BAOTAYNINH.VN trên Google News

Việt Nam - sức đột khởi mới 

Cập nhật ngày: 16/02/2018 - 23:08

Một bầu sinh khí tươi mới đang bừng dậy, lan toả trên mọi miền đất nước thân yêu của chúng ta. Năm 2017 vừa qua đi đã để lại những dấu ấn nổi bật, đáng mừng.

Thế nước đang lên!

Thế Việt Nam là thế đạp bằng chông gai đi tới! Đó là thế của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến, có truyền thống yêu nước nồng nàn, biết hy sinh vì nghĩa lớn, biết đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Đó là thế của một dân tộc đã lập nên những chiến công hiển hách đánh bại những kẻ xâm lược mạnh gấp nhiều lần.

Một bầu sinh khí tươi mới đang bừng dậy, lan toả trên mọi miền đất nước thân yêu của chúng ta. Năm 2017 vừa qua đi đã để lại những dấu ấn nổi bật, đáng mừng. Ảnh VietnamNet

Đó là thế của một đất nước tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, hướng ra biển Đông mênh mông, tài nguyên phong phú, đất đai màu mỡ... Trong thế đó, ẩn chứa nguồn lực sung mãn, mà nguồn lực quý báu nhất, quyết định nhất là con người Việt Nam cần cù, thông minh, quả cảm, năng động, giàu lòng nhân ái...

Thế nước của ta là thế nước của một quốc gia nằm ở điểm hội tụ của những nền văn minh lớn, của những luồng giao lưu quan trọng, của những mối quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm nhất. Vận hội là đây, thử thách cũng là đây!

Từ một thông điệp có sức lay động và lan toả

Từ gần hai năm nay, và nhất là trong năm 2017, Thông điệp đẹp “ Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động” với những giải pháp quyết liệt và thực chất dường như đã bắt trúng điều căn cốt nhất để cho “quốc gia khởi nghiệp”.

Đã lâu lắm rồi mới xuất hiện một thông điệp - một khẩu hiệu hành động - thực sự có sức lay động, cuốn hút và lan toả mạnh mẽ như vậy. Nhiều trái tim lâu nay ngủ yên như được đánh thức, nhiều trái tim yêu nước được tiếp thêm niềm khích lệ, thêm sục sôi bầu nhiệt huyết dựng xây và cống hiến.

Những gì vướng víu, gây cản trở chuyện làm ăn đang được dọn dẹp bớt dần đi. Chỉ riêng Bộ Công thương năm 2017 đã loại bỏ tới 675 thủ tục hành chính và nay mai sẽ còn loại bỏ thêm nữa. Nêu lên một con số ấy để thấy rõ thêm lâu nay cái “mê hồn trận” thủ tục hành chính và vô vàn loại giấy phép con đã tước đi cơ hội và sức lực của biết bao người.

Tinh thần khởi nghiệp đã truyền đi một năng lượng tinh thần mạnh mẽ, biến thành một nguồn năng lượng vật chất to lớn. Nó được thể hiện không chỉ ở con số 126.859 doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới, không chỉ ở 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tròn năm 2017 mà còn ở khả năng vượt khó, nắm bắt cơ hội, mở rộng không gian sáng tạo, tăng sức cạnh tranh của hàng vạn doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ đang bươn chải trên thương trường đầy sóng gió.

Năm 2017, lần đầu trong nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, là mức cao trong khu vực và toàn cầu; chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc, lên mức 68 trong số 157 quốc gia, vùng lãnh thổ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; thu hút tới 36 tỷ USD đầu tư nước ngoài; dự trữ ngoại tệ đạt 52 tỷ USD; gần 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng 30% so với năm trước; đã có 69 nước công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường…

Những con số đó đã phần nào thể hiện được bức tranh sống động của một nền kinh tế đang phải đương đầu và nỗ lực vượt qua những khó khăn thách thức rất gay gắt vốn xuất phát không chỉ từ những yếu tố phức tạp bên ngoài mà ngay cả từ bên trong của đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam.     

