Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019:

Vẫn chờ quy chế chính thức 

Cập nhật ngày: 12/12/2018 - 06:16

BTN - Mọi thông tin chính thức về kỳ thi này sẽ được công bố vào tháng 2.2019, khi Bộ chính thức ban hành quy chế thi THPT quốc gia (có sửa đổi, bổ sung).

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018.

Ngày 4.12, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 5480 về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Trong văn bản này, Bộ GD-ĐT lưu ý bốn nội dung về kỳ thi năm 2019. Thứ nhất, đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT; và có độ phân hoá phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở tuyển sinh. Thứ hai, tăng cường trách nhiệm của cán bộ của các trường đại học, học viện, trường cao đẳng trong việc tổ chức thi và bảo mật đề thi, bài thi. Thứ ba, Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của Bộ GD-ĐT và các trường đại học, cao đẳng đối với chấm bài thi tự luận. Thứ tư, tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét tốt nghiệp THPT và tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Công văn của Bộ GD-ĐT gửi các cơ sở giáo dục chỉ có bốn nội dung như trên. Tuy nhiên, cùng với việc ban hành bằng văn bản, vài ngày qua, nhiều lãnh đạo của Bộ, trường đại học đã trả lời phỏng vấn báo giới để “chi tiết hoá” những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, nhằm đề phòng những hành vi gian lận trong kỳ thi, các điểm thi sẽ được lắp camera giám sát.

Bộ sẽ điều động cán bộ, giảng viên đại học, học viện và các trường cao đẳng đến các hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp tổ chức thi.  Theo tinh thần mới, các trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Việc bố trí phòng thi dành cho thí sinh tự do cũng được xem xét lại. Tại các điểm thi, nơi chứa bài thi sẽ có camera giám sát 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi.

 Một thông tin nữa cũng được công bố, đó là Bộ GD-ĐT nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép. Dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm sẽ được mã hoá để tránh người dùng can thiệp và bảo đảm trong suốt quá trình xử lý bài thi.

Cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm (thực chất đây là một hình thức đánh phách điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh). Việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) được giao cho Sở  GD-ĐT các tỉnh, thành phố chủ trì. Tỷ lệ điểm thi cũng có sự thay đổi, theo đó, tổng điểm bài thi của thí sinh sẽ gồm 30% điểm học tập trung bình môn của năm lớp 12 cộng với 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Liên quan đến việc định danh, tên gọi kỳ thi THPT quốc gia có phải là kỳ thi “hai trong một” hay không, trao đổi với báo giới, lãnh đạo Bộ cho biết, từ năm 2019, đề thi sẽ chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát vào yêu cầu của THPT. Các trường đại học, cao đẳng sử dụng hay không là việc của trường. Không thể hiểu thuần tuý “hai trong một” mà ép học sinh phải học và thi với cả hai mục tiêu. Đề thi sẽ không phải phục vụ mục đích “hai trong một” mà chỉ nhằm đánh giá học sinh THPT, nhưng phải làm thật nghiêm túc để căn cứ vào đó các trường đại học sử dụng hoặc sử dụng các phương thức khác tuyển sinh.

Sau khi các thông tin nêu trên được công bố (bằng văn bản, trả lời phỏng vấn báo chí), một cán bộ chuyên làm công tác khảo thí, thi cử ở Tây Ninh cho biết, công văn ngày 4.12 của Bộ thực chất chỉ nhằm trấn an dư luận, không có gì bất thường hoặc thay đổi quá lớn. Còn các thông tin có liên quan khác, đó chỉ là phần trao đổi giữa lãnh đạo ngành với báo giới. Mọi thông tin chính thức về kỳ thi này sẽ được công bố vào tháng 2.2019, khi Bộ chính thức ban hành quy chế thi THPT quốc gia (có sửa đổi, bổ sung).

