Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ ASEAN: Ấn Độ - Thái Bình Dương với 'Chiến lược kim cương' 

Cập nhật ngày: 14/11/2017 - 08:34

Trong cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên tại Manila, Philippines sau một thập niên đứt đoạn, Ấn Độ - Nhật Bản - Australia - Mỹ đều công nhận rằng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do” và “rộng mở” là lợi ích chung của các bên.

Cuộc họp diễn ra trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 (ASEAN-31) và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 12 tại Manila từ ngày 12-14/11.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo các cuộc tham vấn 4 bên nêu trên được tổ chức nhằm bàn thảo những vấn đề cùng quan tâm trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương với trọng tâm là sự hợp tác dựa trên tầm nhìn và giá trị chung về thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Các bên nhất trí rằng một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Ngoài ra, các quan chức cũng trao đổi quan điểm về tăng cường kết nối và giải quyết những thách thức chung về chủ nghĩa khủng bố.

“Chiến lược kim cương”

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam dự APEC-25 và thăm chính thức Việt Nam, trong chuyến hành trình châu Á đầu tiên tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, cho thấy khu vực này nằm trong ưu tiên cao của chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Mỗi trạm dừng chân, có một chương trình nghị sự riêng và mối quan tâm riêng. Nhưng bản thân chuyến thăm đã thể hiện việc nước Mỹ quan tâm tới châu Á, bất chấp những tuyên bố chính sách đối ngoại nhiều khi gây hiểu lầm của Tổng thống thứ 45 nước Mỹ.

Khi các quan chức Mỹ chuẩn bị nghị trình của Tổng thống Mỹ thăm châu Á, điều được giới quan sát ghi nhận, đó là chính quyền Tổng thống Trump đã không dùng cụm từ châu Á-Thái Bình Dương, mà gọi là khu vực “Ấn-Thái” (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương).

Ở Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe và cộng sự còn khởi xướng "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" với cốt lõi là "Chiến lược kim cương", ý chỉ liên kết bốn nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Ông Abe đã trao đổi với ông Trump về chiến lược này khi ông Trump thăm Nhật Bản. Ấn Độ và Australia hưởng ứng rất nhiệt tình.

Cách tiếp cận ở ý tưởng này đơn giản là phạm vi khu vực rộng lớn hơn thì trung tâm khu vực sẽ dịch chuyển và định hướng chiến lược cũng như ưu tiên chiến lược cũng sẽ khác. Sâu xa ở phía sau là chủ ý tạo dựng cuộc chơi địa chính trị mới để bảo toàn và thực hiện tốt hơn những lợi ích chiến lược cơ bản cũ cũng như mới.

Vậy thì khu vực “Ấn-Thái” có nội hàm gì mới mẻ so với việc gọi nó là “châu Á-Thái Bình Dương”? Chí ít, nó có một số hàm ý như nó liên kết hai vùng biển rộng lớn của thế giới trong một hệ thống chiến lược lớn hơn; thể hiện được tầm quan trọng của sự trỗi dậy của Ấn Độ; cho thấy cuộc cạnh tranh chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ tập trung vào việc kiểm soát các đại dương.

Trong chuyến thăm châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục dùng cụm từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các bài phát biểu.

Ông Donald Trump trong bài phát biểu 4.950 từ tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Đà Nẵng, 10/11/2017, đã 9 lần đề cập đến cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Sự điều chỉnh tư duy đối ngoại của chính quyền Mỹ đối với châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nếu đi kèm với những biện pháp cụ thể và kiên trì, có thể tạo ra một cách tiếp cận địa-chính trị mới và một kiểu tập hợp lực lượng mới ở các khu vực rộng lớn này của thế giới.

Cuộc hội đàm diễn ra tại Manila vào ngày 12/11, sau gần 1 tháng kể từ khi Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kano tiết lộ các cuộc tham vấn đã được khởi động nhằm chuẩn bị cho cuộc tham đối thoại “cấp lãnh đạo” giữa 4 nước.

Lần cuối cùng quan chức 4 nước gặp nhau là vào tháng 5/2007 cũng tại Manila, bên lề Diễn dàn Khu vực ASEAN. Cùng năm đó, Ấn -  Nhật - Australia- Mỹ đều tham gia cuộc tập trận Malabar vào tháng 9.

Phải mất một thập niên để cả 4 thành viên họp lại với nhau một lần nữa và lần này có sự tham gia của các quan chức cấp cao trong bộ ngoại giao các nước.

Nguồn chinhphu


Liên kết hữu ích