Một làn gió mới, một chí hướng mới là điều đang được cảm nhận rõ trong từng cuộc bàn thảo làm ăn trên mọi cấp độ. Nó đang trở thành một động lực mạnh cho cuộc kiến tạo lớn trên đất nước ta. Niềm tin và khát vọng vươn tới đang làm phấn chấn hàng triệu đôi chân Việt trên con đường đi tới tương lai!   

Trận chiến không khoan nhượng

Khi Đảng ta xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đối với đất nước, thì tệ nạn này đã thực sự là quốc nạn. Bè lũ tham nhũng cấu kết với nhau trong “lợi ích nhóm”là những con "siêu vi trùng" ngày đêm gặm nhấm, đục khoét cơ thể quốc gia.

Tác hại của tệ nạn này không chỉ dừng lại ở việc làm suy giảm kho của cải còn nghèo, những nguồn lực vừa mới được khơi mở của đất nước; nghiêm trọng hơn nó làm tổn hại uy tín của Đảng, thanh danh của Nhà nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào chế độ XHCN.

Tham nhũng không đơn thuần là hiện tượng thuộc phạm trù kinh tế. Nó đang phát triển thành một hiện tượng chính trị- xã hội có một sức tác động đáng sợ đến thói quen ứng xử, có thể thay đổi cả nếp nghĩ, lối sống, làm đảo lộn các giá trị. Ghê gớm hơn, nó có thể làm lung lay cốt cách của một nền văn hoá.

Từ nhiều năm nay, nhất là từ khi ban hành Nghị quyết Trung ương 4  khoá XII), Đảng ta coi cuộc đấu tranh chống tham nhũng là một nhiệm vụ nóng bỏng, cấp bách có ý nghĩa sống còn đối với tương lai đất nước và chế độ XHCN.

“Lò đã nóng, củi tươi cũng phải cháy” là tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, lãng phí, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm diệt trừ tham nhũng.

Thời gian qua, hàng loạt vụ “đại án” tham nhũng mà tội phạm là những kẻ có chức, có quyền, trong đó có những kẻ vốn là cán bộ lãnh đạo cao cấp bị đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật với các bản án trừng phạt thích đáng, đã chứng tỏ bản lĩnh của đảng cầm quyền trong trận chiến cam go và phúc tạp này.

Quyết tâm lớn đi liền với biện pháp và cách thức triển khai bài bản, khoa học, chặt chẽ và kết quả thực tế đã thực sự khơi dậy niềm tin trong các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng sau nhiều hoài nghi và thất vọng.

Thực tế này hoàn toàn bác bỏ luận điệu xấu độc, nham hiểm của các thế lực thù địch rằng bộ máy quyền lực của Đảng và những kẻ tham nhũng là một, rằng Đảng buộc phải chống tham nhũng chỉ để mị dân nhưng "chỉ chống từ vai trở xuống", rằng đây là cuộc “thanh trừng nội bộ”...

Vẫn còn đó biết bao chướng ngại, bất cập đang làm tắc nghẽn nhiều nguồn lực quý giá của đất nước, nguy hại nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Chống tham nhũng đang thử thách bản lĩnh chính trị, khả năng chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta.

Cuộc sát hạch này nghiêm khắc và vô cùng khốc liệt đối với tính cách mạng, tính cộng sản của một đảng cầm quyền, là người lãnh đạo của toàn dân tộc. Đây trước hết là một cuộc đấu tranh cực kỳ gay go trong nội bộ Đảng. Nó sẽ tác động mạnh mẽ và có tính quyết định đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của toàn xã hội.

Trận chiến "chống nội xâm" này mang tầm vóc của một trận đánh lớn của toàn Đảng và toàn dân tộc, âm thầm nhưng rất quyết liệt. Uy tín của Đảng, sức sống của công cuộc đổi mới, sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, tương lai của đất nước phụ thuộc lớn vào kết quả của trận chiến không khoan nhượng này.     

