BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sắc màu văn hoá Tây Ninh:

Văn hoá xưa trên địa bàn phường 1 

Cập nhật ngày: 21/06/2017 - 14:52

BTN - Cứ theo những gì đã kể ở một bài báo trước đây về phường 1 thì rõ ràng đây là vùng cảnh quan sinh thái quan trọng nhất nhì của TP. Tây Ninh. Có lẽ đấy là nhờ con rạch Tây Ninh chảy qua phường 1 rất dài. Phía Bắc lại có suối Lâm Vồ hăm hở chạy ra từ phía núi.

Cúng đình Thái Ninh phường 1.

Cách nay 181 năm, các quan đại thần kinh lược sứ phía Nam đã tả lại cảnh quan nơi này rằng: “Khoảng giữa có đồn Xỉ Khê, đất đai rộng rãi, bằng phẳng màu mỡ, người Kinh người Phiên ở xen nhau làm ăn cấy cày…”. Cái quang cảnh nên thơ ấy đến nay chỉ còn thấy trên địa bàn phường 1. Như ở khu phố 2, vẫn còn một xóm Chăm với ngôi thánh đường giữa xóm.

Vào các ngày lễ vẫn thấy các cô gái Chăm diêm dúa áo khăn cùng trẻ em vui chơi từng đám trên con đường nhựa chạy qua dọc xóm. Rồi các vị chức sắc Chăm, đàn ông cũng khăn áo chỉnh tề quần tụ bên nhau trong và trước thánh đường. Vào những ngày thường, họ vẫn đi làm trên các cánh đồng, rẫy, vườn ở gần bên xóm.

Theo một báo cáo năm 2015 của UBND phường 1, trong số 849,18 ha đất diện tích tự nhiên của phường, vẫn còn tới 532,72 ha đất nông nghiệp. Thảo nào từ bất cứ nóc nhà cao nào ở TP. Tây Ninh nhìn về phường 1 cũng thấy bạt ngàn xanh. Xanh đến nao lòng. Cũng theo báo cáo ấy, dân cư phường 1 có 3.864 hộ với 17.331 người, trong đó dân tộc Chăm có 87 hộ với 356 người. Họ chính là hậu duệ của những cư dân Chăm của làng xưa có tên gọi làng Ðông Tác.

Nhiều người đã biết thị xã Tây Ninh- nay là TP. Tây Ninh hình thành từ xã tỉnh lỵ Thái Hiệp Thạnh, được thành lập năm 1943 (theo Ðịa chí Tây Ninh). Xã này được lập trên cơ sở các phần đất trung tâm của 3 thôn (làng). Hai thôn Thái Bình, Hiệp Ninh đã có từ ngay sau khi lập phủ Tây Ninh năm 1836.

Còn Ninh Thạnh đến năm 1872 mới được lập thành trên cơ sở của hai thôn Khương Ninh và Khương Thạnh. Cùng năm ấy còn có thôn Vĩnh Xuân được lập do nhập hai thôn Vĩnh Cơ và Xuân Sơn. Nhưng đến ngày 6.3.1891, Pháp lại giải thể thôn Vĩnh Xuân để nhập vào làng Ninh Thạnh. Riêng thôn Ðông Tác, nơi có nhiều người Chăm sinh sống được lập ra từ năm Tự Ðức thứ 10 (1857). Ðến năm 1876 gọi là làng Ðông Tác, thuộc tổng Hoà Ninh (cùng tổng với 2 làng Thái Bình và Ninh Thạnh).

Ðến năm 1957 làng này mới sáp nhập vào xã Thái Hiệp Thạnh. Nguồn tư liệu ấy cộng với hiện trạng ngày nay có thể thấy rằng tiền thân của phường 1 chính là các thôn, làng thuở trước như Khương Ninh, Thái Bình, Ninh Thạnh, Vĩnh Xuân và Ðông Tác. Vị trí Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiện nay, vào năm 1836 là thành phủ Tây Ninh, thuộc về thôn Khương Ninh.

Chùa Phước Lâm ở khu phố 2 hiện giờ lại thuộc thôn Vĩnh Xuân ngày trước. Có đến hai ngôi đình trên địa bàn phường 1 hiện tại là đình Thái Ninh và đình Thái Vĩnh Ðông đều cho rằng mình là tiền thân của đình làng Ninh Thạnh. Ngôi thứ ba, đình Thái Bình- di tích lịch sử văn hoá quốc gia thì ai cũng đã biết đấy là ngôi đình của làng Thái Bình xưa.

Làng Chăm Ðông Tác từ giữa thế kỷ XIX nay đã nằm trong khu phố 2, phường 1. Miền đất cảnh quan sinh thái này còn gói ghém biết bao bằng chứng, tuổi tên lịch sử của riêng mình. Trên đất Tây Ninh chẳng có xã, phường nào có đến 3 ngôi đình như ở phường 1. Chùa và tịnh xá cũng có tới 9 ngôi, trong đó ngôi xưa nhất hẳn là chùa Phước Lâm, còn gọi bằng tên xưa là chùa Vĩnh Xuân, được khánh thành năm Nhâm Thân 1872. Ngoài ra, còn nhiều ngôi đền miếu của tín ngưỡng dân gian, như đền thờ Quan Lớn Trà Vong, miếu Ngũ Hành, miếu Thổ Chủ. Tổng cộng có tới 17 cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo có trên địa bàn phường 1.

