Thể thao   Bóng đá

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Văn Quyết - tù trưởng của thế hệ lãng quên 

Cập nhật ngày: 02/11/2019 - 20:29

Văn Quyết góp công lớn giúp CLB Hà Nội hoàn tất cú đúp danh hiệu quốc nội mùa giải 2019, nhưng màu áo đội tuyển Việt Nam vẫn xa tầm với của anh.

Văn Quyết tranh chấp bóng với cầu thủ Nhật Bản ở Asiad 2018. Ảnh: Đức Đồng.

Sự nghiệp của Văn Quyết có thể gói gọn trong mấy chữ: Đồ sộ nhưng nuối tiếc.

Năm 2011, anh chính thức trở thành ngôi sao mới của bóng đá Việt Nam với một trong những cú hat-trick nhanh nhất lịch sử bóng đá thế giới, khi ghi bàn vào lưới U23 Brunei ở SEA Games 2011. Lúc đó Văn Quyết mới 20 tuổi. Trước đó một năm, anh đã là "Cầu thủ trẻ xuất sắc Việt Nam". Từ đó đến nay, Văn Quyết đã bốn lần vô địch V-League cùng Hà Nội, là đội trưởng của đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 và hai lần được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc V-League. Đó là một tài năng không thể tranh cãi về chuyên môn.

Nhưng ở một phương diện khác, là đội trưởng nhưng Văn Quyết không phải là cầu thủ quan trọng trong chiến dịch AFF Cup 2018. Anh chưa từng đoạt Quả Bóng Vàng Việt Nam dù hai lần nhận danh hiệu Quả Bóng Bạc. Tại V-League, Văn Quyết là cầu thủ ghi bàn ổn định nhất từ năm 2012, trung bình mỗi mùa anh ghi được tám bàn, nhưng cũng không phải là lựa chọn số một trên hàng công của bất kỳ đời HLV nào, bao gồm Park Hang-seo hiện nay.

Tóm lại, Văn Quyết gần như không thiếu bất kỳ vinh quang nào, nhưng sự nghiệp không hoàn hảo kiểu như Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh hay Phạm Thành Lương, Nguyễn Anh Đức dù thời gian chơi bóng đỉnh cao của còn dài.

Nếu có cái gọi là "sinh nhầm thời điểm", thì đấy có thể là từ thích hợp nhất dành cho Văn Quyết và thế hệ cùng thời của anh. Đó là thế hệ những cầu thủ xuất sắc trong giai đoạn 2011 – 2017. Bên cạnh Văn Quyết, có Phạm Thành Lương, Võ Huy Toàn, Nguyễn Trọng Hoàng, Ngô Hoàng Thịnh, Trần Phi Sơn, Vũ Minh Tuấn, Nghiêm Xuân Tú...

Sau khi Henrique Calisto bất ngờ chia tay vào giữa năm 2011, bóng đá Việt Nam rơi vào một hoàn cảnh hỗn loạn. Ở V-League, cuộc khủng khoảng trọng tài lên đến đỉnh điểm khiến V-League biến động dữ dội với sự ra đời của công ty VPF. Từ năm 2012 đến 2016, gần chục đội bóng xuất hiện và biến mất. V-League có đến hai mùa giải kết thúc mà số đội tham gia không trọn vẹn như lúc khởi đầu. Hai vụ án bán độ bị phát hiện, các ông bầu tranh cãi với nhau về tình trạng "một ông chủ nhiều đội bóng". Ở một giải vô địch quốc gia bất ổn như vậy, hậu quả là ở cấp độ đội tuyển quốc gia, từ 2011 đến 2017, có tất cả năm HLV lần lượt được bổ nhiệm. Falko Goetz, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng. Không ai trong số đó kết thúc hợp đồng một cách yên ả. Hoặc bị sa thải, hoặc chủ động nộp đơn từ chức.

Không thể nói là thế hệ của Văn Quyết không tài năng. Các cầu thủ mà HLV Park Hang-seo đã và đang triệu tập lên tuyển như Quế Ngọc Hải, Huy Toàn, Huy Hùng, Mạc Hồng Quân, Trần Nguyên Mạnh, Ngô Hoàng Thịnh... đều là các thành viên của giai đoạn dữ dội đó. Năng lực của họ cũng được chứng minh với cơn địa chấn khi đánh bại Olympic Iran 3-1 ở Asiad 2014, hay hai lần vào bán kết AFF Cup 2014, 2016.

Nhưng có quá ít người trong số đó thành công dưới thời của HLV Park Hang-seo. Nguyễn Trọng Hoàng có thể xem là trường hợp cá biệt. Từ vai trò của một tiền vệ công, với phong cách thi đấu rất dễ dính thẻ thì với HLV Park Hang-seo, anh là một full-back xuất sắc, là nhân vật không thể thiếu trong mọi sơ đồ chiến thuật của thầy Park. Người thứ hai cũng đã thay đổi, đó là Quế Ngọc Hải...

