Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Việt Nam có nhiều tiềm năng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo 

Cập nhật ngày: 12/07/2018 - 16:23

Ấn tượng với hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Doron Lebovich chia sẻ, trong suốt hai năm nhiệm kỳ công tác, từ mà ông được nghe nhiều nhất là “khởi nghiệp” và “đổi mới sáng tạo”.

Khởi nguồn từ những điểm tương đồng

Việt Nam và Israel đã trải qua chặng đường 25 năm cùng nhau vun đắp mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Israel và triển vọng của mối quan hệ này trong thời gian tới?

Việt Nam và Israel chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/7/1993 nhưng mối quan hệ giữa hai bên theo tôi đã khởi nguồn từ rất lâu, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên gặp Ben-Gurion, Thủ tướng đầu tiên của Nhà nước Israel tại Paris năm 1946.

Hai nhà lãnh đạo đã dành cho nhau những tình cảm yêu mến đặc biệt và cùng nhận thấy những điểm tương đồng giữa hai đất nước về lịch sử phát triển cũng như quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, người dân hai nước đều cần cù, chịu khó, có lòng yêu nước mãnh liệt.

Tháng 12/1993, Israel chính thức mở đại sứ quán tại Việt Nam và 16 năm sau, Việt Nam cũng chính thức mở đại sứ quán tại Israel. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ giữa hai bên liên tục được thúc đẩy và đặc biệt trong gần một thập kỷ gần đây, quan hệ giữa Israel – Việt Nam đã thực sự có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với sự tăng tốc đáng kể trên nhiều lĩnh vực hợp tác.

Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Doron Lebovich. (Ảnh: ĐSQ Israel tại Việt Nam).

Mặc dù Israel và Việt Nam cách xa nhau về mặt địa lý song có rất nhiều điểm tương đồng. Về giao lưu nhân dân, có thể nhận thấy người dân hai nước đều rất quan tâm, thích thú khi khám phá về văn hóa, con người, đất nước của nhau.

Rất nhiều người Israel đã đến Việt Nam tham quan, du lịch. Nhiều người dân Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến những lĩnh vực được coi là thế mạnh của Israel như công nghệ cao, khởi nghiệp, nông nghiệp…

Quan hệ kinh tế -thương mại giữa hai bên cũng có những bước phát triển đáng kể, nếu như năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Israel đạt khoảng 68 triệu USD, thì đến năm 2017 đạt hơn 1 tỷ USD.

Quan hệ chính trị tin cậy và hợp tác giữa hai nước cũng không ngừng được củng cố. Hai bên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc ở cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Israel Shimon Peres tới Việt Nam năm 2011 và chuyến thăm của Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin năm 2017.

Israel hy vọng sẽ được chào đón một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm chính thức Israel trong năm nay nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hai nước đang đàm phán và hy vọng sẽ sớm ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Israel - Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông, Hiệp định được ký kết sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước?

Mối quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Israel là mối quan hệ mang tính tương hỗ, bổ trợ. Israel tuy là một đất nước nhỏ nhưng lại là một trong những cường quốc về công nghệ cao với thế mạnh về khoa học kỹ thuật.

Việt Nam có thị trường rộng lớn và để phát triển, đất nước các bạn sẽ cần sự hỗ trợ về khoa học, công nghệ từ phía Israel. Tôi tin rằng, thông qua việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác thương mại, Israel có thể hiểu rõ hơn những nhu cầu, mong muốn của thị trường Việt Nam và ngược lại Việt Nam có thể tìm hiểu về những thế mạnh của Israel để học hỏi, nhập khẩu công nghệ, kinh nghiệm từ Israel.

Tôi kỳ vọng, Hiệp định được ký kết sẽ góp phần quan trọng xóa bỏ các rào cản về thương mại, mở ra một hành lang thuận lợi và thông thoáng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai bên trao đổi hợp tác, sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên một tầm cao mới.

Được biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong ASEAN đàm phán FTA với Israel. Tại sao Israel lại lựa chọn Việt Nam?

