BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ khiếu nại của 5 hộ dân ở đường Lạc Long Quân (thành phố Tây Ninh):

Viện Kiểm sát cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh kháng nghị huỷ án, xét xử lại

Cập nhật ngày: 26/08/2016 - 02:07

Khu đất tranh chấp hơn 30 năm, nay có nhiều hộ xây nhà nhiều tầng.

Tháng 4.2016, các ông Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Lòng, Phạm Thế Hùng, Đàm Thị Điệu, Nguyễn Thị Nụ (cùng ngụ ở đường Lạc Long Quân, khu phố 4, phường IV, thành phố Tây Ninh) gửi đơn đến lãnh đạo tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Báo Tây Ninh nhờ giúp đỡ bởi cơ quan Thi hành án dân sự sắp thi hành 5 bản án “Đòi thành quả lao động” liên quan đến đất đai mà họ và gia đình bà Võ Thu Trinh tranh chấp, kéo dài hơn 30 năm qua. Các hộ dân này cho rằng bản án dân sự sơ thẩm của TAND Thành phố và Bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh có nhiều điểm chưa đúng với quy định pháp luật, khiến họ phải chịu thi hành 5 bản án “oan sai”, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ (Báo Tây Ninh đã có loạt bài phản ánh việc khiếu nại của 5 hộ dân trên).

Ngày 25.7.2016, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh (VKS cấp cao) đã ra 5 quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Uỷ ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm huỷ toàn bộ 2 bản án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm của TAND Thành phố và TAND tỉnh Tây Ninh. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm về trường hợp ông Nguyễn Văn Đức nêu rõ: Nguồn gốc diện tích đất căn nhà G64/6 xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành (nay là 284, đường Lạc Long Quân, khu phố 4, phường IV, Thành phố) do ông Đức đang quản lý và sử dụng là của cụ Võ Thành Minh (cha bà Trinh) khai phá năm 1950 và cất dãy nhà cho thuê.

Năm 1972, những căn nhà cho thuê bị cháy, các hộ thuê cất lại nhà để ở. Ngày 3.11.1972, cụ Minh được chính quyền chế độ cũ cấp quyền sở hữu diện tích 2,1 ha. Từ năm 1988, gia đình bà Trinh đã được UBND các cấp công nhận nguồn gốc đất, buộc các hộ thuê đất trả thành quả lao động. Ngày 12.5.2010, bà Trinh đại diện cho các người con của cụ Minh khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Đức bồi thường thành quả lao động. Ông Đức không đồng ý vì cho rằng phần đất ông chuyển nhượng của ông Lê Văn Dũng theo đúng quy định pháp luật và được cấp giấy CNQSDĐ.

Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi hoàn thành quả lao động là chưa đầy đủ căn cứ. Bởi vì chứng cứ trong hồ sơ thể hiện ông Dũng chuyển nhượng cho vợ chồng ông Đức diện tích 81,7m2 mà ông đã mua của ông Lê Ngọc Sinh và bà Trần Thị Lời năm 1985, ông cũng đã được cấp giấy CNQSDĐ năm 2001.

Do vậy, cần xác minh làm rõ khi nhận chuyển nhượng đất, ông Đức có biết việc tranh chấp của gia đình bà Trinh hay không, các bên có thoả thuận về việc phải bồi hoàn thành quả lao động cho chủ đất cũ không. Toà án cấp sơ thẩm không đưa ông Dũng, bà Lời (hoặc những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của họ) tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để làm rõ những nội dung trên, lại buộc ông Đức, bà Hoa bồi thường thành quả lao động là ảnh hưởng quyền lợi của đương sự.

Ngoài ra, vụ việc tranh chấp giữa gia đình bà Trinh với các hộ thuê đất xảy ra từ năm 1988, nhưng sau đó UBND huyện Hoà Thành vẫn cấp giấy CNQSDĐ cho ông Dũng, sau đó lại cho phép ông Dũng chuyển nhượng đất cho ông Đức là không đúng quy định Luật Đất đai. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa UBND huyện Hoà Thành tham gia tố tụng để xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý đất đai là có thiếu sót...

Trường hợp ông Nguyễn Văn Lòng, Phạm Thế Hùng, Đàm Thị Điệu, Nguyễn Thị Nụ cũng tương tự. Kháng nghị của VKS cấp cao cho rằng, ông Lòng mua đất của bà Huỳnh Thị Mai từ năm 1979, được cấp giấy CNQSDĐ năm 2001. Theo tờ “Nhượng chỗ ở” đề ngày 10.12.1979 thể hiện nội dung bà Mai là chủ sở hữu căn nhà G64/10 nhưng bán cho bà Nguyễn Thị Bòn (vợ ông Lòng) với giá 5.000đ. Do vậy, cần xác minh làm rõ khi bà Bòn sang nhượng nhà đất của bà Mai có biết nguồn gốc đất của gia đình bà Trinh không, hai bên có thoả thuận về việc phải bồi hoàn thành quả cho chủ đất cũ không. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa bà Mai (hoặc người thừa kế của bà Mai) tham gia tố tụng để làm rõ những nội dung trên, lại buộc ông Lòng bồi thường thành quả lao động là ảnh hưởng quyền lợi của đương sự.

VKS cấp cao cũng xác định trường hợp đất ông Hùng, trước đây do bà Nguyễn Thị Bòn nhượng cho bà Phan Thị Lề (bà ngoại ông Hùng). Đất ông Hùng được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ ngày 7.3.2001.

Trường hợp đất bà Điệu, VKS cấp cao xác định bà Điệu có 2 căn phố, 1 căn do em bà Điệu (là vợ chồng bà Đàm Thị Nương, ông Đặng Phước Sang) mua của bà Mai vào năm 1983, 1 căn mua của bà Nguyễn Thị Kim Xuyến và Nguyễn Thị Kim Long vào năm 1990, đã được cấp giấy CNQSDĐ vào năm 2003.

VKS cấp cao cũng xác định đất của bà Nụ do bà mua của bà Mai. Năm 1985, bà Nụ xây lại nhà và được cấp giấy CNQSDĐ năm 2001. Tuy nhiên, Toà cấp sơ thẩm và phúc thẩm không đưa những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nêu trên tham gia tố tụng làm ảnh hưởng quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của các đương sự.

Trên cơ sở phân tích nêu trên, VKS cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm các bản án phúc thẩm, sơ thẩm đề nghị Uỷ ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm huỷ toàn bộ 5 bản án nêu trên, giao hồ sơ cho TAND tỉnh xét xử lại theo đúng quy định pháp luật, đồng thời tạm đình chỉ thi hành 5 bản án, đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Căn cứ theo kháng nghị của VKS cấp cao, Chi cục THADS Thành phố đã ra thông báo tạm đình chỉ thi hành án 5 bản án mà trước đây Chi cục đã ra quyết định thi hành án đối với ông Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Lòng, Phạm Thế Hùng, Đàm Thị Điệu, Nguyễn Thị Nụ. Riêng đối với trường hợp bà Nụ, Chi cục THADS Thành phố cho biết, bà đã thi hành án xong 355.080.000 đồng tiền gốc và 21.698.280 đồng tiền lãi chậm thi hành án.

ĐỨC TIẾN