Vị thế mới và cú hích đẹp

Từ một cách nhìn tổng thể về sức vóc quốc gia và thế cuộc khu vực, toàn cầu, càng thấy rõ hơn những thành tựu năm 2017 và những vấn đề trên con đường phát triển của đất nước trong những năm tới. Trong lúc thế giới bất ổn nghiêm trọng vì chiến tranh và xung đột, nhiều quốc gia rơi vào những cơn binh lửa thì Việt Nam được coi là “xứ sở của bình yên”. 

Từ một cách nhìn tổng thể về sức vóc quốc gia và thế cuộc khu vực, toàn cầu, càng thấy rõ hơn những thành tựu năm 2017 và những vấn đề trên con đường phát triển của đất nước trong những năm tới. Ảnh: VietnamNet

 Một quốc gia, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, luật pháp chưa hoàn chỉnh, lại từng phải chịu đựng mấy cuộc chiến tranh lớn, nay được đánh giá là nơi đầu tư an toàn bậc nhất châu Á thì quả là một điều rất đáng khích lệ.

Không phải Việt Nam phải đi ra thế giới mới có hội nhập mà Việt Nam đang trở thành một địa chỉ sống động và hấp dẫn của hội nhập quốc tế.

Năm qua, Việt Nam đã triển khai nhịp nhàng các hướng quan hệ đối ngoại nhằm tạo cho đất nước một môi trường hòa bình, hợp tác vừa rộng mở vừa có chiều sâu. Nằm ở vùng xung yếu và vô cùng nhạy cảm của cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu, Việt Nam phải luôn luôn tìm cách xử lý phù hợp nhất các mối quan hệ quốc tế, các tầng lợi ích đan xen, nhất là giữa các nước lớn.

Đời sống quốc tế trong năm 2017 bị tác động mạnh bởi điều chỉnh chiến lược của các nước lớn. Hợp tác và cạnh tranh đan xen một cách phức tạp, các tập hợp lực lượng với những hình thức và sắc thái mới đặt ra nhiều thách thức.

Trong bối cảnh đó, mặt trận đối ngoại đã được Đảng và Nhà nước ta triển khai một cách chủ động, tích cực, quyết liệt, nâng tầm cả về song phương và đa phương. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, năm 2017 là một trong những năm thành công nhất của đối ngoại Việt Nam.

Bao trùm và nổi bật là việc Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà của Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Sự kiện này đã tạo hiệu ứng tích cực trên nhiều phương diện, tiếp tục khẳng định APEC là diễn đàn hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, làm nổi bật vai trò của Việt Nam đối với một sự kiện mang tầm vóc “toàn cầu”.

Năm APEC 2017 là biểu hiện sinh động cho thấy hoạt động đối ngoại đa phương của ta đã nâng lên một tầm cao mới, chuyển mạnh sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”.

Thành công của sự kiện này đã tạo được một nhận thức mới, một niềm tin mới, một sức mạnh mới, khí thế mới cho hội nhập quốc tế, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp. Riêng trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC đã có 121 thoả thuận được ký kết với tổng trị giá 20 tỷ USD.

Không thể không thấy rằng APEC Việt Nam 2017 đã đứng trước thách thức rất lớn: những thay đổi trong quan điểm của nước Mỹ  về tự do hóa thương mại và mậu dịch đa phương. Có hai xu hướng đối chọi, tập trung ở hai nền kinh tế lớn nhất: Mỹ thì muốn thương mại song phương trong khi Trung Quốc và nhiều nước khác muốn đa phương hóa, tự do hoá thương mại, đầu tư. Quan điểm này của Mỹ thể hiện rất rõ qua việc nước này rút khỏi TPP.

Trước tất cả sức nén của đời sống quốc tế, nhất là cuộc cạnh tranh lợi ích rất gay  gắt của các quốc gia, chúng ta đã làm rất tốt vai trò nước chủ nhà APEC, không chỉ ở hội nghị cấp cao, mà cả những nội dung, chương trình của APEC trong suốt một năm qua, gồm khoảng 243 hoạt động với sự tham gia của 21 nghìn người. Chúng ta đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, thực sự chứng tỏ “Việt Nam là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế”.

