BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tương lai nào cho trường sư phạm địa phương 

Cập nhật ngày: 09/05/2019 - 11:35

BTN - Cách nay chỉ vài ngày, báo chí đồng loạt đưa tin Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị thực hiện một số giải pháp khẩn cấp đối với hệ thống trường sư phạm địa phương. Ðộng thái này diễn ra sau khi Trường cao đẳng Sư phạm Lào Cai có quyết định trở thành một cơ sở trực thuộc Ðại học Thái Nguyên.

Sinh viên Trường CĐSP Tây Ninh. Ảnh tư liệu Trường CĐSP.

Cách nay chỉ vài ngày, báo chí đồng loạt đưa tin Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị thực hiện một số giải pháp khẩn cấp đối với hệ thống trường sư phạm địa phương. Ðộng thái này diễn ra sau khi Trường cao đẳng Sư phạm Lào Cai có quyết định trở thành một cơ sở trực thuộc Ðại học Thái Nguyên.

ƯU TIÊN TRƯỜNG SƯ PHẠM TRỌNG ÐIỂM

“Trong khi chưa phê duyệt mạng lưới trường sư phạm, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục - Ðào tạo, các bộ, ngành và địa phương liên quan chưa sáp nhập các trường sư phạm với các đơn vị khác thuộc thẩm quyền. Trước mắt, cần giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay. Thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường đại học sư phạm - đại học giáo dục trọng điểm, các trường - khoa đại học sư phạm địa phương, các trường - khoa cao đẳng sư phạm địa phương.

Nhà nước hỗ trợ thành lập trường thực hành chất lượng cao trong các trường sư phạm. Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ, không theo cơ chế thị trường. Sinh viên sư phạm phải được ưu tiên vay tín dụng Nhà nước và được xoá nợ tín dụng nếu chấp nhận làm việc trong ngành sư phạm.

Ðồng thời, Bộ Giáo dục - Ðào tạo quy định các chuẩn của chương trình đào tạo giáo viên (nội dung cứng) để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống. Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên phải gắn liền với quy hoạch nâng cấp đào tạo của các cơ sở sư phạm. Về lâu dài, các cơ sở sư phạm nên từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học địa phương, cao đẳng cộng đồng. Ðây là giải pháp nhằm tạo sự ổn định trong hoạt động và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn”.

Ðoạn văn nêu trên là nội dung chính của công văn gửi Thủ tướng được các báo đăng tải. Như vậy, có thể tóm gọn, nội dung văn bản gửi Thủ tướng có hai ý chính, gồm ủng hộ chủ trương sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm, nhưng việc này cần “lộ trình và bước đi phù hợp”.

Với những người có điều kiện theo dõi thời sự giáo dục, những giải pháp nêu trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ để duy trì hệ thống trường cao đẳng, trung cấp sư phạm ở địa phương hoàn toàn không có một ý tưởng nào mới. Trước sự tồn tại vật vờ của trường sư phạm địa phương, những “giải pháp” nêu trên đã được đề cập từ rất lâu, với nhiều mức độ khác nhau. Thế nhưng, cho đến nay, hàng chục trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cả các trường khác có đào tạo ngành sư phạm vẫn tồn tại.

Ðối với ngành Giáo dục, chủ trương cơ cấu, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp đã được đề cập chính thức trong các nghị quyết của cả trung ương lẫn địa phương. Không chỉ giáo dục phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cũng nằm trong chủ trương sắp xếp, giải thể, sáp nhập. Cho đến nay, có ba văn bản cao nhất liên quan đến chủ trương này, gồm hai nghị quyết của Trung ương Ðảng và một quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Nghị quyết 29 năm 2013 của Trung ương Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định trong nhiệm vụ giải pháp: “Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo”.

Sau Nghị quyết 29, năm 2017, Trung ương Ðảng ban hành tiếp Nghị quyết 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị quyết 19 chỉ rõ đối với giáo dục đại học: “Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục”.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 69/QÐ-TTg  phê duyệt Ðề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025, trong đó có ghi: “Ðổi mới và hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, các tiêu chuẩn giảng viên đại học theo chức danh và trình độ. Ðổi mới chương trình đào tạo giáo viên, ưu tiên đầu tư cho một số trường đại học sư phạm trọng điểm”.

Dẫn ra ba văn bản về đường lối và chính sách cụ thể nêu trên để thấy, các cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước đã nhìn nhận chính xác những bất cập, hạn chế, yếu kém của hệ thống giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, chuyên nghiệp. Cũng cần nói thêm, Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được bàn thảo và chờ Quốc hội thông qua, trong đó quy định giáo viên phổ thông phải có bằng đại học.

TRỞ THÀNH VỆ TINH CỦA TRƯỜNG ÐẠI HỌC

Trở lại với câu chuyện “giữ hay bỏ” trường sư phạm địa phương, như bất kỳ một ngành nghề nào, trường sư phạm- nơi đào tạo giáo viên cũng phải tuân theo quy luật cung cầu của thị trường. Các thông tin được công bố rộng rãi cho thấy, dân số Việt Nam sẽ ổn định ở mức khoảng 100 triệu người trong tương lai gần và chỉ dừng lại ở con số đó, thậm chí còn giảm, vì nước ta bắt đầu già hoá dân số. Ðiều đó có nghĩa, dân số ổn định, Nhà nước hoàn toàn có cơ sở để tính toán nhu cầu lao động trong ngành Giáo dục.

