Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bước vào nghề y:

Từ bỡ ngỡ đến đam mê 

Cập nhật ngày: 27/02/2019 - 05:57

BTN - Trường trung cấp Y tế Tây Ninh là nơi chuyên đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành Y tế tỉnh nhà. Nơi đây, chúng tôi đã gặp nhiều bạn trẻ có chung niềm say mê với nghề nghiệp cao quý nhưng cũng không kém phần vất vả, nhọc nhằn.

Một giờ thực hành của thầy và trò Trường trung cấp Y tế.

Người đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là bạn Trần Hồng Phước (22 tuổi), ngụ xã Trường Đông, Hoà Thành. Phước hiện học năm thứ 2 ngành Dược. Phước vui vẻ “bật mí”: “Mơ ước lớn nhất của em là có thể chế ra một loại thuốc điều trị bệnh. Từ nhỏ, em đã được nghe mẹ kể về hình ảnh đẹp của người bác sĩ. Em hình dung họ như những thiên thần và em luôn nghĩ về điều đó rồi đam mê nghề y không dứt”.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phước chọn vào học Trường cao đẳng Nghề trong tỉnh. Nhưng niềm đam mê với ngành y, sau hai năm học cao đẳng, Phước lại ôn tập, thi vào ngành Dược của Trường trung cấp Y tế tỉnh. Phước tự tin chia sẻ: “Học xong, em sẽ cố gắng kiếm việc làm, rồi tiếp tục học liên thông lên cao đẳng, đại học. Dù gian khó và phải đi vòng nhưng em sẽ không từ bỏ ước mơ vào ngành y của mình”.

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hường, sinh năm 1999, ngụ tại xã Thành Long, huyện Châu Thành lại đến với ngành y một cách tình cờ. Vốn yêu thích ngành kinh tế, nên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Hường đã chọn và thi đậu Trường đại học Tài chính Marketing. Nhưng lúc đó, ba Hường sức khoẻ không được tốt, Hường không thể đi học xa nhà. Thế là, được ba hướng nghiệp cho, Hường đã quyết định chọn học ngành điều dưỡng ở Trường trung cấp Y tế Tây Ninh.

Ban đầu khi mới vào học, cô tân sinh viên Ngọc Hường không nghĩ rằng nghề điều dưỡng sẽ gặp nhiều vất vả, áp lực như thế. Hường tâm sự: “Vào trường, tụi em học liên tục, lý thuyết song song với thực hành. Vừa học, vừa phải đi thực tập tại bệnh viện, điều này khiến nhiều bạn cũng như bản thân em thấy căng thẳng, áp lực lắm”. 

Nhưng sau thời gian quen dần với việc học, thực tập, được quan sát và học hỏi, Hường bắt đầu công việc của một điều dưỡng như chích thuốc, lấy máu cho người bệnh. Cô gái trẻ cho biết: “Lần đầu tiên lấy máu của bệnh nhân, dù đã chuẩn bị tinh thần, kỹ năng, nhưng em vẫn không tránh khỏi sự lo lắng và hồi hộp. Biết em là sinh viên thực tập, bệnh nhân không tin tưởng và không chịu cho em lấy máu.

Nhưng sau một hồi thuyết phục, em đã nhận được sự đồng ý của người bệnh. May mắn, thao tác lấy máu diễn ra suôn sẻ”. Dần dần, Ngọc Hường đã tạo được niềm tin nơi người bệnh. Điều này làm Hường cảm thấy rất vui, tự tin hơn rất nhiều để tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp của mình.

Trong thời gian thực tập ở bệnh viện, Hường chứng kiến các y, bác sĩ rất nhiều áp lực, nhưng ai cũng nhiệt tâm, góp sức cứu người. Nhìn bệnh nhân được điều trị kịp thời, Hường cảm nhận được hạnh phúc với công việc của mình. Hường chia sẻ: “Sau gần hai năm học nghề điều dưỡng, em cảm thấy rất thích thú, yêu nghề hơn. Em thích chăm sóc bệnh nhân, được nhìn thấy những em bé chào đời khoẻ mạnh”.

Nghề điều dưỡng hiện nay đối mặt với nhiều vất vả, áp lực, nhưng với lối sống lạc quan, quan niệm sống tích cực là “cố gắng làm hết mình, xem người bệnh như người nhà”, Ngọc Hường tin rằng mình có thể làm tốt công việc trong tương lai.

Còn bạn Võ Thị Thanh Thuý ngụ xã Trí Bình, huyện Châu Thành hiện đang học năm 2 ngành điều dưỡng. Thanh Thuý tâm sự, bạn chọn nghề y vì mục đích cao đẹp của nghề là chữa bệnh, cứu người. Thuý cho biết gia đình làm nghề nông, không có ai theo nghề y. Thuý theo đuổi nghề y với mong muốn sẽ có kiến thức để chăm sóc ba mẹ lúc tuổi già.

Vốn tính nhút nhát, nên vào học Thuý rất lo lắng. Dù vậy, Thuý luôn cố gắng học hành chăm chỉ. Bạn khẳng định: “Có những khó khăn mình phải biết đối diện để giải quyết. Nếu mỗi khi gặp trở ngại, khó khăn mà chỉ biết trốn tránh thì khó khăn sẽ theo mình suốt đời, làm sao trưởng thành được”.

Nhận thức đây là nghề có liên quan đến mạng người nên Thuý dần thay đổi, khắc phục sự rụt rè của bản thân. Từ một học viên nhút nhát, ngại giao tiếp, Thuý dần thay đổi, mạnh dạn, tự tin hơn. Khi gặp vấn đề gì chưa hiểu bạn hỏi thầy cô, dành thời gian nghiên cứu, rèn luyện chuyên môn. Giờ đây bạn yêu thích, tự tin hơn khi bước vào nghề. Trong những lần thực tập, mỗi khi hoàn thành việc như thay băng, chích thuốc được bệnh nhân vui vẻ, nói lời cảm ơn là Thuý vui lắm.

Bạn Đào Trường Thọ, sinh năm 1998, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu ban đầu cũng lựa chọn ngành y theo sự hướng nghiệp của người thân. Sau gần 2 năm theo học ngành Y sĩ ở Trường trung cấp Y tế Tây Ninh, Thọ đã bắt đầu yêu thích, đam mê nghề.

Thọ cho biết trong quá trình học, bản thân gặp nhiều khó khăn, trong đó có những kỷ niệm “để đời”. Thọ từng sợ hãi, hoang mang khi chứng kiến cảnh bệnh nhân qua đời, cảnh bệnh nhân nhập viện trong tình trạng máu chảy rất nhiều máu, hoặc gặp phải bệnh nhân khó tính, hay la mắng. Những nỗi sợ đó đã khiến bạn thấy căng thẳng, thậm chí nản lòng. Nhưng được sự động viên của gia đình, sự dạy bảo tận tình của các y, bác sĩ và thầy, cô, Thọ dần làm quen. Đến giờ, bạn đã có đủ tự tin tiếp tục theo đuổi nghề đã chọn.

Thọ nhận thức được rằng nghề y là một nghề vất vả, chịu nhiều áp lực bởi gánh trên vai tính mạng, sức khoẻ của người bệnh. Nên mỗi khi khoác trên người chiếc áo blouse trắng, Thọ luôn tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng trau dồi nghề. Thọ bày tỏ: “Em mong muốn khi ra trường sẽ tìm được nơi làm việc ổn định, từ đó có cơ hội học tập, nâng cao tay nghề, chăm sóc sức khoẻ cho mọi người”.

VI XUÂN - CHÂU PHA