Sự tích cực ở đây không chỉ bằng thái độ, bằng tâm thế mà là bằng khả năng đóng góp, thể hiện qua năng lực tổ chức hội nghị, điều hành các cuộc thảo luận để giải quyết những quan điểm khác biệt về những vấn đề có tính cốt lõi, đi đến những kết quả rất khả quan. Ta cùng các nước thành viên kiên trì nền tảng để tiếp tục thảo luận hướng tới một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP), bảo đảm các lợi ích của Việt Nam.

Đặc biệt, trong dịp này đã đồng thời diễn ra hai cuộc thăm cấp nhà nước của hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, hai cuộc thăm chính thức của Thủ tướng Canada và Tổng thống Chile và gần 50 cuộc tiếp xúc cấp cao. Với Trung Quốc, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng cộng sản TQ lần thứ 19.

Với Mỹ, đây là lần đầu tiên có một tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. Từ trong chiến tranh ngày trước cho đến thời bình hôm nay, việc giải bài toán chiến lược quan trọng bậc nhất, nhạy cảm nhất của chúng ta , đó là quan hệ Việt – Trung và quan hệ Việt – Mỹ, bởi nó luôn luôn thử thách bản lĩnh, trí tuệ và sự năng cảm của người Việt Nam ta.

Những nội dung bàn thảo lần này giữa ta với Trung Quốc và với Mỹ rất quan trọng, xác định được đường hướng, nội dung rất cơ bản trong quan hệ giữa Việt Nam với hai cường quốc  rất quan trọng này.

Là một thắng lợi ngoại giao rất nổi bật và toàn diện của Việt Nam, APEC 2017 cũng là cơ hội để thế giới nhìn thấy rõ hơn Việt Nam đã gương mặt Việt Nam thời toàn cầu hoá. Trong con mắt của thế giới hôm nay, Việt Nam đã thực sự hội nhập rất sâu vào đời sống quốc tế, và là một đối tác đáng tin cậy, trước hết ở thái độ rất trách nhiệm, khả năng hòa đồng, kết nối rất cao. Người ta nhìn thấy hình ảnh một đất nước rất cởi mở, năng động, người dân thân thiện, một nền văn hoá đầy bản sắc.

Trong chừng mực nào đó, Việt Nam vẫn là người mới nhập cuộc trên sân chơi toàn cầu hoá. Nhưng chúng ta trưởng thành rất nhanh, tính chuyên nghiệp ngày càng rõ thể hiện trong việc Việt Nam có khả năng tổ chức những sự kiện toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “Việt Nam là điều kỳ diệu của thế giới, với những gì mà các bạn đã làm được”.

Nhưng đừng chỉ nhìn vào lợi ích kinh tế. Không thể phát triển bền vững được  nếu kinh tế tách rời văn hóa, và Việt Nam hấp dẫn với thế giới chính là từ văn hóa. Có thể nói APEC 2107 cũng là cuộc ra quân đặc sắc về văn hóa của Việt Nam.

Làm chủ nhà APEC cho chúng ta thêm một cơ hội nhìn rõ hơn bản thân mình, xem trong một thế giới hội nhập, ta đang có gì và đang thiếu gì. Nó vừa như một cuộc ra quân, lại là một cuộc sát hạch và chúng ta phải tận dụng cơ hội lớn do  APEC 2017 đưa lại để trở thành kết quả cụ thể trong phát triển kinh tế , xã hội của Việt Nam.

Không thể bỏ phí cơ hội lớn này. APEC đang tạo đà rất tốt cho nền kinh tế Việt Nam vươn ra thế giới hội nhập - không chỉ là đi ra thế giới mới hội nhập mà hội nhập ngay chính trên đất nước ta, trong nội bộ nền kinh tế ta.

Với chính phủ kiến tạo mà chúng ta đang xây dựng, APEC 2017 như một cú hích đẹp mà Việt Nam phải tận dụng để biến tiềm năng thành sức mạnh thực sự. Nội lực có mạnh thì mới có thể chuyển hoá ngoại lực thành nội lực.