Trước đây, Israel từng ký kết FTA với một số nước trong khu vực Bắc Mỹ như Mỹ, Mexico. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với chính sách hướng Đông, Israel bắt đầu quan tâm hơn đến châu Á và khu vực ASEAN cũng là thị trường mà Israel hướng tới. Israel chọn Việt Nam vì Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia phát triển năng động, một nền kinh tế tiềm lực trong khu vực ASEAN.

Hãy học hỏi từ thất bại

Câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ của Israel với mô hình “Quốc gia khởi nghiệp” đang thực sự lan tỏa mạnh mẽ và truyền cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam. Phía Israel cũng trực tiếp tham vấn cho nhiều chiến dịch về khởi nghiệp cho Việt Nam. Sự hợp tác này đã mang lại những kết quả như thế nào, thưa ông?

Điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng là trong suốt hai năm nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, từ mà tôi được nghe nhiều nhất là “khởi nghiệp” và “đổi mới, sáng tạo”. Tôi cho rằng, đây là một hướng đi đúng đắn của Việt Nam bởi chỉ có khởi nghiệp và sáng tạo mới đem lại sự đổi mới và đưa nền kinh tế thực sự cất cánh.

Các bạn có nhiều tiềm năng về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với lực lượng dân số trẻ, có tri thức, ham học hỏi, được sự hậu thuẫn rất tích cực từ phía Chính phủ. Việt Nam cũng đang có một hệ sinh thái khởi nghiệp rất sôi động. Đây cũng chính là điểm tương đồng mà Israel có thể chia sẻ với Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Israel Reuven R.Rivlin. (Nguồn: VGP News)

Israel đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, với các đơn vị hỗ trợ vườn ươm khởi nghiệp và cả trực tiếp với các startup Việt Nam bằng nhiều hình thức và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Theo đó, Israel đã cử những chuyên gia hàng đầu về khởi nghiệp của Israel sang Việt Nam trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tư vấn cho những đơn vị liên quan. Mới đây nhất, Đại sứ quán Israel và các chuyên gia đã tham gia tích cực vào sự kiện SURF-sự kiện khởi nghiệp lớn nhất của miền Trung tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, Israel cũng đã tham gia và đồng tổ chức các hội thảo liên chính phủ hoặc quốc tế về chính sách khởi nghiệp, rồi phải kể đến các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp thường niên, khi người chiến thắng sẽ được mời sang Israel để gặp gỡ, giao lưu với các startup trẻ khắp thế giới cũng như tham quan, tiếp xúc với các đơn vị khởi nghiệp tiêu biểu của Israel.

Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm khởi nghiệp của Israel?

Việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp không phải là một việc đơn giản có thể làm trong một sớm một chiều, đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn từ phía Chính phủ cũng như các doanh nghiệp. Israel cũng vậy, để xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động và trở thành một cường quốc công nghệ cao như ngày nay, chúng tôi đã khởi động ngay từ những năm 90.

Một yếu tố thành công khác, theo tôi, nằm ở tính cách của người Israel. Người Israel không sợ thất bại, họ sẵn sàng chấp nhận thất bại bởi họ nghĩ đấy là cơ hội để học hỏi, rút ra bài học kinh nghiệm.

Câu chuyện về ứng dụng tìm đường nổi tiếng Waze (được Google mua lại cách đây 3 năm với giá hơn 1 tỷ USD) là một hình mẫu tiêu biểu về tinh thần khởi nghiệp của Israel. Đây là ứng dụng được phát triển bởi một công ty khởi nghiệp của Israel và công ty này đã từng 3 lần thất bại.

Bài học kinh nghiệm này tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ Việt Nam, vì nhiều bạn hiện nay quá khao khát thành công mà không dám chấp nhận thất bại. Các bạn hãy xem thất bại chính là những món quà quý giá, thất bại không phải là sự bỏ cuộc, mà hãy tìm cách học hỏi từ nó.

Xin cám ơn ông!

Nguồn baoquocte