Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vai trò của những ngôi miếu nhỏ 

Cập nhật ngày: 16/05/2018 - 08:16

BTN - “Thiết chế văn hoá- tín ngưỡng của thôn xã truyền thống gồm đình- chùa- miễu- võ (hiểu là đình- chùa- miếu- vũ) được hình thành ở Nam bộ, về cơ bản được hình thành như một nhu cầu văn hoá của thôn làng khi quá trình khai hoang lập nghiệp phát triển đến một mức nào đó: đã lập làng thì phải có đình, chùa, miếu, võ…”.

Miếu Bà Phước Thạnh.

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nam bộ Trương Ngọc Tường đã viết như thế trong sách Ðình Nam bộ, xưa và nay (Nxb Ðồng Nai năm 1998). Ông cũng cho rằng: miễu (chữ Hán gọi là miếu) là nơi thờ các vị thần linh dân dã, và: “Thường xã hay thôn có ba, bốn ấp thì có ba, bốn ngôi miễu, chức năng tương tự như một ngôi đình của ấp…”.

 

Nhà văn Sơn Nam trong tác phẩm Ðình, miếu và lễ hội dân gian cũng cho rằng: “Ðình miếu (miễu) là cơ ngơi làm biểu tượng nhắc nhở lòng nhân nghĩa, đạo lý tự giác, vì vậy mà tồn tại và phát triển trong thời gian dài, mãi đến nay, hãy còn ảnh hưởng sâu đậm. Tôi xem đây là tín ngưỡng dân gian…”.

Và: “Nhiều ý kiến tiến bộ, thời thực dân lên án nạn xôi thịt hoành hành dịp tế lễ ở đình làng. Nhưng đình miếu vẫn tồn tại, với cội rễ vững chắc… Những ngày khởi nghĩa tháng Tám, tập hợp nơi đình, miếu, đánh trống đánh mõ để huy động toàn dân. Thời kháng chiến, hay tin đình miếu, chùa chiền bị giặc đóng đồn hoặc ném bom, ai mà không công phẫn, xem như giặc đã trực tiếp xúc phạm tới “nhân phẩm” của cả làng…”.

Dù những tác giả kể trên đều là những người quê miền Tây Nam bộ, nhưng những ý kiến trích trên vẫn rất đúng với Tây Ninh, một tỉnh miền Ðông; nơi cho đến ngày nay vẫn tồn tại hàng trăm ngôi đình, chùa, miếu, võ. 

Tuy vậy, chắc các ông đều chưa thể biết được vai trò của những ngôi miếu nhỏ, trên một vùng đất còn rất nhiều di tích thời tiền sử và sơ sử; những nền văn hoá như Ðồng Nai, Óc-eo và hậu Óc-eo đã trở thành trầm tích sau thời gian từ một ngàn tới mấy ngàn năm.

Một ví dụ rõ nét nhất là ở đình Truông Mít, huyện Dương Minh Châu. Thật đáng ngạc nhiên, dù ngày nay con đường sứ năm xưa đã trở thành một tuyến đường lớn nối những khu công nghiệp ầm ào xe cộ, thì nơi đây vẫn tồn tại một không gian rừng, bàu tĩnh lặng thâm u.

Khu đình chỉ cách đường 782 độ 200m. Nổi bật lên là cấu trúc bàu- gò truyền thống của thời văn hoá hậu Óc- eo. Bàu gần vuông và rất rộng nằm ở phía Ðông, tháng tư thường nở đầy hoa súng. Gò nằm ở phía Tây, vẫn còn cao tới trên 2m so với nền đất chung quanh. Những cây cổ thụ của rừng xưa vẫn còn nguyên vẹn trên gò, toả bóng xanh um. Dưới bóng cây hoang sơ và lộng lẫy chỉ có hai ngôi miếu nhỏ. Một ngôi ở đỉnh, còn ngôi kia ở sườn gò. Miếu khá nhỏ, chỉ trên dưới 1 mét vuông mỗi ngôi.

Xin trở lại với ngôi đình, kiến trúc chính hiện nay trên khu đất đình đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh ngày 17.12.2007. Ðình nhỏ, chỉ có một gian hai chái, trong đó phía trước và hai bên có hành lang. Từ trước ra sau cũng chỉ có 3 nhịp nhà. Tường xây, nền lát gạch tàu và mái lợp bằng ngói móc theo kiểu dạng hình bánh ít. Phía trước ngôi đình còn có một ngôi võ ca cột đúc lợp tôn, cũng được chia thành 3 gian 2 nhịp. Nói tóm lại, kiến trúc đình không có gì nổi bật và đặc biệt.

Người đến viếng cũng có thể đọc được hai tấm bảng sơn chữ to treo ở trước mặt tiền đình. Theo đó sẽ được biết “nguồn gốc và tên gọi di tích” cũng như nhân vật được thờ tự tại đây. Ðình thờ ông Phan Văn Mật, một nghĩa quân dưới quyền của Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản.

