BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ “kinh tế chia sẻ” đến “chính quyền vì dân” 

Cập nhật ngày: 24/07/2017 - 05:46

BTN - Hãy hình dung một thành phố vì dân là một thành phố mà nơi đó mọi người nghèo được nâng đỡ, tầng lớp trung lưu vững mạnh và người giàu được tôn trọng, bởi tất cả họ đều cùng chung sức cho một thành phố tốt đẹp...

Người dân đến liên hệ thủ tục hành chính tại bộ phận Tiếp nhận và giao trả kết quả thành phố Tây Ninh.

KINH TẾ CHIA SẺ- YẾU TỐ QUAN TRỌNG TRONG XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN VÌ DÂN

Thật ra, “Kinh tế chia sẻ” là tập tính quen thuộc của xã hội ta từ xưa. Cụ thể như những ngày lễ tết, nhiều người cùng đến một gia đình chia sẻ thời gian, công sức, kể cả tiền bạc để làm cỗ, gói bánh chưng… hay như khi xã hội còn chưa phát triển, “bạn cấy”, “bạn gặt” trong canh tác lúa nước cũng là một mô hình của kinh tế chia sẻ.

 Từ đó, “kinh tế chia sẻ” là tên gọi dùng cho hiện tượng mới nổi lên trong khoảng 10 năm trở lại đây, với nhiều tên như kinh tế hợp tác, tiêu dùng hợp tác...

Trong đó, những người có nguồn lực dư thừa hoặc nguồn lực chưa sử dụng tới như thời gian, xe cộ, nhà ở... bên cạnh là những người muốn sử dụng dịch vụ đó, nguồn lực đó nhưng thiếu thông tin, không biết tìm ở đâu, làm thế nào nên phải cần có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để kết nối lại với nhau.

Ví dụ như gia đình có dư phòng ở, cần cho thuê, người dân chỉ cần đưa thông tin lên ứng dụng trên mạng để người cần tìm chỗ ở tự tìm đến thuê. Kết quả là người cho thuê nhà có thêm thu nhập, người thuê nhà tìm được chỗ ở phù hợp, giá thuê vừa túi tiền.

Kinh tế chia sẻ còn mang lại những cơ hội lao động cho người dân, nhờ vào kinh tế chia sẻ, nguồn lực sẵn có trong xã hội được người dân chia sẻ với nhau sẽ góp phần phát huy tác dụng tối ưu của những nguồn lực.

Đồng thời góp phần tương tác trong cộng đồng, tương tác chính quyền với người dân, người dân với chính quyền để cùng chung tay xây dựng xã hội ngày càng phát triển.

Thành phố Tây Ninh đang triển khai xây dựng mô hình “chính quyền vì dân”, do đó, kinh tế chia sẻ là điều mà Thành phố đang quan tâm để có biện pháp khơi dậy nguồn lực trong dân.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh, thời gian qua, ở Thành phố có các mô hình ít nhiều mang dáng dấp kinh tế chia sẻ như từ thiện, tương trợ cất nhà ở, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình… tuy nhiên, hầu hết đều mang tính chất tự phát, chưa có sự định hướng của chính quyền.

Vì vậy, để những mô hình từ thiện, xã hội này phát triển, phải có sự tham gia của chính quyền, tạo điều kiện, tập hợp lại để phục vụ tốt nhất cho người dân, đặc biệt đối với những người yếu thế, các hộ gia đình nghèo, khó khăn…

Ông Trần Hữu Hậu- Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho rằng, với tinh thần đó, có 2 việc quan trọng trong xây dựng chính quyền vì dân, là chính quyền phải làm như thế nào để khơi dậy các nguồn lực đang tiềm ẩn, đang bị… “lãng phí”.

Trong đó đối với việc huy động nguồn lực, lâu nay nói nhiều đến chuyện huy động nguồn lực qua kêu gọi đầu tư, nhưng lại quên mất rằng nguồn lực sẵn có còn nhiều. Nguồn lực ở đây là bao gồm cả tiền bạc, vật chất, đồng thời có cả tấm lòng, tình cảm và tính cộng đồng; nguồn lực còn là những kỹ năng, kinh nghiệm… tất cả đều có thể được huy động, chia sẻ để tạo ra sức mạnh.

Vấn đề thứ hai là chính quyền làm sao tạo ra được sự kết nối, gắn kết giữa người dân với các tổ chức của mình, tổ chức của mình với dân cũng như gắn kết những người dân với nhau để tạo được sự đoàn kết cao.