Và nội lực, đó không chỉ là của cải chúng ta làm ra, mà đặc biệt quan trọng là tính khoa học và hiệu năng của một nền quản trị quốc gia, cách thức điều hành nền kinh tế, dứt khoát gạt bỏ những gì cản trở, vướng mắc, làm thui chột, tước đi những cơ hội phát triển của đất nước, đồng thời tạo ra những lực đẩy mạnh, những động lực mới.

Từ mấy năm trước, các chuyên gia cho rằng, chúng ta đang tập sự cách chơi của một thị trường văn minh hiện đại, tập sự cách chơi của nền kinh tế hội nhập. Vậy nên còn tồn tại những “vênh váo” ở khâu tổ chức và thực hiện.

Đến bây giờ, còn không ít doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng theo một cách chơi với tầm nhìn dài hạn. Họ ra sức lợi dụng những “méo mó” của thị trường, nhất là trong lĩnh vực tài chính và bất động sản, để đầu cơ.

Họ thiên về chơi ngắn “ăn xổi” để thu lợi nhanh chóng, trong khi sân chơi WTO, rồi sân chơi CPTPP đòi hỏi phải có cách chơi bài bản hơn. Việc cởi bỏ các nút thắt thời kỳ hội nhập ở các lĩnh vực thể chế và chính sách, phải được xuyên suốt bằng nguyên tắc thị trường và cạnh tranh, coi trọng cải cách.

Đừng ảo tưởng WTO, APEC, CPTPP… sẽ cho ta mọi thứ, cũng như đừng bi quan nghĩ rằng đó là tác nhân gây ra các hậu quả. Không nên đặt cho nó vị thế quá mức, dẫn đến chúng ta hoặc là quá ảo tưởng hoặc là quá thất vọng.

10 năm chèo lái, bươn chải trên đại dương toàn cầu càng cho thấy rõ hơn WTO không phải cần câu, cũng chẳng phải con cá. Đó là ngư trường mênh mông có những luật lệ khắt khe mà con tàu kinh tế sức vóc còn nhỏ của ta phải phải tuân thủ và biết thích nghi. Những mẻ lưới đầu mùa tuy chưa lớn, nhưng đủ khích lệ ta mạnh dạn tiếp tục giong buồm ra biển lớn.

Nhưng hội nhập không phải mục tiêu cuối cùng mà Việt Nam quyết theo đuổi bằng mọi giá. Nó chỉ là phương tiện bên cạnh nhiều phương tiện khác để phát triển, mà nội lực là quyết định. WTO và rồi đây là CPTPP là cỗ xe thiết kế không có số lùi, tốc độ hội nhập chỉ ngày càng tăng lên, không cho phép ai chần chừ hay thoái lui. Toàn thể hệ thống và bộ máy của chúng ta cần được nâng cấp lên trình độ mới.

Tiếp tục tháo gỡ các “nút thắt”

Kinh tế, trước hết và thông thường, là một trận đấu về lợi ích. Chiều sâu của nhận thức về lợi ích sẽ dẫn dắt các nhà đầu tư đi tìm lời giải về một thị trường nhiều thách đố. Chúng ta biết đất nước mình vừa rất giàu tiềm năng, đồng thời lại vẫn đang thiếu  nhiều điều cốt yếu, cấp bách nhất là trình độ quản lý còn rất non kém, hệ thống công quyền thiếu hiệu năng, cơ sở hạ tầng lạc hậu, hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh.

Thật đáng suy ngẫm, khi một số nhà đầu tư nước ngoài có quan niệm rằng  tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam cần được hiểu theo một khía cạnh khác: Đây là một miếng đất hoang mới được khai phá và họ được làm việc với một đối tác còn quá non nớt về kinh tế thị trường.

