Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chương trình phổ thông mới:

Vài suy nghĩ về chuyện sáp nhập các môn học 

Cập nhật ngày: 09/08/2017 - 05:35

BTN - Một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là một số môn học được gộp lại với nhau, từ đó cho ra tên gọi mới. Trong ba cấp: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, hai cấp học sau có một số tổ hợp môn mới.

Cô trò Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hoà Thành ngày tổng kết năm học (ảnh minh hoạ).

Theo chương trình hiện hành, ở cấp trung học cơ sở thì Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật là những môn độc lập. Tương ứng với cấu trúc chương trình phổ thông, trường sư phạm đào tạo giáo viên theo từng chuyên ngành.

Sinh viên sư phạm học chuyên ngành môn nào, ra trường dạy môn đó (trừ trường hợp thiếu giáo viên, tạm thời phải dạy chéo). Hoạt động chuyên môn của từng giáo viên có tính độc lập, không lệ thuộc lẫn nhau.

Tuy nhiên, với chương trình tổng thể vừa được thông qua, tình hình được dự báo sẽ có nhiều xáo trộn, thậm chí rắc rối.

 Theo cấu trúc của chương trình mới, ở cấp trung học cơ sở, 3 môn Vật lý, Hoá học và Sinh học sẽ được in chung trong một cuốn sách giáo khoa với tên gọi Khoa học Tự nhiên.

Tương tự, môn Lịch sử và Địa lý (hai môn học độc lập) được tổ chức lại với tên gọi chung là Lịch sử và Địa lý, môn Âm nhạc và Mỹ thuật mang tên mới là môn Nghệ thuật.

Điều lưu ý là trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, việc sắp xếp, tổ chức gộp chung một số môn học đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó, phần lớn không ủng hộ cách thức này.

Tại thời điểm công bố dự thảo, những người trong ngành Giáo dục lo ngại rằng một giáo viên không thể dạy được 3 môn học, vì các trường sư phạm đào tạo giáo viên ra chỉ để dạy một môn (trừ cấp tiểu học).

Mặc dù vậy, chương trình phổ thông tổng thể vừa được thông qua vẫn giữ nguyên ý định ban đầu, đó là gộp một số môn học lại với nhau.

Một vấn đề đặt ra là với môn học mới “3 trong 1” hoặc “2 trong 1” thì có mấy giáo viên dạy môn này? Trước băn khoăn đó, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- tổng chủ biên chương trình phổ thông tổng thể đã cung cấp một số thông tin.

Theo giáo sư, việc tổ chức lại một số môn học là để thực hiện tích hợp cả trong hoạt động dạy và hoạt động học. Những môn học có tên gọi mới này sẽ vẫn do từng giáo viên độc lập dạy theo chuyên môn của mình.

Ví dụ, môn Khoa học Tự nhiên sẽ có 3 giáo viên Vật lý, Hoá học và Sinh học cùng dạy, người nào dạy phần chương trình của người đó. Cũng như vậy, môn Lịch sử và Địa lý hay môn Nghệ thuật cũng do từng giáo viên dạy theo chuyên môn được đào tạo.

Những thông tin do người đứng đầu của chương trình giáo dục phổ thông mới cung cấp đã thu hút sự chú ý của nhiều người- cả trong và ngoài ngành Giáo dục.

Trước hết, xét về phương diện kỹ thuật và tổ chức dạy học trong nhà trường phổ thông, dạy một môn học (nhưng thực chất vẫn là 2 môn) sẽ gặp nhiều phiền toái, rối rắm.

Trong đó, chỉ riêng việc thực hiện khâu phân phối chương trình, phân công chuyên môn, tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra, chấm điểm khó tránh khỏi sự lằng nhằng và có thể nói rất khó triển khai thực hiện.

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, việc tổ chức lại một số môn học nhằm tích hợp kiến thức, tri thức trong các môn sẽ bổ sung cho nhau.

