BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ung thư cổ tử cung đứng thứ tư trong số 5 bệnh ung thư hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam

Cập nhật ngày: 03/02/2018 - 13:29

BTN - Hỏi: Nữ 30 tuổi, có 2 con, sức khoẻ bình thường. Tôi muốn làm xét nghiệm Pap để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, nhưng nghe nói có nhiều loại Pap, không biết loại nào tốt? Xin bác sĩ hướng dẫn cụ thể.

Một bạn đọc

Đáp: Ung thư cổ tử cung (UTCTC) rất thường gặp, đứng thứ tư trong số 5 bệnh ung thư hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam, nhưng là ung thư thường gặp thứ nhì ở phụ nữ 15-44 tuổi.

UTCTC diễn tiến rất chậm: trung bình mất 10-15 năm để tổn thương tiền ung thư chuyển sang ung thư tại chỗ (ung thư giai đoạn 0) và ung thư xâm lấn (ung thư giai đoạn I đến IV). Tỷ lệ sống 5 năm sau chẩn đoán UTCTC cũng giảm dần tuỳ giai đoạn: 100% với giai đoạn 0, 85% giai đoạn I, 65% giai đoạn II, 35% giai đoạn III và chỉ còn 7% giai đoạn IV).

Nói cách khác, cứ 100 người bệnh UTCTC được bác sĩ xác nhận bằng mắt thường thì có từ 15 đến 93 người sẽ tử vong sau 5 năm. Do đó, UTCTC cần được phát hiện và điều trị kịp thời trong giai đoạn chưa xâm lấn (tiền ung thư và ung thư giai đoạn 0) để tránh tử vong.

Các tổn thương tiền ung thư và UTCTC được phát hiện thông qua xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (gọi tắt là xét nghiệm Pap).

Hiện nay, có 2 kiểu xét nghiệm Pap phổ biến: Pap thường quy và Pap nhúng dịch (phổ biến nhất là ThinPrep). Với Pap thường quy, một que gỗ hoặc nhựa được áp vào và quẹt một vòng trên bề mặt cổ tử cung, trải tế bào thu được lên lam kính, đặt lam vào dung dịch cố định và gửi đến phòng xét nghiệm để nhuộm và quan sát dưới kính hiển vi.

Với Pap nhúng dịch, một chổi nhựa được sử dụng, tế bào thu được không trải lên lam kính ngay mà cho vào lọ gửi đến phòng xét nghiệm để xử lý, nhuộm và quan sát dưới kính hiển vi.

So với Pap thường quy, Pap nhúng dịch có 2 ưu thế chính: khả năng phát hiện tốt hơn (ít bỏ sót hơn) những tế bào bất thường kể cả ở mức độ nhẹ, mẫu thu được còn có thể sử dụng để tìm các tác nhân gây bệnh truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia, kể cả virút HPV gây ung thư cổ tử cung.

Tuy nhiên, do diễn tiến rất chậm của ung thư cổ tử cung, cả 2 loại Pap trên đều có giá trị tương đương về phát hiện kịp thời các tổn thương tiền UTCTC nặng (CIN 2 trở lên), trước khi chúng tiến triển nặng hơn, trở thành ung thư cổ tử cung thật sự.

Do đó, tuỳ khả năng chi trả, bạn có thể chọn xét nghiệm Pap thường quy hay Pap nhúng dịch đều đạt yêu cầu phát hiện và điều trị kịp thời UTCTC trong giai đoạn chưa xâm lấn. Trường hợp của bạn, 30 tuổi và đã có con, cách tốt nhất để tránh tử vong do UTCTC phát hiện muộn là xét nghiệm Pap mỗi 3 năm một lần, hoặc xét nghiệm Pap và HPV mỗi 5 năm một lần.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú