Kinh tế   Thông tin thị trường

BAOTAYNINH.VN trên Google News

'Việt Nam điều hành giá xăng dầu tăng thấp hơn thế giới' 

Cập nhật ngày: 22/05/2019 - 16:22

Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết, công cụ Quỹ bình ổn đã giúp điều hành giá xăng tăng thấp hơn thế giới trong năm 2019.

Ngày 21/5, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh được sự uỷ quyền của Chính phủ gửi tới Quốc hội báo cáo về điều hành giá xăng dầu vừa qua. Báo cáo này được gửi một ngày sau yêu cầu của Quốc hội, đề nghị làm rõ việc giá mặt hàng này tăng cao, tác động tới CPI và đời sống người dân.

Tại báo cáo này, Chính phủ khẳng định, mức tăng giá bán lẻ xăng dầu vừa qua "vẫn thấp hơn mức tăng của giá thành phẩm thế giới". Cụ thể, giá trên thị trường Singapore tính tới ngày 16/5 tăng 30,6-46,2% so với đầu năm. Trong khi đó, giá bán lẻ trong nước chỉ tăng 17,2-27,1%. 

Chính phủ cho biết, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao nhằm giữ ổn định hoặc hạn chế mức tăng giá bán lẻ trong nước, nhằm tránh tác động cộng hưởng trong đợt điều chỉnh tăng giá điện ngày 20/3.

"Mức tăng giá bán lẻ được liên Bộ điều hành tăng thấp hơn mức tăng của giá thế giới bằng sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu", báo cáo Chính phủ nêu, đồng thời khẳng định Nhà nước không bỏ đồng nào điều tiết giá xăng dầu.

Thống kê của Chính phủ, giá bán lẻ xăng dầu đã trải qua 9 kỳ điều hành từ đầu năm, trong đó có 4 lần tăng, 1 lần giảm và 4 lần giữ giá.

Sau các đợt điều chỉnh này, giá xăng E5 RON 92 đã tăng 3.901 đồng một lít so với đầu năm 2019. Mỗi lít xăng RON 95 đắt thêm 4.050 đồng; mức này với dầu diesel là 1.694 đồng; dầu hoả là 1.622 đồng và dầu madut 1.994 đồng.

Liên quan tới đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đưa ra gần đây, Chính phủ cho rằng, xăng dầu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, quy định tại Luật Đầu tư. Mặt hàng này cũng nằm trong diện bình ổn giá của Luật Giá 2012. Vì thế, về nguyên tắc, mặt hàng này được thực hiện theo giá thị trường có sự điều tiết, quản lý của nhà nước. Và Quỹ Bình ổn giá là công cụ để Nhà nước điều tiết giá. 

Do đó, nếu bỏ Quỹ Bình ổn giá, "Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng".

Thực tế, Quỹ bình ổn giá đã được nhà điều hành xả mạnh từ quý IV/2018 và những tháng đầu năm 2019. Riêng năm 2018, cơ quan quản lý đã chi 1.600 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn để "kìm" giá xăng. 

Việc nhà điều hành liên tục trích Quỹ bình ổn ở mức cao khiến các doanh nghiệp cho rằng họ càng bán càng lỗ, giảm lợi nhuận. Số liệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, đến ngày 17/5, doanh nghiệp âm hơn 380 tỷ đồng, PVOIL ghi nhận đã âm gần 660 tỷ đồng.

Nguồn VNE