BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vì sao ông bà ta thường khuyên “Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3”? 

Cập nhật ngày: 18/02/2018 - 11:12

Dân gian có câu “Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3” để chỉ những ngày xấu, không may mắn. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định không cần kiêng tuyệt đối như vậy.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục – Liên hiệp hội KHKT Việt Nam (VNUSTA), câu "Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3" trong quan niệm dân gian là ám chỉ đây là ngày “Tam nương”, không may mắn cho việc khởi sự hay xuất hành.

Tiến sĩ Vịnh giải thích rằng, theo sự tích về ngày Tam nương thì mỗi 1 tháng (tính theo lịch âm) có tận 6 ngày Tam nương chứ không chỉ ngày 3, ngày 7. Cụ thể còn có thêm 4 ngày 13, 18, 22, 27.

Thứ nhất, theo lịch âm cứ 29,5 ngày là 1 vòng mặt trăng đi xung quanh trái đất nên khó chọn ngày nên người xưa mới chọn tháng 29 ngày là tháng thiếu, tháng 30 ngày là tháng đủ. Người ta nghĩ rằng số chẵn là tốt nên việc trong nhà thì dùng số chẵn, những việc bên ngoài thì dùng số lẻ.

Thứ hai, do ảnh hưởng của đạo giáo thần tiên nên không chỉ 6 ngày Tam nương mà còn có cả 3 ngày Nguyệt kỵ: ngày 5, 14, 23. Trong đạo giáo, đạo mẫu các ngày này là ngày các quan đi tuần nên dân phải tránh.

vi sao ong ba ta thuong khuyen cho di ngay 7 cho ve ngay 3

Các chuyên gia khẳng định không nên kiêng quá tuyệt đối mà tùy vào công việc mà xem xét. Ảnh minh họa

“Việc quan đi được mà dân không đi được bản thân nó là một sự phân biệt. Còn theo khoa học thì hiệu ứng của mặt trăng ở ngày không có trăng và ngày trăng sáng nhất (ngày rằm) mới là thời điểm ảnh hưởng đến sức khỏe và trạng thái tâm lý của con người.

Về nguyên tắc, lịch can chi không kiêng tuyệt đối như thế nên nếu mỗi tháng kiêng 6 ngày Tam nương, 3 ngày Nguyệt kỵ, 2 ngày sóc (mùng 1 âm lịch), vọng (ngày rằm) thì mất 11 ngày thì dễ gây hỏng việc và sa đà vào mê tín dị đoan.

Thực tế khi làm những việc lớn như mua nhà, đất, động thổ, cưới xin hay tang lễ thì cần quan tâm đến những ngày trên, còn bình thường không nên quá quan tâm đến những ngày này”, Tiến sĩ Vịnh bày tỏ.

Nhà Nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cũng khẳng định rằng trong khoa học không có căn cứ nào nói về việc phải kiêng những ngày Tam nương, Nguyệt kỵ, Vọng, Sóc hay nói những ngày này là này xui xẻo.

“Về mặt bản chất, người Việt quan niệm là số lẻ là số sinh sôi nảy nở nhưng do quá yêu số lẻ nên thành sợ rồi sau này nảy sinh ra kiêng kị. Còn theo khoa học thì với từng người có ngày tốt, ngày xấu khác nhau tính theo chu kỳ sinh học”, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú chia sẻ.

Nguồn Khampha