Năm 1782 có trận chiến với giặc ngoại xâm khiến Quan lớn Trà Vong tử trận, ông Mật cũng bị thương và được đưa về quê để chữa trị. Ít lâu sau, ông mất và được nhân dân trong vùng tôn kính đưa vào thờ tại miếu thờ Quan lớn Trà Vong đặt tại ấp Thuận An, Truông Mít ngày nay. Sau, miếu được “nâng cấp” lên, trở thành đình thần Truông Mít… Ðình còn được người dân địa phương gọi tên khác là đình thần Bàu Dinh.

Nhưng, những vật thể đáng chú ý nhất của khu đình Truông Mít lại nằm ở gò đất phía sau đình, nơi vẫn còn nguyên một cụm cây rừng tuyệt đẹp mọc trên gò đất. Ðỉnh gò có một ngôi miễu nhỏ, chỉ độ 1m2 mái ngói tường xây, mà người dân gọi là miễu Ông Tà. Chếch một bên sườn gò, còn một ngôi miễu nữa cũng chỉ khoảng 1,5m2, tường xây, mái đúc bê tông.

Ðấy là miễu thờ Ông Hổ. Ðây là những ngôi miễu nhỏ thường thấy trong khuôn viên nhiều ngôi đình ở Tây Ninh, được các nhà nghiên cứu dân gian như Trương Ngọc Tường gọi là: “Những thần linh được tích hợp thờ trong các ngôi đình Nam bộ” (Ðình Nam bộ, xưa và nay). Ðiều quan trọng nhất, dưới những ngôi miếu nhỏ này còn nguyên vẹn một phần móng nền ngôi tháp cổ, đã từng được các nhà khảo cổ học xưa, nay nghiên cứu.

Sách Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh, do Sở VH,TT&DL tỉnh Tây Ninh xuất bản năm 2014 đã viết rằng: “Di chỉ này đã được các học giả người Pháp ghi nhận vào năm 1909, được công bố trong tạp chí của Trường Viễn Ðông Bác cổ… Trên mặt gò có rất nhiều gạch cổ nằm vương vãi khắp mặt gò, có những vỉa gạch chân tường của một kiến trúc cổ…”.

Trong báo cáo khoa học “Ðiều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh”, do Bảo tàng Tây Ninh phối hợp với Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ (năm 2011), có đoạn: “Phế tích trên khu gò nhỏ là một kiến trúc được xây dựng bằng gạch có dạng đền tháp thuộc thời kỳ văn hoá Óc-eo, hậu Óc-eo có niên đại trên dưới 1.000 năm cách ngày nay…”.

Các nhà khảo cổ cũng không quên ghi việc trên gò “người dân đã xây hai ngôi miếu nhỏ để thờ cúng”. Và, có thể đấy mới là yếu tố quan trọng nhất để giữ được ngôi gò nhỏ còn hầu như nguyên vẹn đến ngày nay. Hai ngôi miếu nhỏ này, cũng giống như hai dấu ấn quyền lực linh thiêng bảo vệ gò. Vào những dịp cúng Kỳ yên đình Truông Mít, những ngôi miễu nhỏ này cũng đầy đủ đèn nhang, bông trái của người dân tín ngưỡng.

Ở Tây Ninh, hiện có nhiều di chỉ của các nền văn hoá xa xưa được bảo vệ bằng các ngôi miễu nhỏ. Ở Trảng Bàng, hay Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành… nơi nào cũng có. Nhưng có hiệu quả nhất chính là ngôi miếu ở gò miếu Bà Bến Ðình, thuộc xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu. Miếu nhỏ, chỉ khoảng 2m2, ngự tại đỉnh gò.

Nhưng dưới gò và lan theo triền dốc xuống bờ sông nơi đây, là cả một quần thể di chỉ khảo cổ học hiếm có: “vừa là cảng thị, vừa là khu vực được xây dựng nhiều đền tháp cổ, vừa là nơi cư trú của cư dân cổ xưa thuộc thời kỳ văn hoá Óc-eo, hậu Óc-eo có niên đại ở thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ XI- XII…” (theo Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh).

Miếu Bà Bến Ðình là ngôi miếu cổ, khi các nhà khảo cổ học người Pháp tới đây năm 1909 đã thấy và miêu tả lại. Miếu là nơi quy tụ lòng dân tín ngưỡng để bảo vệ những di chỉ khảo cổ ở nơi này đã hơn 1.000 năm. Nhưng cũng có những ngôi miếu mới mẻ hơn, cũng thực hiện nhiệm vụ này, tuy muộn.

Như trường hợp ngôi miễu ở gò Tháp, ấp Phước Bình B, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu. Nguyên do là những năm trước đây, còn những nhóm người chuyên đi đào bới các di chỉ gò tháp để tìm đồ cổ hay vàng bạc.

Gò tháp Phước Thạnh cũng bị xâm phạm. Vậy là, người dân ấp đã xây lại ngôi miếu nhỏ vào khoảng năm 2008, kích thước 1,3 x 1,9m mặt bằng. Kể từ đấy, gò tháp được yên bình trở lại, nổi bật lên giữa đồng lúa mênh mông Phước Thạnh.

TRẦN VŨ