Ở TP. Tây Ninh, nói về chợ là người ta sẽ nghĩ đến ngay phường 2, nơi từng có các ngôi chợ lớn nhỏ xưa nay. Như chợ cũ ở bên đường Quang Trung kế cận góc đường Trần Hưng Ðạo và Lê Lợi. Hay chợ cá bên đường Yết Kiêu nay là khu vực chợ đêm. Ít ai biết rằng ngôi chợ lâu đời nhất lại ở phường 1, nơi có địa danh là bến Trường Ðổi. Trường là bãi trống có thể chứa nhiều người. Ðổi là đổi chác.

Ta có thể hình dung, từ rất lâu rồi khi còn chưa có tên làng, tên đất thì các nhóm dân tộc: Kinh, Khmer, Chăm đã có cái “chợ” này làm nơi đổi chác các sản vật mà mình săn bắt, nuôi trồng được. Chợ ấy chắc chắn lâu đời nhất, vì còn chưa biết xài tiền, chỉ đổi chác cho nhau các món đồ hay con vật, kiểu như con gà đổi lấy vài quả bí ngô…

Cũng chính nơi đây, những tên lính thực dân Pháp đầu tiên đã bị giết trên đất Tây Ninh. Ðấy là ở trận liên quân Việt- Khmer của Trương Quyền và Pu-Kom-Pô tiến đánh giặc ngoại xâm ngay tại sào huyệt của chúng. Sách “Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng” có chép chuyện này: rạng sáng ngày 7.6.1866, được tin báo có “quân phiến loạn” ở trong bìa rừng phía bên kia sông, cách đồn lính chừng hơn một cây số đường chim bay đang trên đường tiến về trung tâm tỉnh lỵ, lập tức Ðại uý De Larclauze điều quân qua sông tổ chức tấn công.

Tại bến Trường Ðổi, ngựa của De Larclauze bị sa lầy, ông ta nhảy xuống và cũng bị chôn chân dưới bùn. Một phát tên của nghĩa quân làm ông bị tử thương và chiến trận diễn ra chóng vánh. Thiếu uý Sage và hơn 10 tên lính đã cùng chủ tướng nằm lại trận địa, số còn lại thì chạy thục mạng về đồn, phải đến 5 giờ chiều ngày 9.6 (hơn 2 ngày sau) địch mới ra lấy thây đồng bọn.

Ðể tưởng niệm vị quan cai trị đầu tiên này ở Tây Ninh, chính quyền Pháp đã đặt tên con đường từ cầu Quan ra bến Trường Ðổi là Quai De Larclauze”. Ðường này nay là Phan Châu Trinh. Chỉ riêng trên con đường này thôi, đã có thể thiết kế một tuyến du khảo tuyệt vời. Này nhé, khởi đầu với ba nhịp cầu Quan, mà ở đầu thế kỷ trước nó từng là cầu tre gỗ, có cổng cầu hẳn hoi.

Rồi đến năm 1924 cầu được làng Thái Bình xuất “công nho” xây kiên cố bằng bê tông cốt sắt. Ði vài trăm mét sẽ thấy ngay ngôi nhà cổ, đến nay là 123 tuổi của cụ Ðốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên. Một con đường nhỏ ngăn cách ngôi nhà cổ với chùa Phước Lâm đến nay cũng đã 145 năm rụng rơi hoa đại.

Ngược đường ấy lên vài chục mét là thấy ngay đình Thái Vĩnh Ðông trầm mặc dưới bóng cây gõ cổ thụ tưởng bị tử thương vì pháo giặc Khmer đỏ mà nay vẫn xoè lá biếc xanh. Ði tiếp con đường Phan Châu Trinh hơn 500 mét nữa sẽ tới bến Trường Ðổi đáng xếp hạng vào di tích lịch sử văn hoá tỉnh nhà- nơi ghi nhận trận đầu đánh Pháp từ 151 năm trước.

Ðằng sau bến là xóm Chăm thuộc khu phố 2 vẫn nếp sống bình yên trong những túp nhà mộc mạc trầm nâu, tương phản với ngôi thánh đường trắng toát dưới nắng trưa. Cả cái phố này, dẫu là đầu cầu Quan tấp nập người qua, cho đến Trường Ðổi còn hoang vu những hàng gừa, tràm nước và cây dứa dại thì vẫn chứng kiến được hằng ngày một cảnh quan núi và sông lộng lẫy.

Như một đôi câu đối sơn son thiếp vàng trong ngôi nhà cổ: Thượng tiếp thanh sơn, thể phụng, kim long tiện thị cao môn đệ nhất/ Tiền hoàn bích thuỷ, châu y, huỳnh cái, phương xưng thắng địa vô cùng.

Tạm dịch: ngước mặt thấy núi xanh hình chim phụng, rồng vàng, đúng là một cửa cao nhất/ Phía trước là dòng nước chảy như tấm lụa son ánh vàng, thật xứng đáng là thế đất đẹp đẽ vô cùng.

Ngoài phường 1, có nơi nào “đắc địa” thế này không?

TRẦN VŨ