BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm

Cập nhật ngày: 05/06/2017 - 12:35

BTN - Hỏi: Nữ, 16 tuổi. Từ nhỏ, mỗi khi ăn kem hay uống lạnh là tôi bị đau họng. Mỗi khi ốm hay khi thay đổi thời tiết hoặc ở trong phòng điều hoà, bật quạt là tôi bị chảy dịch mũi, ngạt mũi. Bác sĩ bảo tôi bị viêm mũi dị ứng nhưng uống thuốc rất nhiều rồi vẫn không khỏi. Mong bác sĩ tư vấn rõ hơn về căn bệnh của tôi.

Huyền Tr

 (Phường 3, TP Tây Ninh)

Đáp: Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như bụi, khói, lông, thời tiết... Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp trong các bệnh lý của đường hô hấp, chiếm tỷ lệ 17-25% dân số. Để điều trị viêm mũi dị ứng ngoài các phương pháp tây y, có thể sử dụng thuốc dân gian như tỏi cũng rất công hiệu.

Để điều trị viêm mũi dị ứng, y học hiện đại chủ yếu sử dụng 3 cách thức căn bản sau:

- Tránh các tác nhân gây kích thích và kiểm soát môi trường sống. Chất kích thích có thể là khói, phấn hoa, nấm mốc, bụi bẩn, bọ ve, lông vật nuôi… Tác nhân từ môi trường bao gồm yếu tố khí hậu, thời tiết như thay đổi nhiệt độ, độ ẩm...

- Sử dụng thuốc đặc trị cho viêm mũi dị ứng: Thuốc kháng histamin (Certirizine, Chlorphéniramine), là những thuốc ức chế việc giải phóng hoặc tổng hợp các chất hoá học trung gian gây phản ứng dị ứng. Thuốc thông mũi: dạng nhỏ, xịt. Thuốc corticorid (Prednisolone): dùng cho đợt cấp và nghiêm trọng.

- Liệu pháp miễn dịch: Đây là phương pháp cho chủ thể dị ứng hấp thụ với liều tăng dần dị nguyên nhằm đạt được giảm mẫn cảm, tức là giảm các triệu chứng khi phơi nhiễm tự nhiên trở lại với chính dị nguyên đó. Liệu pháp miễn dịch là phương pháp duy nhất điều trị tận gốc căn nguyên gây dị ứng (nhưng khó làm vì không biết căn nguyên).

Ngoài ra, trong một số trường hợp, cần phẫu thuật để điều trị viêm mũi dị ứng. Đó là khi cần giải quyết bệnh tích ở những bệnh nhân viêm mũi dị ứng tiến triển tạo nhiều polyp (thường gọi là thịt dư), hoặc niêm mạc cuốn mũi thoái hoá quá mức gây nghẹt mũi nhiều không thể phục hồi dù đã uống thuốc tích cực.

Điều trị viêm mũi dị ứng bằng tỏi: Ép tỏi lấy dịch cộng thêm một chút mật ong, pha theo tỷ lệ 1 phần dịch tỏi, 2 phần mật ong. Hoà vào nhau rồi thấm vào bông gòn (không nên thấm quá ướt) và nhét vào mũi mỗi ngày 3 lần. Kháng sinh tự nhiên trong tỏi sẽ đẩy lùi những vi khuẩn gây viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, có thể dùng rượu tỏi để điều trị viêm mũi dị ứng cũng rất hiệu quả. Tỏi đã bóc vỏ đem thái nhỏ hoặc giã nát, đem ngâm với khoảng 1 lít rượu trắng, để chỗ thoáng mát trong 10 ngày, thỉnh thoảng lắc đều dung dịch, khi rượu chuyển sang màu nghệ là có thể sử dụng. Mỗi ngày dùng 2 lần vào buổi sáng, tối, liều lượng khoảng 40 giọt (1 muỗng cà phê).

Hiện tại, bạn đang có các triệu chứng của viêm mũi dị ứng nhưng cũng có thể đã đến giai đoạn viêm xoang vì bệnh đã lâu, bạn hãy đến bác sĩ tai mũi họng khám để được tư vấn điều trị bệnh cụ thể.

BS LÊ TRUNG NGÂN


Liên kết hữu ích