BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vì sao bão số 9 di chuyển lắt léo, vận tốc và cường độ thất thường? 

Cập nhật ngày: 25/11/2018 - 20:06

Vượt qua kinh tuyến 110, bão số 9 bắt đầu di chuyển chậm lại, đổi hướng xuống phía nam rồi lại chếch lên hướng tây bắc.

Đường đi của bão số 9 bắt đầu lắt léo khi vượt qua kinh tuyến 110. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Đồ Họa: Nhân Lê.

Trên đường di chuyển trên biển Đông, có thời điểm bão mạnh lên cấp 10, giật cấp 12. Tuy nhiên đến sáng 25/11, bão gần như không di chuyển trong 3 giờ  đồng hồ, chỉ quanh quẩn ở vùng ven biển từ nam Bình Thuận đến Bến Tre, cường độ suy giảm.

Lý giải về hiện tượng này, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết trong quá trình di chuyển, những cơn bão thường có sự thay đổi thất thường về vận tốc và hướng đi.

"Khi ở xa bờ, bão số 9 chịu sự chi phối của hệ thống dẫn đường gọi là dòng gió đông trên cao nên di chuyển tương đối ổn định. Tuy nhiên vùng áp cao này chỉ có phạm vi ảnh hưởng đến kinh tuyến 110. Khi cơn bão vượt ra khỏi ranh giới này sẽ di chuyển theo quán tính và tự điều chỉnh lại đường đi", ông Năng lý giải.

Ngoài ra, các vùng áp cao ở Tây Bắc và Ấn Độ Dương cũng tác động đến đường đi của bão.

Bão số 9 được dự đoán là cơn bão cuối mùa có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp. Theo quan sát trong 5 ngày qua, bão bắt đầu hình thành từ áp thấp nhiệt đới, mạnh lên thành bão rồi lại giảm xuống thành áp thấp nhiệt đới khi vào đất liên.

Mặc dù đã suy yếu nhưng bão số 9 vẫn gây ra thiệt hại nhất định. Theo báo cáo nhanh của các tỉnh tính đến 12h ngày 25/11, bão khiến 10 ngôi nhà bị sập (8 nhà ở Bình Thuận, 2 nhà ở Ninh Thuận).

Diện tích lúa bị ngập là 463 ha (Ninh Thuận). Hai vị trí đường sắt qua huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận bị sạt lở. 36 tàu thuyền ở 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận bị chìm và hư hỏng. Ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều cây cối ngã đổ.

Nguồn Zing