BAOTAYNINH.VN trên Google News

Việt Nam bị liệt vào top 20 nước thấp nhất thế giới 

Cập nhật ngày: 27/09/2017 - 08:36

Trong bảng xếp hạng về chiều cao trung bình của các nước trên thế giới, chiều cao trung bình của Việt Nam đang xếp thứ 19 từ dưới lên với nam và xếp thứ 13 từ dưới lên với nữ.

Tại hội thảo khoa học “Tầm vóc cơ thể và một số yếu tố tăng trưởng chiều cao”, bác sỹ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam công bố báo cáo “Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cơ thể người Việt Nam” với nhiều thông tin đáng báo động về chiều cao của người Việt.

Theo BS Trương Hồng Sơn, trong vòng 100 năm qua, nữ giới Hàn Quốc và nam giới Iran đã đạt mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất với mức tăng tương ứng là 20,2 cm và 16 cm.

Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009- 2010, trong vòng 34 năm (từ 1975-2009), chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam tăng từ 160 cm lên 164,4 cm; chiều cao trung bình của nữ tăng từ 150 cm lên 153,4 cm. Tuy có tăng nhưng Việt Nam vẫn đang xếp vào nhóm các nước có chiều cao trung bình ở mức thấp so với thế giới.

BS Sơn nêu rõ: "Tại Việt Nam, nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 164.4 cm; nữ giới Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 153.6 cm".

viet nam bi liet vao top 20 nuoc thap nhat the gioi

VN vẫn nằm trong top 20 nước có chiều cao thấp nhất thế giới. (Ảnh: GĐ&XH)

Các chuyên gia nhận định, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của người Việt là di truyền, dinh dưỡng, vận động, bệnh tật và giấc ngủ. Tuy nhiên, hiện nay 5 yếu tố này chưa được đáp ứng đầy đủ ở phần đông trẻ em Việt.

Số liệu của Viện dinh dưỡng cho thấy, Việt Nam đã cải thiện được vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi song khẩu phần ăn của trẻ em Việt vẫn trong tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Cụ thể, trẻ em ở các vùng miền trong cả nước đều đang thiếu Vitamin A trong khẩu phần ăn, duy chỉ có vùng Đông Nam bộ đáp ứng nhu cầu Vitamin A cho trẻ.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất năm 2015, trung bình cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng, cứ 10 trẻ thì có 7 trẻ thiếu kẽm, cứ 2 trẻ có một trẻ thiếu máu. Chưa kể, việc các bậc phụ huynh cho con ăn đồ ăn nhanh, sử dụng thức ăn có nhiều đường không tốt cho sức khỏe của trẻ khiến gia tăng tình trạng béo phì và nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.

Bên cạnh đó, bệnh giun sán cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tăng trưởng của trẻ em. Hiện tỷ lệ mắc giun sán ở Việt Nam khá cao; thậm chí trong một khảo sát tại một địa phương có tới 95% trẻ mắc giun sán.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để nâng cao thể chất của trẻ em cần tập trung vào đối tượng phụ nữ mang thai. Các bà mẹ cần có sự can thiệp bổ sung dinh dưỡng, vi chất ngay từ giai đoạn bắt đầu mang thai một cách hợp lý, thậm chí duy trì đến hết giai đoạn trẻ dậy thì để có được chiều cao tốt nhất.

Nguồn Khoẻ365

Từ khóa
202 cm16 cm