Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 

Cập nhật ngày: 20/06/2018 - 08:51

Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (Kỳ họp Đại hội đồng GEF6) và các sự kiện liên quan sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong 7 ngày (từ 23 - 29/6).

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 có sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, bao gồm các Bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác từ 183 quốc gia thành viên, cùng lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, ngân hàng phát triển khu vực, các tổ chức chính trị - xã hội và lãnh đạo doanh nghiệp để cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết, hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu.

Đặc biệt, Kỳ họp còn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, Viện nghiên cứu, Trường Đại học; các doanh nhân đang hoạt động hoặc quan tâm đến đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của Việt Nam.

Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 được tổ chức với các chuỗi sự kiện bao gồm: Phiên họp Đại hội đồng GEF6; Phiên họp của Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF); Phiên họp bàn tròn cấp cao (14 phiên); Diễn đàn và các cuộc họp của các tổ chức chính trị - xã hội; các cuộc họp kỹ thuật của các cơ quan thuộc GEF (17 cuộc họp); các sự kiện bên lề (khoảng 70 sự kiện), các gian hàng triển lãm; tham quan thực địa các dự án do GEF tài trợ.

Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 sẽ xem xét, phê chuẩn các định hướng giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay, xây dựng và tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược đầu tư, đồng thời phê duyệt, phân bổ nguồn lực cho các dự án môi trường trong chu kỳ 7 (giai đoạn 2018 - 2022).

Đến nay, đã có gần 30 quốc gia cam kết dành 4,1 tỷ USD cho chu kỳ 7 của GEF (GEF7), nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn nữa tương lai của hành tinh và sức khỏe con người.

GEF6 là cơ hội để truyền đi thông điệp và cam kết phát triển bền vững của Việt Nam. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Việc Việt Nam được lựa chọn làm quốc gia đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 khẳng định vai trò chủ động, tích cực và vị thế của Việt Nam trong GEF, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, trong đó có việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 còn truyền đi thông điệp, quảng bá đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 là cơ hội để Việt Nam tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương, đồng thời tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững; giới thiệu, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam.

Việt Nam là một trong những thành viên sớm gia nhập GEF (05/12/1994), đã và đang chủ động, tích cực triển khai các chính sách đổi mới của GEF như: xây dựng các dự án tổng hợp đa lĩnh vực, tham gia có hiệu quả các diễn đàn và các hoạt động đánh giá các dự án của GEF. Để điều phối các hoạt động hỗ trợ của GEF tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối GEF quốc gia.

Kể từ khi hoạt động, GEF Việt Nam đã vận động tài trợ được 457,18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung.

Trong đó có 56 dự án quốc gia với tổng kinh phí là 153,8 triệu USD và 47 dự án khu vực và toàn cầu với tổng tài trợ là 294 triệu USD; ngoài ra còn có 4 dự án từ Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF) cho 2 dự án quốc gia với tổng tài trợ khoảng 8 triệu USD và 2 dự án khu vực/toàn cầu với tổng tài trợ khoảng 1 triệu USD.

Trong Chu kỳ 6 của GEF, Việt Nam được phân bổ hơn 26 triệu USD cho 3 lĩnh vực: biến đổi khí hậu (hơn 11 triệu USD), suy thoái đất (hơn 1,5 triệu USD) và đa dạng sinh học (hơn 13 triệu USD).

Đến hết năm 2016, Văn phòng GEF Việt Nam đã đồng thuận 15 dự án với số kinh phí trong hệ thống phân bổ nguồn lực minh bạch (STAR) là 24,6 triệu USD, trong đó GEF toàn cầu đã đồng thuận 6 dự án với tổng số kinh phí trong STAR là hơn 18,8 triệu USD.

Ngoài ra, trong Chu kỳ này, GEF còn tài trợ cho Việt Nam gần 15 triệu USD đối với các lĩnh vực: hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp.

- Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được thành lập năm 1991 nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng trên phạm vi toàn cầu. Từ khi thành lập, GEF đã viện trợ 14,5 tỉ USD và huy động thêm 75,4 tỉ USD cho gần 4.000 dự án về môi trường.

- Với 183 quốc gia thành viên, GEF là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất trên thế giới cho các dự án về môi trường. Hiện nay, GEF hỗ trợ tài chính để thực hiện các dự án liên quan tới các lĩnh vực trọng tâm: bảo tồn đa dạng sinh học; biến đổi khí hậu; các vùng nước quốc tế; suy thoái đất; hóa chất và chất thải; quản lý rừng bền vững và tiếp cận tổng hợp.

Nguồn Baoquocte