Điều quan trọng là, giáo viên, học sinh cuối cấp cần tập trung dạy và học thật nghiêm túc- vị này nói. Chuyện điều chỉnh tỷ lệ điểm bài thi và điểm trung bình môn học của năm lớp 12 nên được nhìn nhận như thế nào? Trả lời câu hỏi này, vị cán bộ bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương điều chỉnh của Bộ GD-ĐT, vì việc đánh giá, xếp loại ở trường trung học phổ thông chưa phản ánh đúng học lực của học sinh. Cán bộ này thông tin: “Kết quả chấm thi mấy năm qua cho thấy, nhiều thí sinh điểm trung bình môn học năm lớp 12 rất cao, có trường hợp được xếp loại giỏi về môn học nhưng khi đi thi lại chỉ được hai điểm”.

Vẫn theo ý kiến này, điều chỉnh tỷ lệ điểm thi với điểm trung bình môn ở lớp 12 từ  50 - 50 sang 70 - 30 là cần thiết, song có một vấn đề đáng quan tâm hơn. Đó là việc đánh giá, xếp loại học sinh cần phải xem lại để bảo đảm việc kiểm tra, chấm điểm trong quá trình học của học sinh đúng thực chất hơn. Chính lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã phát biểu công khai rằng, lấy 50% điểm trung bình năm học lớp 12 cộng với điểm bài thi để xét công nhận tốt nghiệp là không ổn, vì khâu kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa bảo đảm tính khách quan, chính xác, nói ngắn gọn là chưa đúng thực chất.

Về thông tin Bộ GD-ĐT tăng cường các giải pháp kỹ thuật như lắp camera, mã hoá bài thi, dùng phách điện tử… vị cán bộ đã thẳng thắn nói: “Điều quan trọng là con người, nếu những người tham gia coi thi, chấm thi, tổ chức thi nghiêm túc thì kết quả phản ánh đúng thực chất học lực của học sinh”. Ngược lại, giải pháp kỹ thuật dù hiện đại đến đâu cũng khó tránh khỏi những việc làm tiêu cực nếu người được giao nhiệm vụ có chủ ý làm việc đó.

Dù đã tổ chức được ba năm, cho đến nay, kỳ thi THPT quốc gia vẫn tiếp tục gây nhiều ý kiến trái chiều, không chỉ ở cấp cơ sở. Kỳ thi này đã xuất hiện tại các phiên thảo luận của Quốc hội, Chính phủ. Trong số hàng loạt vấn đề của kỳ thi này, có hai điều quan trọng bậc nhất khiến cho độ tin cậy, tính khách quan của kỳ thi bị hoài nghi.

Thứ nhất, kỳ thi được tổ chức tại địa phương, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm tổ chức kỳ thi này nhưng không thể giám sát một cách chặt chẽ. Thực chất, kỳ thi này do địa phương thực hiện. Thứ hai, việc ra một đề thi phục vụ cho hai mục đích là rất khó, vì xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học khác nhau về tính chất, cho dù vào đại học ngày nay gần như đã được “phổ cập”.

Cách nay chưa lâu, sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã chỉ ra sự vô lý, không công bằng của đề thi. Đó là, có hàng chục ngàn thí sinh dự thi chỉ để được công nhận tốt nghiệp THPT, không dự tuyển đại học, cao đẳng nhưng vẫn phải làm phần đề thi để xét tuyển vào đại học. Mục đích của việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là tốt, thí sinh và người nhà đã không còn phải di chuyển hàng trăm, hàng ngàn cây số để về các thành phố lớn dự thi.

Cảnh “ăn bờ ngủ bụi”, vật vờ tại các điểm thi cũng không còn. Chi phí xã hội, rủi ro tai nạn giao thông cũng từ đó giảm đi. Không có gì phải nghi ngờ mục đích tốt đẹp của kỳ thi này. Tuy nhiên, tính khách quan, công bằng của kỳ thi luôn bị hoài nghi. Sự lo lắng ấy không phải vô căn cứ khi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tiêu cực đã lộ ra ở một số địa phương khiến nhiều cán bộ, giáo viên bị bắt giam để điều tra, một điều mà hàng chục năm trước chưa bao giờ xảy ra.

Hàng trăm thí sinh được nâng mỗi người hàng chục điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã tạo ra sự bất bình rất lớn trong dư luận. Thực ra, không có một hình thức, phương thức thi cử nào hoàn hảo, vấn đề là ở chỗ, nên chọn cách thức tổ chức thi như thế nào để hạn chế tiêu cực.

VIỆT ĐÔNG