Pháp luật   Tư vấn pháp luật

BAOTAYNINH.VN trên Google News

TAND TỐI CAO TRẢ LỜI CỬ TRI TÂY NINH:

Về trường hợp đương sự là người Việt Nam đang ở nước ngoài tham gia tố tụng

Cập nhật ngày: 25/08/2018 - 20:54

BTN - Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV, cử tri Tây Ninh kiến nghị với Toà án nhân dân tối cao về trường hợp liên quan đến đương sự là người Việt Nam đang ở nước ngoài tham gia tố tụng.

Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TATC ngày 19.10.2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, TANDTC và Công văn số 33/TANDTC-HTQT ngày 21.2.2017 của TANDTC, Toà án không uỷ thác tư pháp tống đạt thông qua Bộ Tư pháp mà phải gửi bằng đường bưu điện đến lãnh sự quán hoặc tổng lãnh sự quán của Việt Nam tại nước đó; riêng đối với Canada, dù đương sự là người Việt Nam hay người Canada đều phải tống đạt qua đường bưu điện.

Nhưng thời gian qua, những trường hợp Toà án đã gửi đều không nhận được phiếu báo phát; khi liên hệ với nhân viên Bưu điện thì được trả lời là dịch vụ gửi ra nước ngoài không có báo phát. Ðề nghị TAND tối cao phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương cho ý kiến cụ thể vấn đề trên, vì Toà án địa phương không có cơ sở xác định tính hợp lệ của việc tống đạt khi gửi bằng đường bưu điện.

Ðối với kiến nghị trên, TAND tối cao trả lời như sau: Ngày 21.2.2017, TAND tối cao đã ban hành Công văn số 33/TANDTC-HTQT hướng dẫn các Toà án thực hiện nghiệp vụ tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài theo đường bưu chính khi giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính có đương sự ở nước ngoài.

Tại điểm a mục 1 Phần II của Công văn này, TAND tối cao đã hướng dẫn: TAND các cấp được thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng theo quy định tại điểm c khoản 1 Ðiều 474 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và điểm c Khoản 1 Ðiều 303 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 nếu đương sự là người nước ngoài, công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức nước ngoài cư trú hoặc có trụ sở tại các nước không phản đối cách thức tống đạt theo đường bưu chính. Danh sách các nước không phản đối cách thức tống đạt theo đường bưu chính được TANDTC liệt kê trong Bảng số 5 gửi kèm Công văn này, bao gồm 39 nước, trong đó có Canada và hai vùng lãnh thổ của nước ngoài.

Tại mục 6 phần II của Công văn số 33/TANDTC-HTQT, TAND tối cao đã hướng dẫn: Toà án có trách nhiệm gửi hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài theo dịch vụ bưu phẩm bảo đảm quốc tế có ký nhận của người nhận.

Về dịch vụ bưu chính quốc tế mà Toà án cần sử dụng để tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài, TAND tối cao thấy rằng, từ nhiều năm nay, bưu điện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như các công ty bưu chính khác như Viettel, DHL hoặc FedEX Việt Nam... đều cung cấp dịch vụ bưu chính chuyển phát bảo đảm quốc tế có gắn số hiệu để theo dõi, định vị trong quá trình chuyển phát.

Theo đó, khi sử dụng dịch vụ này, khách hàng được hướng dẫn cách sử dụng theo dõi, định vị bưu phẩm gửi ra nước ngoài. Với cách thức chuyển phát này, việc giao bưu phẩm được thực hiện trực tiếp với người nhận và có yêu cầu người nhận phải ký nhận bưu phẩm. Tuy nhiên, các công ty bưu chính không cung cấp cho khách hàng gửi bưu phẩm văn bản xác nhận kết quả giao nhận bưu phẩm có chữ ký “tươi” của người nhận, vì tại hầu hết các nước trên thế giới, việc ký nhận bưu phẩm của người nhận được thực hiện bằng thiết bị điện tử.

Thay vào đó, các công ty bưu chính cho phép khách hàng có thể in ra thành văn bản kết quả chuyển phát của công ty bưu chính từ trang thông tin điện tử của công ty bưu chính trong các trường hợp, bao gồm: người nhận đã ký nhận bưu phẩm; người nhận đã rời khỏi địa chỉ nhưng không biết địa chỉ mới; địa chỉ không đúng hoặc thiếu chi tiết để giao bưu phẩm cho người nhận; địa chỉ của người nhận không có thật hoặc người nhận từ chối nhận bưu phẩm...

Như vậy, khi Toà án tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở 39 nước, bao gồm Canada và hai vùng lãnh thổ của nước ngoài theo danh sách liệt kê cụ thể tại Công văn số 33/TANDTC-HTQT, Toà án cần phải sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát bảo đảm quốc tế được gắn số hiệu để theo dõi, định vị trong quá trình chuyển phát.

Khi sử dụng dịch vụ bưu chính này, Toà án cần yêu cầu công ty bưu chính trong các trường hợp: người nhận đã ký nhận bưu phẩm; người nhận đã rời khỏi địa chỉ nhưng không biết địa chỉ mới; địa chỉ không đúng hoặc thiếu chi tiết để giao bưu phẩm cho người nhận; địa chỉ của người nhận không có thật hoặc người nhận từ chối nhận bưu phẩm. Văn bản này là căn cứ xác định tính hợp lệ của việc tống đạt văn bản tố tụng của Toà án theo đường bưu chính cho đương sự ở nước ngoài, đã được quy định tại điểm c khoản 1 Ðiều 474 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và điểm c khoản 1 Ðiều 303 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

TAND tối cao ghi nhận kiến nghị nêu trên và cho biết, trong thời gian tới, TAND tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để hướng dẫn TAND các cấp áp dụng thống nhất về việc tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài theo đường bưu chính, bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật và thực tiễn.

QUANG TÂM - DUY NHÃ

(Lược ghi)