BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tuần tra bảo vệ rừng giữa mùa mưa 

Cập nhật ngày: 01/07/2017 - 05:45

BTN - Đường tuần tra nước ngập mất lối đi, xe của cán bộ đi tuần phải bỏ lại bên ngoài, cả đoàn lội bộ nhiều cây số, có chỗ nước ngập sâu quá đầu gối. Nước đen ngòm, lá cây mục gặp nước bốc mùi ngai ngái, nhiều chỗ đường trơn trượt đi bộ cũng té lên, té xuống.

Cán bộ Kiểm lâm tuần tra khu vực rừng Long Phước, Bến Cầu.

Cuối tháng 6, mưa bắt đầu vào mùa, mưa dầm dề, có ngày mưa dài lê thê, tìm một chút nắng ở miền rừng biên giới Long Phước, huyện Bến Cầu cũng thật hiếm hoi. Theo chân các cán bộ Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Bến Cầu, chúng tôi được chứng kiến việc làm không dễ dàng của các anh trong một ngày tuần tra bảo vệ rừng mùa mưa.

Đường tuần tra nước ngập mất lối đi, xe của cán bộ đi tuần phải bỏ lại bên ngoài, cả đoàn lội bộ nhiều cây số, có chỗ nước ngập sâu quá đầu gối. Nước đen ngòm, lá cây mục gặp nước bốc mùi ngai ngái, nhiều chỗ đường trơn trượt đi bộ cũng té lên, té xuống.

Anh Nguyễn Thái Hồng, người có thâm niên công tác 30 năm trong ngành kiểm lâm cho biết: “Một năm có hai mùa, mỗi mùa có đặc điểm khác nhau, nên công việc cũng có cách làm khác nhau. Mùa nắng chúng tôi bảo vệ rừng bằng biện pháp phòng, chống cháy. Mùa mưa, nếu chúng tôi chủ quan, mất cảnh giác, sẽ không thiếu người “tranh thủ” lúc kiểm lâm sơ hở để lén lút chặt phá cây rừng. Vì vậy, mùa nào chúng tôi cũng phải bảo đảm công tác tuần tra, phối hợp với dân quân xã Long Phước, có kế hoạch bảo vệ rừng tuỳ theo đặc điểm của mỗi mùa”.

Mấy chục năm trong nghề, anh Hồng quen thuộc địa bàn nơi đây như lòng bàn tay, đặc điểm từng khu vực, từng cụm rừng, thậm chí từng cây rừng anh đều thuộc nằm lòng, vì vậy, “nhất cử nhất động” xảy ra trong địa bàn phụ trách đều không thoát khỏi con mắt tinh tường của anh. Chúng tôi hỏi đi rừng anh có sợ vắt cắn không? Anh Hồng vui vẻ nói: “Bị vắt cắn là thường xuyên, riết rồi cũng quen, cơ thể mình dường như cũng… thích nghi”.

Anh Lê Đình Kiệt, 35 tuổi có 7 năm gắn bó với tiểu khu 67, 68  thuộc địa bàn xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Anh kể, tốt nghiệp đại học Nông lâm, chuyên ngành Lâm sinh, anh được phân công ngay về phụ trách địa bàn này. Ban đầu còn bỡ ngỡ với nghề, mới nghe hai tiếng “lâm tặc” đã… nổi gai ốc.

Nhưng vì nhiệm vụ anh phải tự trấn an mình và suy nghĩ tìm cách đối phó với từng tình huống theo lời kể của những người đi trước. Từ đó, anh quen dần và làm tốt nhiệm vụ bảo vệ từng cánh rừng, từng cây cổ thụ quý báu, góp phần bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Anh Kiệt nhớ lại, trong quá trình đi làm nhiệm vụ tuần tra, phát hiện đối tượng có ý định chặt cây rừng, anh nhẹ nhàng nhắc nhở nhưng kiên quyết buộc họ dừng tay.

Được nhắc nhở, họ không tiếp tục phá rừng, nhưng sau đó lại đánh tiếng hăm doạ “coi chừng tao cho đàn em “luộc” mày”. Đáp lại, anh tìm cách tiếp cận, làm công tác tư tưởng cho họ hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ tài nguyên rừng, từ đó những người từng “để bụng” với anh đã lần lượt “bỏ nghề” không còn ý định lén lút chặt phá cây rừng. Trái lại, họ bắt đầu yêu mến anh, yêu mến lực lượng bảo vệ rừng và tự nguyện tham gia cùng các anh bảo vệ an ninh trật tự trong tiểu khu.

Anh Kiệt cho biết, đặc điểm rừng tiểu khu 67, 68 ở Phước Vinh, Châu Thành không có vành đai xung quanh. Vì vậy, những năm trước, người dân thường “tranh thủ” lấn rừng bằng cách trồng mì, cao su với diện tích mở rộng dần theo từng vụ, từng năm. Chỉ cần họ trồng thêm một cây cao su, diện tích rừng bị mất đi vài tấc. Thế rồi với sự đeo bám, đấu tranh kiên quết của lực lượng bảo vệ rừng, những năm gần đây, tình trạng tranh thủ lấn rừng” theo kiểu “ăn mòn” như thế không còn nữa, an ninh trật tự tiểu khu rừng được bảo đảm.

Anh Kiệt kể, việc đi tuần ở tiểu khu 67, 68 khá vất vả, mùa nắng đường đi nhiều cát, trong khi đường đất nào chẳng có chỗ lồi lõm, đang chạy xe trợt bánh xuống cát là bị té ngay. Còn mùa mưa chỗ lõm ứ đọng nước, chỗ sình lầy, tuy nhiên do nhiều năm “bám trụ” ở đây nên anh quen thuộc từng đoạn đường, từng khu vực trong tiểu khu, chỗ nào nguy hiểm, chỗ nào dễ đi anh đều thuộc lòng.

Ông Nguyễn Khắc Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Bến Cầu cho biết: “Năm nay lượng mưa nhiều hơn những năm trước, vì vậy chúng tôi cũng đỡ lo sợ cháy rừng. Tuy vậy, công tác phòng, chống cháy luôn là hàng đầu, không lơ là được. Đặc biệt, công tác tuần tra lại càng không được chủ quan trong mùa mưa, nếu lơ là sẽ bị không ít người phá rừng, lấn rừng”.

Ông Hùng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn Hạt Kiểm lâm phụ trách không xảy ra phá rừng, riêng địa bàn xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành trong quý I, qua kiểm tra phát hiện 1 trường hợp khai thác rừng trái phép tại khoảnh 1 tiểu khu 69, lực lượng tuần tra lập tức ngăn chặn ngay.

Kết thúc một ngày tham gia đi tuần, chúng tôi chia tay những người bảo vệ rừng trong lúc bầu trời vần vũ mây đen, sấm chớp bắt đầu nổi lên, báo hiệu một cơn mưa lớn đang đến. Những người giữ gìn chuẩn bị áo mưa cho một buổi tuần tra mới và họ lại đến với rừng trong đêm mưa để giữ cho những cánh rừng mãi mãi tươi xanh.

Sông Ninh

Ông Nguyễn Khắc Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Bến Cầu cho biết: “Nhiệm vụ của Hạt Kiểm lâm địa bàn là thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, phá rừng, lấn rừng. Chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan trên địa bàn và các tổ, đội bảo vệ rừng của các xã, có phương án ứng phó kịp thời khi xảy ra tình huống xấu, bảo đảm không để xảy ra việc cưa xẻ gỗ trái phép hoặc kinh doanh động vật hoang dã, không rõ nguồn gốc”.


 
Liên kết hữu ích