BAOTAYNINH.VN trên Google News

Truy xuất nguồn gốc rau

Cập nhật ngày: 18/02/2017 - 09:12

Sau các sản phẩm chăn nuôi, các nhà quản lý, người tiêu dùng giờ đây có thể dễ dàng truy tìm quá trình hình thành và lưu thông các loại rau trên thị trường bằng điện thoại thông minh đang được áp dụng trong các hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C và AEON.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2016, các cơ quan chức năng không phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép ở các vùng sản xuất rau của địa phương này; năm 2015, tỷ lệ mẫu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng chỉ khoảng 1%. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà quản lý và người tiêu dùng không thể nhận diện được sản phẩm rau nào an toàn, sản phẩm nào không an toàn thông qua tiếp xúc thông thường. Do vậy, các cơ quan quản lý đã triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau để qua đó, người tiêu dùng có thể biết nông dân nào sản xuất, sản xuất ở đâu và cá nhân, tổ chức nào cung cấp, phân phối sản phẩm rau...

Theo đó, hiện tại có các sản phẩm rau cải ngọt, cải xanh, cải ngồng, cải thìa, mồng tơi, rau dền, rau muống, rau lang… được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc trên bao bì cho phép người sử dụng kiểm tra nguồn gốc thông qua ứng dụng Zalo trên điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android hoặc các phần mềm quét mã QR trên điện thoại.

Tại Hà Nội, mặc dù hiện nay việc truy xuất nguồn gốc rau bằng điện thoại thông minh chưa được phổ biến, nhưng tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, người tiêu dùng có thể lựa chọn những sản phẩm rau an toàn có nguồn gốc được truy xuất thông qua tem dán trên bao bì sản phẩm. Toàn TP Hà Nội hiện có hơn 12 nghìn ha đất canh tác rau an toàn, sản xuất hơn 40 loại rau. Mạng lưới tiêu thụ rau an toàn của Hà Nội được phát triển với khoảng 100 cửa hàng, hàng chục điểm phân phối tại khu dân cư, cơ quan và hơn 30 siêu thị. Để tránh việc các đối tượng xấu đưa rau không rõ nguồn gốc trà trộn vào các điểm bán rau, thành phố đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Cơ quan chức năng cũng kiểm tra chặt chẽ về điều kiện kinh doanh, việc đóng gói rau an toàn, nhất là truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, kiểm tra việc ghi nhãn, dán tem nhận diện sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Trong thời gian tới, cũng sẽ áp dụng việc truy xuất nơi cung ứng rau an toàn thông qua chứng minh được hồ sơ, quản lý bằng phần mềm, máy tính, điện thoại thông minh, giúp người tiêu dùng có nhiều kênh thông tin để lựa chọn, kiểm soát.

Áp dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản nói chung và rau nói riêng, phục vụ nhu cầu đời sống của người tiêu dùng là một việc làm quan trọng. Qua đó, một mặt góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân, mặt khác đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật, giúp các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính đứng vững trên thị trường và yên tâm trong việc đầu tư xây dựng thương hiệu, chất lượng hàng hóa của mình. Người tiêu dùng cũng mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước có các chương trình nhận diện sản phẩm đa dạng, phổ biến để trực tiếp và nhanh chóng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Nguồn Báo Nhân dân