Nếu liên kết yếu tố hoàn cảnh và "di sản" mà nó để lại, thì ít nhiều cũng có thể lý giải vì sao Văn Quyết hay những người cùng thế hệ của anh không phù hợp với thời HLV Park Hang-seo.

Mỗi HLV luôn có cách chọn người của riêng mình. Các HLV ở đội tuyển quốc gia, nếu giàu tham vọng, thì có xu hướng xây dựng đội ngũ riêng của mình, như kiểu họ tạo ra một CLB mang tên đội tuyển vậy. Ông Park bắt đầu công việc ở Việt Nam bằng đội U23, và ông may mắn có trong tay một thế hệ gần như hoàn chỉnh để thành công rất nhanh và không phải mất thời gian tìm người tại V-League như các HLV trước đây.

Ngược lại, ngay từ lúc khởi đầu, Văn Quyết và thế hệ của anh đã không may mắn. Bảy năm, qua đến năm đời HLV cả nội lẫn ngoại, chưa kịp làm quen với triết lý này đã phải tìm cách thích ứng với triết lý khác. Đó là chưa kể, sự giao thoa của hai thế hệ của Văn Quyết và Công Vinh cũng tạo nên những cuộc xung đột nội bộ mà đỉnh điểm là sự cố "bản danh sách đen" sau AFF Cup 2012, hoặc cáo buộc nghi ngờ ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014.

Trong một hoàn cảnh hỗn loạn, ít động lực, mất cảm hứng như vậy thì cầu thủ có tài năng đến mấy cũng khó lòng phát triển tư duy và năng lực chơi bóng. Sự bất ổn càng kéo dài, những gì tốt nhất của họ cũng sẽ chậm lại. Phản xạ thích ứng với những điều mới mẻ cũng biến mất.

Hãy làm một phép so sánh với thế hệ hiện nay. Đó là các cầu thủ của hai lứa U19 chỉ chênh nhau một hoặc hai tuổi. Họ được HLV Park Hang-seo huấn luyện từ đầu, tiếp thu triết lý mới ổn định, được bảo đảm vị trí từ U23 đến đội tuyển quốc gia. Sự tự tin, mạo hiểm của tuổi trẻ được kích thích bởi những thành công rất lớn, khiến cho họ càng chơi càng hay. Tư duy về thi đấu cũng hoàn toàn khác, thời gian để họ phát triển nhiều hơn. Họ thích ứng nhanh hơn với cái mới, dù rất nhiều cầu thủ trong số họ về xuất phát điểm đào tạo không hề tốt hơn thế hệ của Văn Quyết. Ông Park may mắn có họ và ngược lại, họ cũng may mắn có duyên với ông thầy Hàn Quốc.

Trên thực tế, HLV Park Hang-seo biết rằng ông vẫn cần các cầu thủ giàu kinh nghiệm của thế hệ Văn Quyết nếu như họ vẫn chơi tốt tại V-League và có thể thay đổi cách chơi bóng. Nhiều thử nghiệm đã được đưa ra, nhưng kết quả nhận được lại không khả quan. Tại Asiad 2018, ông đã thử sử dụng Văn Quyết. Đến AFF Cup 2018, ông vẫn còn kiên nhẫn nhưng khi vào các trận đấu quan trọng, ông buộc phải để Quyết ngồi dự bị. Chừng đó thời gian đủ để HLV Park Hang-seo biết rằng Văn Quyết khó lòng thay đổi và thích ứng. Nói cách khác, Văn Quyết càng thành công ở Hà Nội thì cơ hội lên tuyển quốc gia lại càng nhỏ.

Cánh cửa của HLV Park Hang-seo thực ra vẫn rộng mở. Thế hệ của Văn Quyết vẫn đang ở độ tuổi 28-29, đẹp nhất của sự nghiệp cầu thủ. Nhưng thật kém may mắn cho họ. Một giai đoạn đáng lãng quên của bóng đá Việt Nam dường như cũng đã kéo luôn cả một thế hệ tài năng xuống dốc, khiến họ không thể tự mình thay đổi mình để phù hợp với những yêu cầu từ HLV Park Hang-seo, người vốn đã có sẵn trong tay những người ưng ý nhất.

Đó phải chăng là cách lý giải ổn thỏa nhất, ít tranh cãi nhất cho trường hợp của Văn Quyết, cũng như nhiều tài năng cùng thời với anh. Một câu chuyện mang màu sắc của số phận hơn là năng lực.

Nguồn VNE