Hơn nữa trong bộ máy công quyền Việt Nam, tệ tham nhũng, thói trục lợi, ăn chặn bằng mọi cách không những không cản trở mà lại tạo ra những khe hở lý tưởng để họ kiếm lợi được nhiều hơn. Chỉ vì một món tiền lót tay, những kẻ thoái hoá này có thể nhắm mắt ký hợp đồng gây thiệt hại lớn cho đất nước.

Đã không thiếu gì những trường hợp người ta bỏ ra hàng triệu USD để mua về một lô hàng kém phẩm chất, thậm chí thuộc loại phế thải, đặt đất nước trước nguy cơ bị biến thành “một bãi rác công nghệ” của bên ngoài.

Ông cha ta ngày xưa có câu rất chí lý rằng: “Một mặt người bằng mười mặt ruộng”. Có vốn đầu tư, nhưng nếu chúng ta không có một đội ngũ cán bộ đủ các điều kiện cần thiết cho thời kỳ CNH - HĐH, thì không những vẫn mãi tụt hậu, mà đất nước sẽ phải hứng chịu một chứng bệnh mới: Con nợ truyền kiếp của các nước giàu!

Nợ công của Việt Nam cuối năm 2017 là 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 62,6% GDP, tuy có giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2016, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong số 10 nước có tốc độ tăng nợ công nhanh nhất thế giới.

Nợ công sắp chạm trần là lời cảnh báo nghiêm khắc không chỉ về gánh nặng nợ nần của quốc gia mà còn về việc để lãng phí, thất thoát các nguồn vốn vay, nhất là ở các công trình, dự án lớn đang bị đắp chiếu từ nhiều năm nay, trở thành con nợ đáng sợ của nền kinh tế.

Bắt đầu lộ diện rõ hơn nhiều thách thức mà trước đây ta chỉ mới cảm nhận theo kiểu dự báo. Đã thấy rõ hơn những "nút thắt cổ chai" trong tiến trình phát triển ở nước ta: Cơ sở hạ tầng rất yếu; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; năng suất lao động thấp; tệ quan liêu, tham nhũng còn rất nặng; thiếu nhất quán về chính sách...

Nông dân bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá; công nhân có thể bị đẩy ra khỏi nhà máy, công ty trong quá trình cổ phần hoá đang là vấn đề xã hội không thể xem thường.

Thế nước ta đang lên mà lực ta chưa đủ mạnh. Muốn khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, nhất là nhân tố con người, chỉ có thể là cải cách, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, xóa bỏ hết những gì thuộc về cơ chế cũ kỹ, kìm hãm tiến bộ.

Phải tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cùng với đó là chống chủ nghĩa quan liêu, cơ chế bùng nhùng làm triệt tiêu sức lao động sáng tạo của người dân, đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Phải tiếp tục biến thông điệp đẹp “Chính phủ kiến tạo phát triển” thành những định chế, những tiêu chí, với những hành động cụ thể theo hướng minh bạch, quyết liệt và hiệu quả.

Trong lịch sử dân tộc ta đã từng xuất hiện những vận hội lớn. Hôm nay, con cháu Hùng Vương trong thời đại Hồ Chí Minh đang quyết nắm bắt lấy vận hội mới bằng bản lĩnh, trí tuệ của một dân tộc văn hiến, anh hùng, đưa đất nước vào một thời kỳ phát triển mới.

Nét vàng lịch sử càng thăng hoa khi rọi chiếu một thực tại sống động. Con tàu đất nước đã phải vật lộn trong thời cuộc đầy dông bão mới đến được vùng biển sáng hôm nay. Những bàn tay, khối óc Việt Nam đang dựng lên chân dung Việt Nam mới ngày càng sống động, rạng rỡ trong thế giới còn chao đảo trong kỷ nguyên biến động.

Bước vào năm 2018, Việt Nam đang ở trên một vị thế chiến lược mới. Có thể nói, chưa bao giờ thế và lực của đất nước lại đột khởi, vững chắc như ngày nay. Cuộc hành trình của Việt Nam vào thế giới hiện đại đang đứng trước chân trời sáng./.

Nguồn vietnamnet