BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Trump bất chấp thách thức 

Cập nhật ngày: 17/02/2019 - 17:32

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến pháp lý này sẽ không dễ dàng đối với nhà lãnh đạo Mỹ.

Với việc chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/2 dường như đã sẵn sàng đối mặt với bất kỳ cuộc chiến pháp lý nào để xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cuộc chiến này sẽ không dễ dàng đối với nhà lãnh đạo Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: WJTV

Dù đã phải “xuống thang” trước Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thuộc phe Dân chủ để Chính phủ liên bang có thể mở cửa trở lại, song Tổng thống Donald Trump tới nay vẫn không chịu chấp nhận việc bị thuyết phục trong vấn đề tường biên giới. Theo Nhà lãnh đạo Mỹ, việc ban bố tình trạng khẩn cấp ngày hôm qua là nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia và nhân đạo tại biên giới.

Phát biểu từ Nhà trắng, ông Donald Trump nhấn mạnh, tất cả mọi người đều biết, những bức tường biên giới sẽ phát huy hiệu quả như thế nào: “Ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là một quyết định cần thiết. Bởi chúng ta đang phải đối mặt với sự xâm lược của ma túy, của các băng đảng tội phạm và người nhập cư. Điều này là không thể chấp nhận. Với việc ký tình trạng khẩn cấp quốc gia này cũng có thể là chúng ta đang sử dụng một trong những trường hợp khẩn cấp quốc gia mà cựu Tổng thống Obama từng ký nhằm ngăn chặn các băng đảng tội phạn. Đây có thể sẽ là một trường hợp khẩn cấp quốc gia thứ 2 trong trường hợp này được thực hiện”.

Được thông qua năm 1976, tình trạng khẩn cấp cho phép Tổng thống có thể “qua mặt” Quốc hội để huy động các nguồn ngân quỹ, kích hoạt các quyền hạn đặc biệt được nêu trong các văn bản luật khác, song cũng đi kèm với những điều kiện khắt khe được xác định đối với từng trường hợp cụ thể.

Nhiều bang và nghị sĩ Dân chủ đã ngay lập tức thông báo sẽ phản đối quyết định của Tổng thống. Thậm chí ngay cả trước thông báo của ông Donald Trump, bang California đã cảnh báo sẽ không để “Tổng thống thích làm gì thì làm” và sẵn sàng đối mặt với Ông chủ Nhà trắng trước tòa án. Bang New York cũng thông báo sẽ đưa vấn đề ra trước tòa án. Đấy là chưa kể đến những chủ đất tư nhân mà bước tường biên giới với Mexico dự kiến sẽ đi qua.

Các nghị sĩ Dân chủ tại Quốc hội tất nhiên cũng không chịu “khoanh tay đứng nhìn”. Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer khẳng định, tuyên bố bất hợp pháp của Tổng thống, với cái cớ là một cuộc khủng hoảng không hề tồn tại là một đòn giáng mạnh vào Hiến pháp nước Mỹ và khiến nước Mỹ trở nên kém an toàn hơn. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thậm chí còn cảnh báo, với việc viện tới tình trạng khẩn cấp, ông Donald Trump và cả đảng Cộng hòa nên nghĩ tới việc đã tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại và một tổng thống với “các giá trị khác” như đảng Dân chủ cũng có thể làm điều tương tự, chẳng hạn với luật vũ khí mà đảng Cộng hòa đang bảo vệ hiện nay.

Về phía Đảng Cộng hòa không phải ai cũng đồng tình với quyết định của Tổng thống. Trong khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collin thì lo ngại về những đặc quyền của Quốc hội, thì Thượng nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul nhấn mạnh, không phải vô cớ mà Hiến pháp quốc gia phân chia rất rạch ròi giữa các cơ quan quyền lực. Washington Post nhận định, phe Dân chủ sẽ sớm có hành động nhằm phản ứng với quyết định của Tổng thống. Bởi theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội hoàn toàn có thể đảo ngược quyết định nếu được sự đồng tình của cả 2 viện.

Trong một báo cáo công bố hôm 1-1, Viện nghiên cứu Quốc hội khẳng định, việc sử dụng tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm giải quyết vấn đề nhập cư sẽ gây ra một loạt vấn đề pháp lý mới. Đó là tình trạng khẩn cấp mà Tổng thống muốn giải quyết liệu có cần phải sử dụng tới quân đội hay không? Hay Bức tường biên giới mà Tổng thống mong muốn liệu có cần tới quân đội hay không? Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vấn đề tranh cãi cần phải được các tòa án liên bang giải quyết.

Về mặt lý thuyết, tình trạng khẩn cấp chỉ có thể được sử dụng với lý do luồng người di cư đổ vào nước Mỹ vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền. Thế nhưng, biên giới là thuộc trách nhiệm của các cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ thuộc Bộ an ninh Nội địa và không phải là Bộ Quốc phòng.

Giáo sư luật William C. Banks cho biết: “Tổng thống đang cố gắng huy động tài chính từ quỹ xây dựng quốc phòng để chi trả cho bức tường biên giới. Tuy nhiên sẽ thật khó để có thể thuyết phục rằng việc xây dựng bức tường này cần đến sự hỗ trợ của quân đội. Bởi đây là vấn đề thuộc chức trách của Bộ An ninh Nội địa, Hải quan và biên phòng. Có một bộ phận quân đội được triển khai ở đây nhưng chỉ mang tính dự phòng. Vì thế thẩm phán có thể ra phán quyết rằng, dù Tổng thống có thẩm quyền tuyên bố khẩn cấp quốc gia, song luật này không cho phép ông ấy chi tiền cho bức tường biên giới.”

Các số liệu thống kê của Cơ quan bảo vệ biên giới và Hải quan Mỹ cho thấy, năm 2017, số vụ bắt giữ người nhập cư vượt biên giới Tây Nam trái phép ở mức thấp nhất trong 46 năm. Trong khi phần lớn những chất gây nghiện bị thu giữ đều là tại các điểm nhập cảnh hợp pháp, chứ không phải qua các khu vực không được giám sát.

Kết quả cuộc điều tra công bố hồi tháng 1 vừa qua của Đại học Quinnipiac cho thấy, 63% người Mỹ phản đối việc sử dụng tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây dựng tường biên giới với Mexico, trong khi con số này hồi năm 2016 là 20%.

Nguồn VOV