BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vợ lính thời bình 

Cập nhật ngày: 20/10/2018 - 20:59

BTNO - Đằng đẵng xa chồng, cô đơn vò võ, nuôi con một mình, hiếu thảo với nội ngoại hai bên gia đình, hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao phó, đó là những phẩm chất của những nữ quân nhân đang làm nhiệm vụ ở Vùng 2 Hải quân.

 Nữ quân nhân Lữ đoàn 171 thực hành bắn đạn thật tại thao trường.

Đảm đang

6 giờ sáng dọn phòng, nấu nước sôi, sắp xếp lại chăn màn cho khách, quét dọn vệ sinh, lau cửa phòng làm việc; 7 giờ huấn luyện điều lệnh đội ngũ, tập bắn súng AK, học chính trị, công tác chuyên môn; 11 giờ 30 vội vã về nhà lo cơm nước cho con; 13 giờ 30 vào làm việc buổi chiều tới 17 giờ… đó là một ngày làm việc khép kín của đại úy Hà Thị Kim Cúc, nhân viên Ban hành chính phòng Tham mưu, Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân.

Ở Vùng 2 Hải quân, có nhiều cặp vợ chồng đều lính thủy binh. Tiếng là làm việc trong cùng một đơn vị, song nửa tháng, thậm chí cả tháng vợ chồng mới gặp nhau một lần. Chưa ấm chỗ lại phải chia xa.

Chồng lên đường làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo, vợ ở nhà nuôi vò võ nuôi con, hiếu thảo với bố mẹ chồng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao phó. Các chị được ví như những bông hoa biển của vợ lính thời bình.

Chị bảo, công việc đơn vị, gia đình luôn bù đầu, nhiều bữa “vắt chân lên cổ” mà chạy cho kịp. Song điều đó luôn làm chị hãnh diện. “Sợ nhất là cô đơn thôi. Tiếng vợ chồng cùng là bộ đội, cùng ở một đơn vị, song nửa tháng, thậm chí cả mới gặp nhau một lần. Việc chăm lo con cái, đưa nó đi học, chăm sóc bố mẹ chồng đều một tay em lo hết. Lúc con cái khỏe đã đành, khi con ốm đau tủi thân lắm, nhiều lần chỉ biết khóc thầm”, chị Cúc chia sẻ.

Chị Cúc kể, lấy nhau gần 20 năm, nhưng thời gian vợ chồng gần nhau tính chi li khoảng 4 năm. Mười năm trước, chồng chị, thiếu tá Đỗ Thế Hùng để lại vợ con ở Vũng Tàu, ra Cam Ranh- Khánh Hòa làm việc.

Trên con tàu 381 thuộc Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, nhiều đêm Hùng trằn trọc không ngủ. Phần vì nhiệm vụ của người lính luôn căng thẳng, nặng nề; phần thương vợ nhớ con ở Vũng Tàu vất vả. Trong suốt 6 năm (2002-2008), mỗi lần tàu đi làm nhiệm vụ qua vùng biển Vũng Tàu, Hùng xin cấp trên ghé về thăm vợ con hai ngày rồi lại theo tàu đi biển. Có khi vợ ốm, con đau, hoặc bố nằm viện, Hùng cũng chỉ nghỉ được vài ba ngày tranh thủ về thăm nhà.

Khi Vùng 2 Hải quân chuyển từ Nhơn Trạch về bán đảo Long Sơn (TP. Vũng Tàu), Hùng được điều về tàu 377 Lữ đoàn 167 công tác. Quãng đường từ đơn vị đến nhà riêng chỉ cách nhau chưa đầy 20 cây số, song nửa tháng, thậm chí cả tháng anh mới về thăm vợ con một lần. Mọi công việc chăm sóc con cái, đưa đón con đi học, phụng dưỡng bố mẹ chồng đều do một tay chị Cúc đảm trách.

Chị Hà Thị Kim Cúc (bìa phải) trong giờ làm việc.

Có bữa, chị đang tập bắn súng ở đơn vị thì nhận được tin bố chồng ngã lúc đi tắm. Chị xin đơn vị về nhà, tức tốc đưa bố chồng đi bệnh viện cấp cứu. Cả đêm đó chị thức trắng không hề chợp mắt, phần vì thương hai con nhỏ ở nhà một mình, phần lo bố chồng bệnh nặng dài ngày neo người chăm sóc. Có bữa đi đón con trai học thêm, gặp mưa đêm tầm tã về bị cảm lạnh ngã lăn ra ốm.