Cũng theo ông Trần Hữu Hậu, thành phố Tây Ninh đang triển khai chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao nhằm ổn định sản xuất, tìm đầu ra thị trường cho nông sản... Lĩnh vực này có nhiều điều kiện để thực hiện, phát triển “kinh tế chia sẻ”.

Trong phát triển du lịch, loại hình homestay cũng là kinh tế chia sẻ, tạo điều kiện cho mỗi người dân có thể tận dụng những không gian trống trong nhà để phục vụ khách du lịch, vừa phát huy tiềm năng du lịch của Thành phố, vừa tạo thêm những sản phẩm mới cho du khách và mang lại thu nhập cho cá nhân, gia đình mình.

NÂNG CẤP CƠ SỞ DỮ LIỆU DÂN CƯ ĐỂ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO NGƯỜI DÂN TƯƠNG TÁC

“Thành phố vì dân” dựa vào 4 nền tảng chính có tác động qua lại với nhau. Điều đầu tiên chúng ta cần là một chính quyền liêm chính và hiệu quả. Thứ hai là sự tương tác giữa chính quyền và người dân, người dân với chính quyền và người dân với người dân. Thứ ba là sự tương tác đó cần dựa trên sự tương tác về kỹ thuật số.

Cuối cùng là cần xây dựng một “thành phố mở” theo nhiều nghĩa, trong đó có xây dựng hệ thống dữ liệu chung, quy chế sử dụng cơ sở dữ liệu mở để tạo sự tương tác giữa người dân với chính quyền.

Ông Trần Hữu Hậu cho biết, khi có chủ trương xây dựng chính quyền vì dân, Thành uỷ đã chỉ đạo các uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ, cán bộ, công chức phải đưa ra ý tưởng của mình về xây dựng phường, xã vì dân.

Tất cả các ý tưởng này được tập hợp lại, sau đó chuyển về cho các phường, xã nghiên cứu. Đồng thời, thông qua những hiểu biết cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, kinh nghiệm chính quyền phường, xã nâng cao nhận thức, từ đó đưa ra những nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng phường, xã vì dân theo 3 nội dung cốt lõi là “chính quyền vì dân, dân vì hệ thống chính trị, đoàn thể của mình và dân vì dân”.

Để xây dựng chính quyền vì dân, chính quyền từ thành phố đến các phường, xã  cần phải triển khai ngay những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực.

Theo đó, Thành phố cần triển khai cấp bách việc nâng cấp cơ sở dữ liệu dân cư; hoàn thành các phần mềm chuyên ngành để cùng phối hợp với tỉnh, đơn vị tư vấn kết nối liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu.

Đặc biệt, phần mềm hệ thống dữ liệu dân cư hoàn chỉnh từng bước cơ sở dữ liệu để triển khai sao cho tất cả mọi người dân đều có thể khai thác cơ sở dữ liệu, nhưng có sự phân quyền, phân loại.

Đồng thời, cơ sở dữ liệu do Thành phố xây dựng sẽ phục vụ cho tất cả, mọi doanh nghiệp, tổ chức đều có thể khai thác để phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, Thành phố sẽ có định hướng cho sự phát triển như du lịch homestay, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao... tất cả đều nằm trên cơ sở dữ liệu.

Đây là vấn đề Thành phố cần làm, để thấy rằng khi xây dựng chính quyền thực sự vì dân phải tạo được sự kết nối để người dân phát huy các nguồn lực.

Ông Trần Hữu Hậu nhấn mạnh, đối với mỗi phường, xã phải xác định và đề ra những nhiệm vụ cần làm và tổ chức làm ngay.

Đơn cử như gần đến năm học mới, chính quyền phường, xã phải vận động như thế nào để các hộ gia đình tại địa phương có những món đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em mà con em trong nhà không còn dùng nữa đem đến tặng cho các trường mầm non, tiểu học.

Hiện nay ở phường, xã có nhiều cá nhân rất có tinh thần tập thể, nên phát huy nguồn lực này để mọi người dân có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau.

Thành phố Tây Ninh không chỉ triển khai xây dựng chính quyền vì dân ở 3 phường, xã thí điểm, mà tất cả 7 xã, phường còn lại đều phải nhanh chóng triển khai thực hiện, nhằm cùng Thành phố sớm xây dựng được chính quyền vì dân một cách thiết thực và có hiệu quả trong thời gian tới.

THIÊN TÂM