BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành:

Tỷ lệ nữ tham gia học nghề cao 

Cập nhật ngày: 16/12/2017 - 22:51

BTN - Ngày 15.12, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 (về đào tạo nghề cho lao động nông thôn) năm 2017 của tỉnh do ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Châu Thành.

Người dân ở xã Hảo Đước, huyện Châu Thành chăm sóc lan ngọc điểm .

Theo báo cáo, năm 2017, Châu Thành đã mở 5 lớp đào tạo nghề, tổng số người theo học là 175, đạt tỷ lệ 100%. Trong số đó có 106 lao động nữ, chiếm tỷ lệ cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Sau khi học nghề, có 174 người (bao gồm 106 lao động nữ) đã tìm được việc làm.

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nghề (từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp) sau khi học, theo UBND huyện là chưa thể đánh giá được. Ở Châu Thành có một số nghề được cho là có hiệu quả như: nuôi gia cầm, nuôi bò, trồng rau sạch và phòng trị bệnh cho gia súc.

Năm 2017, các cấp chính quyền ở Châu Thành đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về Ðề án 1956 cho người lao động với tinh thần “4 biết”: biết địa chỉ cơ sở dạy nghề định học; biết nội dung chính sách hỗ trợ của Ðề án; biết địa chỉ cơ sở dạy nghề liên quan đến nghề muốn học; biết địa chỉ có thể làm việc sau khi học nghề và mức thu nhập khi làm việc.

UBND huyện Châu Thành cho rằng, ở huyện này- cũng như ở một số địa phương khác, việc triển khai kế hoạch đào tạo nghề hằng năm khá chậm (tháng 7 mới bắt đầu mở lớp) khiến công tác huy động người học gặp nhiều khó khăn. Nhiều người đăng ký học nghề nhưng do chờ quá lâu nên họ đã bỏ cuộc để tìm đến công việc khác.

Một hạn chế trong công tác đào tạo nghề ở Châu Thành được đoàn kiểm tra nêu lên, đó là có tình trạng cán bộ xã chưa thật sâu sát với chức trách, công việc được giao. Một cán bộ xã thừa nhận chỉ kiểm tra lớp học trong thời gian đào tạo, không hề xuống nhà dân xem người học trồng cây gì, nuôi con gì. Một số cán bộ xã phụ trách công tác đào tạo nghề hãy còn... lơ mơ, không nắm được tình hình, không trả lời được câu hỏi mà thành viên đoàn kiểm tra nêu ra.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quá lưu ý, theo quy định, phải huy động cho được 10% người khuyết tật tham gia học nghề, thế nhưng năm 2017, huyện Châu Thành không có người nào thuộc đối tượng này theo học. Ðoàn kiểm tra đề nghị huyện Châu Thành hết sức quan tâm đến tỷ lệ các nhóm đối tượng tham gia học nghề.

Trong đó, cần kiểm tra việc tỷ lệ nữ tham gia học nghề cao nhưng phần lớn là chăn nuôi bò, điều này có đúng thực tế hay không? Ðoàn cũng đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 của huyện kiểm tra kỹ về điều kiện dạy nghề và chất lượng đào tạo nghề ngắn hạn. Về số lượng người có việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ cao, tuy rất đáng mừng, nhưng quan trọng hơn cần xem lại là thu nhập của họ có tăng lên không.

Ðối với việc chậm triển khai đào tạo nghề, đây là vấn đề có liên quan đến việc giải ngân, cấp vốn. Vừa qua, trong cuộc làm việc với Tây Ninh về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, Trung ương sẽ xem xét bố trí vốn theo hình thức trung hạn (cấp kinh phí một lần dùng trong 3 năm, địa phương tự điều tiết, không cấp vốn, kinh phí theo hình thức ngắn hạn như lâu nay).

Tháng 3.2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 922/LÐTBXH-TCDN hướng dẫn thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017. Theo tinh thần của văn bản này, các địa phương trong cả nước cần lưu ý rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá tại địa phương.

Ðồng thời, làm rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, người khuyết tật, lao động nữ. Về lựa chọn ngành nghề để đào tạo, văn bản của Bộ hướng dẫn: đối với ngành, nghề phi nông nghiệp, các tỉnh, thành phố tập trung đào tạo các nghề để phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp, làng nghề; đào tạo nghề lao động nông thôn vào làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đất nước; gắn đào tạo nghề với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan tỷ lệ các nhóm đối tượng tham gia đào tạo nghề, bảo đảm người khuyết tật chiếm ít nhất 10%, lao động nữ chiếm ít nhất 40% chỉ tiêu, Trung ương yêu cầu: để tránh lãng phí, chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề.

Công văn của Bộ cũng yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá lại kết quả đầu tư và hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện; trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên; trường trung cấp thủ công mỹ nghệ; trường trung cấp công lập ở những huyện chưa có trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện giai đoạn 2010-2015.

Tuỳ vào điều kiện cụ thể, các địa phương nghiên cứu đề xuất nhu cầu hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, phương tiện vận chuyển đào tạo nghề lưu động đối với các cơ sở này trong giai đoạn 2016-2020. Các địa phương phải thẩm định nhu cầu sử dụng kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, phương tiện vận chuyển bảo đảm hiệu quả và theo đúng quy định hiện hành trước khi quyết định hỗ trợ đầu tư.

UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

VIỆT ÐÔNG