BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vẫn còn lãng phí 

Cập nhật ngày: 25/06/2018 - 06:39

BTN - Trong những ngày qua, Ban Pháp chế HÐND tỉnh tổ chức khảo sát về công tác phòng, chống tham nhũng và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2018 ở một số đơn vị, huyện trong tỉnh.

Một phần diện tích của Trung tâm VHTT&HTCÐ xã Thái Bình (huyện Châu Thành) cho người dân thuê để trồng hoa màu.

Tiết kiệm hàng tỷ đồng

Ðoàn khảo sát, do ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Ban Pháp chế HÐND tỉnh dẫn đầu, đã có buổi làm việc với 3 cơ quan Thanh tra Tây Ninh, Công an tỉnh, Sở Xây dựng và các huyện Dương Minh Châu (DMC), Châu Thành.

Ðối với Công an tỉnh, việc mua sắm thực hiện theo tiêu chuẩn định mức. Trình tự, thủ tục mua sắm tài sản Nhà nước bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Tài sản sau khi mua sắm, hạch toán, báo cáo, quản lý và sử dụng theo đúng quy định pháp luật.

Ở huyện Châu Thành, theo báo cáo của lãnh đạo Phòng Tài chính huyện, những năm trước đây, việc xây dựng trường học theo tiêu chuẩn quốc gia có diện tích phòng chức năng rộng hơn so với nhu cầu nên gây lãng phí, từ năm 2014 đến nay, huyện xây dựng trường học (cũng theo tiêu chuẩn này) với kinh phí từ 15 tỷ đồng trở lại, nên không còn lãng phí. 6 tháng đầu năm 2018, huyện tiết kiệm chi tiêu thường xuyên được hơn 1 tỷ đồng, tăng 168 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại huyện DMC, đoàn khảo sát ghi nhận huyện tiết kiệm trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Cụ thể, tiết kiệm từ dự toán chi thường xuyên dành tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm là 5.901 triệu đồng.

Các phòng, ban, ngành quản lý và sử dụng ngân sách có hiệu quả, tổ chức hội nghị, sử dụng điện nước, văn phòng phẩm, sửa chữa trang thiết bị 229 triệu đồng, đấu thầu 12 dự án, tổng mức đầu tư 21,58 tỷ đồng.

Qua đấu thầu rộng rãi tiết kiệm được 1,5 tỷ đồng. Ở huyện Châu Thành, các cơ quan, đơn vị tiết kiệm chi tiêu về điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, tiếp khách, hội nghị với tổng số tiền 1.141,8 triệu đồng.

Có dấu hiệu của tham nhũng, LÃNG PHÍ

Ðoàn khảo sát  đã ghi nhận một số trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí. Theo Thanh tra tỉnh, năm 2018, việc công khai bản kê khai tài sản được thực hiện theo quy định với hai hình thức: công khai niêm yết và công khai trong cuộc họp.

Qua công tác thanh tra (2 cuộc) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, Thanh tra tỉnh phát hiện số tiền trên 500 triệu đồng, qua đó, có một bí thư chi bộ bị cách chức (Chi bộ Trường tiểu học Lê Anh Xuân (TP. Tây Ninh). Ngoài ra, còn 6 trường hợp tham nhũng trong năm 2017 đang xử lý.

Tại huyện Châu Thành, có một vụ tham nhũng xảy ra năm 2016 tại xã Hảo Ðước. Tháng 4.2018, Toà án nhân dân huyện Châu Thành xét xử sơ thẩm đối với vụ án này và đã tuyên phạt ông Ngô Tấn Công 9 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng, ông Trương Thành Nhân 30 tháng tù giam, ông Trần Chí Linh 18 tháng tù giam và đã thu hồi số tiền hơn 100 triệu đồng.

Ông Trương Thành Nhân và ông Trần Chí Linh kháng cáo bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Châu Thành và đang chờ kết quả xử phúc thẩm.

Trong  6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra huyện Châu Thành tổ chức thanh tra ở 3 đơn vị. Kết quả, phát hiện 2/3 đơn vị có sai phạm; thu hồi, nộp ngân sách gần 170 triệu đồng/gần 690 triệu đồng; kiểm điểm, rút kinh nghiệm 4 cá nhân và chưa xử lý kỷ luật 2 cá nhân.

Cụ thể, thanh tra đột xuất trong lĩnh vực tài chính tại Công an xã Phước Vinh đã thu hồi tổng số tiền gần 100 triệu đồng và đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm 4 cá nhân. Thanh tra đột xuất kinh phí bầu cử 74 triệu đồng tại UBND xã Hảo Ðước, Thanh tra huyện kết luận không thu hồi và thực hiện quyết toán các nội dung đủ điều kiện thanh toán theo quy định.

Thanh tra các nội dung chứng từ của số tiền hơn 680 triệu đồng tại UBND xã Hảo Ðước, Thanh tra huyện kết luận thu hồi gần 600 triệu đồng, nộp vào tài khoản tạm giữ, chờ xử lý của Thanh tra huyện, chờ xử lý kỷ luật 2 cá nhân.

