Đào tạo và phát triển nhân lực giai đoạn 2010 - 2017:

Từng bước đi vào nề nếp

Từng bước đi vào nề nếp

Lãnh đạo tỉnh tham quan một trung tâm nghiên cứu của Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

HÀNG CHỤC NGÀN NGƯỜI ÐƯỢC HỌC TẬP NÂNG CAO TRÌNH ÐỘ

Ðánh giá về kết quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn vừa qua, theo lãnh đạo Sở Nội vụ, chế độ tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác tuyển dụng công chức, viên chức gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, từ năm 2010 đến 2017 đã tuyển dụng được gần 600 công chức các cấp, hơn 3.000 viên chức sự nghiệp.

Trong thời gian qua, đã có 200 cán bộ, công chức thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho trên 15.000 viên chức các ngành. Ðối với việc thực hiện chính sách thu hút và dự nguồn công chức, căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã triển khai, tổ chức thực hiện chính sách đào tạo sau đại học và thu hút nhân tài. Kết quả, đối với chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, tỉnh đã cử đi học và hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học cho trên 1.000 trường hợp, thu hút 27 trường hợp tốt nghiệp đại học loại giỏi và tốt nghiệp thạc sĩ về công tác tại các sở, ngành thuộc tỉnh.

Về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển và thu hút nguồn nhân lực y tế, đã hỗ trợ trên 100 bác sĩ y khoa và chuyên khoa cấp I, II, tức đào tạo sau đại học. Cũng trong ngành Y tế, đã có hơn 200 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân được đào tạo đại học liên thông, 51 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân hộ sinh, kỹ thuật hình ảnh được đào tạo đại học chính quy và thu hút 31 bác sĩ về tỉnh công tác.

Về dự nguồn công chức tại các cơ quan hành chính, nhằm tạo điều kiện cho con em địa phương có trình độ chuyên môn đại học trở lên sau khi tốt nghiệp được cống hiến, phục vụ cho tỉnh nhà, từ trước những năm 2000, chính sách dự nguồn công chức của tỉnh đã được ban hành. Theo chính sách này, sinh viên sau khi tốt nghiệp được tiếp nhận làm dự nguồn công chức, được bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và được tạo điều kiện tham gia tuyển dụng công chức, viên chức theo đúng quy định.

Chính sách tạo nguồn công chức được thực hiện trong hơn 15 năm (1999-2015) đã bổ sung hơn 1.000 công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị các cấp của tỉnh (riêng giai đoạn 2010-2014 tỉnh đã tiếp nhận trên 300 sinh viên) đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của thực tiễn địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần chuẩn hoá đội ngũ.

Kể từ năm 2014 trở đi, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về việc không thực hiện hợp đồng lao động chuyên môn trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đồng thời, xuất phát từ áp lực thực trạng số sinh viên tốt nghiệp đại học có nhu cầu tìm việc cao trong khi số lượng biên chế chưa sử dụng trong các cơ quan, đơn vị không nhiều, Uỷ ban nhân dân tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 10/2015/NQ-HÐND ngày 15.4.2015 về chính sách đào tạo sau đại học và thu hút nhân tài, trong đó bỏ nội dung quy định về chế độ tạo nguồn công chức. Theo đó, số dự nguồn công chức được bố trí tại các cơ quan hành chính được chuyển sang chế độ hợp đồng với thời gian không quá 3 năm.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng được chú trọng và từng bước đi vào nền nếp theo yêu cầu chuẩn hoá, nâng cao chất lượng cán bộ, phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Các cấp, các ngành chú trọng đào tạo cán bộ diện quy hoạch gắn với phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, phát huy nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Việc học tập nâng cao trình độ về mọi mặt đã tạo được ý thức tự giác trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của từng cấp, từng ngành. Thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, từ năm 2010 đến năm 2017, toàn tỉnh có gần 20.000 lượt cán bộ được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Trung bình mỗi năm có trên 1.000 cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của các cấp, ngành. Tính đến nay, có trên 95% công chức cấp xã đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

Về xây dựng cơ cấu công chức gắn với vị trí việc làm, trên cơ sở các quy định và hướng dẫn của Trung ương, Sở Nội vụ đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Ðề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức cho 100% cơ quan hành chính. Sở Nội vụ đang thẩm định để phê duyệt Ðề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của 676 cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Việc bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức tại vị trí việc làm tương đối phù hợp với trình độ được đào tạo.

Nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ trong việc giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được quan tâm đúng mức. Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, cơ quan, đơn vị các cấp đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục công chức, viên chức đồng thời cử người tham dự các lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, năng lực cho cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ có kế hoạch kiểm tra công vụ thường xuyên, trong đó kiểm tra việc nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định của Chính phủ về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Kết quả thực hiện 3 đề án đào tạo của tỉnh:

 - Ðề án tạo nguồn chức danh Bí thư Ðảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2020: đã tổ chức được 2 lớp với số lượng 65 học viên.

