bàn huyện có 4 trường mầm non (2 công lập, 2 tư thục) và  21 nhóm lớp độc lập tư thục, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân.

Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, trên 90% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp.

Đề án cũng đề ra chỉ tiêu, năm 2020, trên 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai đề án được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng. Chủ trương của ngành Giáo dục là ưu tiên cho con công nhân lao động, hộ nghèo, tại 4 huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng và Dương Minh Châu, nơi có đông công nhân.

Đối với cơ sở GDMN ngoài công lập, ngành Giáo dục ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các trường mầm non ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục của tỉnh. Theo phân cấp quản lý, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố là nơi công khai chi tiết, cụ thể về quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục, trong đó có đất dành cho GDMN để các tổ chức và cá nhân biết, tham gia thực hiện.

Về đội ngũ, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cho Trường CĐSP Tây Ninh đào tạo giáo viên theo kế hoạch, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, cô nuôi dạy trẻ, đáp ứng giáo viên/lớp theo quy định hiện hành của ngành Giáo dục. Sở cũng đã tham mưu UBND ban hành ban hành Đề án hỗ trợ phát triển GDMN tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020, trong đó huyện Trảng Bàng được đầu tư mở rông trường MN tại 3 xã Lộc Hưng, Gia Lộc, Gia Bình- là những xã lân cận khu công nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân.

Nhiều cơ sở MNTT chưa bảo đảm diện tích, trẻ phải nằm ngủ dọc hành lang.

Để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế của cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập,  lãnh đạo Sở cho biết, theo phân cấp quản lý, UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ. UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục.

Phòng GD&ĐT thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Mặc dù vậy, Sở GD-ĐT, với chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng GD-ĐT triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non, phân công các trường MNMG công lập hỗ trợ các cơ sở GDMN tư thục trong địa bàn tổ chức hoạt động bảo đảm quy chế chuyên môn và bảo đảm an toàn cho trẻ.

Hằng năm, Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về các văn bản quy định của ngành, về đạo đức nhà giáo, an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức các hoạt động giáo dục cho 100% chủ cơ sở và giáo viên/người trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc trẻ tại các cơ sở GDMN tư thục. Sở GD-ĐT giao cho Trường trung cấp Tân Bách Khoa mở các lớp đào tạo bồi dưỡng cho các chủ nhóm, bảo mẫu bảo đảm các điều kiện theo quy định.

Song song đó, Sở tổ chức thanh kiểm tra toàn diện đối với các cơ sở GDMN tư thục đặc biệt các nhóm lớp độc lập tư thục ở khu, cụm công nghiệp. Phòng GD&ĐT các huyện đã thường xuyên kiểm tra, rà soát các điều hoạt động đối với các cơ sở GDMN thuộc địa bàn quản lý. Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ sở GDMN thể hiện sự tích cực trong việc chấn chỉnh, sửa sai và từng bước nâng cấp cơ sở vật chất: phòng học, nhà bếp, khu vực vệ sinh cho trẻ theo quy định.

VIỆT ĐÔNG - NGỌC BÍCH