Từ cơ sở khoa học đó, việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường lớp, trong đó có trường sư phạm là hoàn toàn cần thiết và đủ cơ sở để triển khai. Một ví dụ cụ thể, Trường CÐSP Tây Ninh, suốt thời gian dài, quy mô đào tạo được mở rộng, số lượng sinh viên theo học rất đông. Có giai đoạn, nhà trường còn đào tạo cả học sinh lớp 9, theo kiểu vừa dạy văn hoá THPT dạng bổ túc vừa dạy phương pháp, kiến thức sư phạm để sinh viên nhanh ra trường nhằm đáp ứng nhu cầu giáo viên đang thiếu.

 Nhưng thời “hoàng kim” của nhà trường khép lại khi chính sách về dân số phát huy hiệu quả. Số con trong mỗi gia đình ít dần, đồng nghĩa với số lượng học sinh phổ thông giảm không ngừng. Ðiều đó dẫn đến hệ quả: quy mô trường phổ thông không ngừng thu nhỏ, tổng số lớp trong một trường và số học sinh từng lớp liên tục giảm.

Thừa giáo viên phổ thông, trường sư phạm ngừng tuyển sinh là điều hiển nhiên. Tính đến thời điểm này, một số địa phương trong cả nước đã sáp nhập trường cao đẳng sư phạm với trường khác hoặc trở thành “vệ tinh” của một đại học nào đó. Ngày 8.4.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định sáp nhập Trường CÐSP Lào Cai trở thành “vệ tinh” của Ðại học Thái Nguyên.

Câu hỏi đặt ra là, số phận của trường sư phạm địa phương sẽ như thế nào? Tại hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ÐHSP Hà Nội phát biểu, để duy trì sự tồn tại, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên đã tuyển sinh bằng mọi giá.

Ðiều này không chỉ dẫn đến dư thừa giáo viên mà còn làm cho chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng xấu. “Sớm quy hoạch lại mạng lưới đào tạo của ngành sư phạm, chúng ta quan niệm rằng quy hoạch là để phát triển. Tiến hành kiểm định chất lượng trường sư phạm và công khai tình trạng sinh viên có việc làm, trường nào tốt thì được ưu tiên đầu tư, đào tạo theo chỉ tiêu bằng hình thức đặt hàng, bởi vì các trường sư phạm do Nhà nước đầu tư thì Nhà nước có quyền đặt hàng”- ông Minh nêu quan điểm.

Sáp nhập, giải thể, trở thành “vệ tinh” hay chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của trường sư phạm địa phương không hẳn có tính cấp bách, nhưng không nên mãi duy trì tình trạng “chợ chiều” như suốt nhiều năm qua.

Sau khi công văn của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ được đăng tải trên báo chí, trong phần bình luận, phần lớn ý kiến không tán thành quan điểm của Hiệp hội. Công bằng mà xét, những hạn chế nêu trên cũng có phần do “lịch sử để lại”, vì hệ thống giáo dục nói chung, giáo dục đại học, đào tạo giáo viên nói riêng trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau.

Nhiều chục năm trước, chủ trương phát triển, mở rộng quy mô đào tạo có thể cần thiết, hợp lý, vì đáp ứng được nhu cầu của xã hội tại thời điểm đó. Nhưng, như có lần đã đề cập, mỗi thứ hình thức hay mô hình nào đó chỉ thích hợp với một giai đoạn nhất định. Vì vậy, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường lớp là có cơ sở thực tiễn chứ không phải việc làm duy ý chí.

VIỆT ÐÔNG

Ông Quách Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường CĐSP Tây Ninh cho biết: “Vừa rồi, đại diện của 33 trường cao đẳng họp tại Kiên Giang thống nhất nội dung kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, như báo chí đã thông tin. Vấn đề của trường sư phạm hiện nay là tổ chức, sắp xếp lại cho hợp lý. Trường CĐSP Tây Ninh vẫn hoạt động bình thường, đang thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Năm 2016, lãnh đạo tỉnh có về làm việc với trường rồi, không có vấn đề gì cả.

Ngoài việc thực hiện nhiệm đào tạo nhân lực cho địa phương, trường còn thực hiện liên kết để từ đó có thể nâng chuẩn lên đại học. Còn sự lãng phí, điều này cũng nói nhiều rồi, tỉnh cấp kinh phí đào tạo nhưng lại không còn hoặc còn rất ít biên chế để tuyển dụng. Do đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp đã đi tìm việc làm ở địa phương khác, kể cả TP. Hồ Chí Minh.

Cũng có ý kiến nói nhà trường đang lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, điều đó có phần đúng, song do lịch sử để lại. Hiện tại, trường đang đào tạo hơn 500 sinh viên, một số giáo viên vẫn còn thừa giờ do dạy vượt định mức, năm vừa rồi trả hơn một tỷ đồng tiền thừa giờ. Những giáo viên thiếu tiết dạy đã được bố trí công việc khác, phù hợp, không có vấn đề gì”.