 - Ðề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài giai đoạn 2010-2015: đã cử đi học và hỗ trợ kinh phí cho 2 trường hợp học tiến sĩ ở Trung Quốc, 1 tiến sĩ theo Ðề án 165 tại Úc, 6 thạc sĩ theo Ðề án 165.

- Ðề án về đào tạo học sinh, sinh viên học đại học, sau đại học giai đoạn 2010-2015: đào tạo 6 sinh viên trình độ đại học và 5 sinh viên trình độ thạc sĩ (trong đó có 1 sinh viên học thạc sĩ chuyên ngành Marketing tại Trường đại học James Cook - Singapore).

CẤP CƠ SỞ CÒN BẤT CẬP VỀ VỊ TRÍ VIỆC LÀM

Về công tác đào tạo và phát triển nhân lực trong thời gian gần 10 năm qua, lãnh đạo Sở Nội vụ đánh giá, giai đoạn 2010-2017, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đạt được một số kết quả nhất định.

Kết quả đào tạo được thực hiện theo đúng nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020, bổ sung dần cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao, đủ năng lực thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu công việc. Ðội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, loại hình đào tạo theo nhu cầu phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh, vừa đạt được các yêu cầu về cơ cấu ngạch công chức theo ngành, lĩnh vực. Các chương trình, đề án, quyết định và kế hoạch của tỉnh được ban hành hoàn toàn đúng đắn và phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng trình độ đội ngũ công chức, viên chức các cấp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển của địa phương.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố nhận thức được tầm quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ, công chức của ngành, đơn vị. Các cấp, ngành đặc biệt chú trọng quan tâm nhiều hơn về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị đến bồi dưỡng nghiệp vụ ngành, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, nhất là thu hút, đào tạo lực lượng cán bộ trẻ có đủ khả năng đi học tập nâng cao lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm thực hiện, góp phần tăng tỷ lệ chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ đào tạo sau đại học (năm 2010, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có văn bằng sau đại học là 0,8%, năm 2017 là 2,8%, tăng 2%). Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức được chọn, cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước không ngừng được nghiên cứu và hoàn thiện hơn, giúp giảm bớt được một phần khó khăn về chi phí cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình học tập. 

Từng bước đi vào nề nếp

Giám đốc Sở Y tế Hoa Công Hậu (bên phải) ký hợp tác đào tạo nhân lực với Khoa Y của Ðại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của tỉnh cơ bản đạt chuẩn, nhưng một số chưa phù hợp với vị trí việc làm- nhất là cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Ở cấp cơ sở, nhất là xã, phường, thị trấn, phần lớn cán bộ, công chức đi đào tạo trình độ đại học chuyên ngành luật hệ tại chức hoặc từ xa.

Việc đào tạo phát triển nâng cao về trình độ chuyên môn chưa có ngành nghề mũi nhọn, chưa gắn với nhu cầu và kế hoạch sử dụng, chưa xuất phát từ nhu cầu của đơn vị, chưa nhằm vào mục tiêu đối tượng cụ thể. Kết quả thực hiện 3 đề án đào tạo của tỉnh chưa cao, việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học ở nước ngoài theo đề án của tỉnh chưa thực hiện được.

Công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học chủ yếu ở trong nước và tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và các ngành y tế, giáo dục, còn đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật không nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trong công tác đào tạo và phát triển toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Ngoài các nguyên nhân khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan như: chưa dự báo được xu thế, tình hình phát triển của thực tiễn đội ngũ cán bộ, công chức và công tác cán bộ trong tình hình mới.

Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về vai trò, tầm quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ. Sự phối hợp tham mưu giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đôi lúc chưa được chặt chẽ, tính chủ động, tích cực đi sâu nghiên cứu, đề xuất các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.

Chính sách thu hút chưa thật sự hấp dẫn để đội ngũ trí thức có học vị tiến sĩ đồng ý về tỉnh công tác. Số lượng người có học hàm, học vị được thu hút về tỉnh không nhiều do chưa có chính sách, cơ chế và môi trường làm việc phù hợp.

Việc thu hút các nguồn lực ngoài khu vực Nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo còn ít, chỉ thu hút được một số dự án đầu tư cho các trường cấp học mầm non, do các chính sách thực hiện xã hội hoá giáo dục - đào tạo, dạy nghề chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ngành Y tế còn thiếu nhiều bác sĩ, nhất là các ngành khó thu hút như lao, phong, tâm thần… tình trạng bác sĩ bỏ việc để ra làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân vẫn còn xảy ra.

VIỆT ÐÔNG