Tuy nhiên, cho đến nay, thế nào là tích hợp trong dạy và học vẫn còn những quan niệm khác nhau. Chưa cần tranh cãi thế nào là môn học tích hợp, có thể thấy ngay rằng, chương trình phổ thông tổng thể đã gộp các môn học lại với nhau theo kiểu cơ học, rời rạc.

Một câu hỏi đặt ra lúc này nhưng chưa có câu trả lời, đó là: tại sao phải gộp, ghép, sáp nhập các môn học lại với nhau? Mục đích của việc xoá tên một số môn học độc lập, cho ra đời một số môn học dạng tổ hợp là gì? Nếu cho rằng tổ chức lại một số môn học để giảm bớt số lượng giáo viên thì không có cơ sở, vì như đã nói, mỗi giáo viên vẫn dạy phần chuyên môn của mình.

Có lẽ đó chỉ là cách “làm mới” chương trình giáo dục phổ thông ở phần ngoại diên (hình thức) chứ không phải nội hàm (nội dung). Nói theo cách dân dã thì đó là “bình mới, rượu cũ”. Nếu không cho ra đời một số môn học có tên gọi mới thì chương trình mới sẽ không có gì mới chăng?

Ý kiến từ những người có trách nhiệm trong việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới còn cho rằng: trong tương lai gần, các trường sư phạm có thể tuyển sinh và đào tạo giáo viên dạy liên môn.

Điều này không ổn. “Tương lai gần” là khi nào? Một sinh viên học hệ cao đẳng sư phạm cũng mất 3 năm, còn đại học mất 4 năm trong khi chương trình phổ thông tổng thể theo kế hoạch sẽ được triển khai sau năm 2018. Nếu có lùi thời gian thực hiện, cũng chỉ lùi được một hai năm. Mà hiện nay, chưa có trường sư phạm nào đào tạo giáo viên để dạy liên môn.

Mặt khác, cho dù trường sư phạm có tuyển sinh và đào tạo, sinh viên cũng không thể giỏi đến mức ra trường có thể dạy được nhiều môn học. Những ai trong ngành Giáo dục không thể không biết rằng, mỗi giáo viên chỉ cần dạy giỏi một môn mà mình được đào tạo là… quá lý tưởng rồi.

Giáo viên không thể “sở trường” tất cả các nội dung trong sách giáo khoa. Có thể chứng minh điều này qua việc ôn thi, bồi dưỡng học sinh giỏi, một môn học thường có nhiều giáo viên tham gia, mỗi người dạy một mảng.

Ví dụ, có người dạy hoá học vô cơ, người dạy phần hữu cơ, người dạy đại số, người dạy hình học… Đó còn chưa kể, nguồn tuyển vào trường sư phạm ngày càng thấp, có trường thậm chí lấy điểm thấp hơn cả điểm sàn cho đủ chỉ tiêu.

Thực ra, cấu trúc tự thân của chương trình giáo dục phổ thông không thể thay đổi một cách tuỳ tiện. Gần cả trăm năm nay, 8 môn học cơ bản trong chương trình giáo dục phổ thông gồm Văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ đều là những môn học độc lập.

Từ năm 2001 đến nay, chương trình phổ thông xuất hiện thêm một số môn học có tính chất năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật và một số môn học vốn trước đó đã có nhưng thay đổi tên gọi, ví dụ môn Công nghệ (gồm kỹ thuật nông nghiệp và kỹ thuật công nghiệp). Do vậy, dù có cố gắng “làm mới” kiểu gì, 8 môn học cơ bản như vừa nêu vẫn cứ tồn tại.

Việc thay đổi, cải tiến chương trình và sách giáo khoa là một hoạt động bình thường, có tính chu kỳ. Bởi vì, với sự phát triển của xã hội, của khoa học kỹ thuật, nội dung nào trong sách giáo khoa đã không còn phù hợp thì phải bãi bỏ một phần hoặc toàn phần.

Tuy nhiên, vấn đề của nền giáo dục hiện nay không phải là chương trình và sách giáo khoa. Dù quan trọng thế nào, chương trình và sách giáo khoa cũng chỉ là công cụ.

VIỆT ĐÔNG