Vẫn còn lãng phí

Ông Ðặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành chia sẻ thêm, việc dạy nghề cho lao động nông thôn có dấu hiệu lãng phí, vì nhiều người học không kiếm sống bằng nghề đã học. Vừa rồi, huyện làm việc với Công ty may mặc Hoàng Gia (cụm công nghiệp Thanh Ðiền) để giới thiệu những người đã học chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn, nhưng lãnh đạo công ty không muốn thu nhận số lao động này.

Ngoài ra, ông Hải còn dẫn chứng một số trường hợp gây lãng phí khác, như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên của huyện xây cất quá lớn, trong khi số lượng học sinh không nhiều.

“Trường hợp này huyện đã báo cáo lên lãnh đạo tỉnh. Hai ba tháng nay, trung tâm này đã được giao trả về cho huyện”, ông Hải nói. Mặt khác, một số trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng trên địa bàn huyện hoạt động không hiệu quả, nhưng cuối năm, ngành chuyên môn thành lập đoàn đi đánh giá, đều công nhận hoạt động tốt. 

Tương tự như thế, những năm gần đây, ở Thư viện huyện hầu như chỉ còn phòng internet hoạt động, ít có ai đến đọc sách, thế mà cuối năm vẫn được ngành dọc đánh giá xuất sắc. Cuối cùng, UBND huyện phải đưa ra quy chế đánh giá riêng, trong đó quy định, nếu kết quả đánh giá của ngành dọc và của huyện khác nhau thì phải công nhận kết quả đánh giá của huyện để xét thi đua.

Ở huyện DMC, bà Võ Thị Thuỳ Linh- Phó Phòng Tài chính huyện cho rằng, việc dạy nghề cho lao động nông thôn gây lãng phí. Bà Linh nói, công tác dạy nghề xây dựng kế hoạch năm nay, nhưng đến năm sau mới được cấp kinh phí.

Lúc đó, nhu cầu người học nghề đã thay đổi hoặc nhiều người không chờ được đã chuyển sang học nghề khác. Tới lúc khai giảng lớp dạy nghề, phải tìm người đưa vào lớp học cho đủ số lượng theo kế hoạch.

Cũng về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lãnh đạo xã Bến Củi bổ sung thêm, trước đây, lao động nông thôn dôi dư rất nhiều nên việc dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Nhưng từ năm 2016 đến nay, các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh phát triển mạnh, ở xã Bến Củi, hầu hết người dân đi làm công nhân. Vì vậy, danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay không còn phù hợp. Phương pháp đào tạo nghề cũng lạc hậu.

Người dân học nghề ở các lớp của xã, Trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức và các công ty, xí nghiệp không được công nhận tay nghề, họ đều phải học nghề lại. Trong khi đó, xây dựng nông thôn mới bắt buộc phải đạt tiêu chí đào tạo nghề.

Lãnh đạo xã Bến Củi còn nêu rõ tình trạng các trung tâm văn hoá - thể thao và học tập cộng đồng xây dựng xong nhưng không phù hợp để hoạt động, bởi vì những trung tâm này chỉ mới xây dựng cơ sở hạ tầng, không có trang thiết bị để hoạt động văn nghệ, thể thao.

Lãnh đạo xã Truông Mít cho rằng sân bóng đá của xã cũng lãng phí. Hiện xã quy hoạch 2 ha đất làm sân bóng đá, nhưng đa số người dân trong xã đều là nông dân, hằng ngày lao động mệt nhọc, chiều về nhà nghỉ ngơi, không còn thời gian chơi đá bóng. Vì vậy, xã cho người dân địa phương thuê hết 1 ha đất sân bóng đá để trồng khoai mì, 1 ha đất còn lại bỏ trống.

Lãnh đạo xã Cầu Khởi nêu, ở các thư viện ít có người đến đọc sách, vì người dân dễ dàng nắm thông tin qua các loại phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi hằng năm xã vẫn phải tốn kinh phí để mua sách mới bổ sung cho thư viện. Ðây cũng là một sự lãng phí cần đề cập đến.

Theo ông Trần Văn To- Chủ tịch UBND huyện DMC, cần kiến nghị lên trung ương chỉnh sửa tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tế, vì có một số tiêu chí gây lãng phí.

Ông Phạm Văn Ðặng- Phó trưởng Ban Pháp chế HÐND tỉnh cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp của cơ sở trong đợt khảo sát này để HÐND tỉnh xem xét, có hướng đề xuất theo quy định. Trong thời gian tới, lãnh đạo Ban Pháp chế HÐND tỉnh đề nghị các huyện nêu trên xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ðồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung thực hiện có hiệu quả phòng ngừa tham nhũng- nhất là phải công khai tài sản, thu nhập của các cơ quan, đơn vị. Ðặc biệt, đề nghị UBND huyện chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí; yêu cầu các cơ quan thực hiện nghiêm túc các chế độ báo cáo.  

Ðại Dương

Phát biểu tại buổi làm việc với các cơ quan tỉnh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hùng Thái nhận định: “Hầu hết những vụ việc tham nhũng do báo chí phát hiện hoặc qua tố giác của người dân. Do đó, đề nghị trong thời gian tới, thủ trưởng các đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, giám sát vấn đề tham nhũng, lãng phí”.