“Lúc đó em cảm giác rất tủi thân. Song nghĩ đến nhiệm vụ của chồng, anh ấy cũng lo lắng vất vả như mình, nên lại thấy nhẹ nhõm. Vợ lính thời bình xa chồng đằng đẵng, vất vả khác gì thời chiến trận, nhưng bù lại, các anh rất tình cảm và thương yêu vợ con, có trách nhiệm với gia đình”, chị Cúc chia sẻ.

Điểm tựa cho chồng yên tâm bám biển

Trong nhiều cặp vợ chồng khoác áo quân nhân thuộc Vùng 2 Hải quân, vợ chồng trung úy Ngô Thị Huế và thượng úy Phan Văn Hạnh là cặp điển hình vượt khó. Chị Huế hiện làm nhân viên bảo mật của Lữ đoàn 171, anh Hạnh là nhân viên thông tin của đơn vị K2.

Hơn 10 năm trước, Phan Văn Hạnh là chiến sĩ thông tin của Đại đội Thông tin thuộc Phòng Tham mưu Lữ đoàn 171 đem lòng yêu nữ quân nhân Ngô Thị Huế. Sau hai năm yêu, họ làm đám cưới. Ngày chia tay Hạnh lên đường đi Nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ, cũng là ngày Huế báo tin vui mang trong mình dòng máu họ Phan. Tình yêu, hạnh phúc của “cặp lính biển” cứ lớn dần theo ngày tháng. Ngoài Nhà giàn DK1, Hạnh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua; ở đất liền, Huế đảm đang đạt “nữ quân nhân hai giỏi”. Hai đứa con trai lần lượt ra đời, càng làm cho hạnh phúc thêm bền chặt.

Sau nhiều năm tích cóp từ đồng lương ít ỏi, vợ chồng chị Huế mua được mảnh đất làm căn nhà cấp 4 ở Phường 11, TP.Vũng Tàu. Tổ ấm của lính biển giản dị đơn sơ. Một cái ti vi, cái giường ngủ cho cả bốn người, gian bếp chật hẹp và khoảng trống hè để vừa bàn ghế đá. Chật hẹp là thế, song mỗi khi anh Hạnh đi biển, căn nhà trở nên trống vắng.

 Các nữ quân nhân thăm tàu săn ngầm, động viên chiến sĩ trước giờ đi làm nhiệm vụ.

Không đếm hết bao đêm chị Huế ôm hai con trai thao thức nhớ chồng khắc khoải, không nhớ hết bao lần hì hục tát nước tràn vào nhà sau cơn mưa lớn, chỉ biết đối với công việc của quân đội, chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đối với bố mẹ hai bên gia đình, chị là người con hiếu thảo; là mẹ hiền đảm đang của hai con; là người vợ chung thủy của chồng.

“Mỗi dịp ngày lễ, tết, ngày 8.3 hay 20.10, nhìn gia đình họ chở nhau đi chơi công viên hay tắm biển, lúc đó em chạnh lòng tủi thân. Nhưng nghĩ, mình là vợ lính, chăm sóc con cái học hành, làm điểm tựa để chồng yên tâm bám biển là nghĩa vụ, bổn phận”, chị Huế chia sẻ.

 Được tặng hoa - chuyện xa vời

 Đối với những người vợ có điều kiện khá giả, hoặc chí ít luôn được chồng “sớm đón chiều đưa” thì việc được chồng tặng hoa mỗi dịp ngày 20.10 là quá bình thường, song đối với vợ lính hải quân, được chồng tặng hoa là điều quá xa vời.

21 năm làm vợ, chưa lần nào chị Lương Thị Thu nhận được hoa chồng tặng. Chồng chị, trung tá Lê Xuân Nam (chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/16) 29 năm tuổi quân, 25 năm liên tục làm nhiệm vụ ở Nhà giàn. Mỗi năm đến ngày 20.10, anh Nam gửi “hoa hồng trong điện thoại” về tặng vợ. Bông hoa tượng trưng ấy không cắm được vào bình, song chị Thu cảm thấy ấm lòng.

Từ Nhà giàn DK1/16, trung tá Lê Xuân Nam chia sẻ qua điện thoại: “Năm nay lại như năm trước, quà tặng vợ ngày 20.10 là hoa hồng trong điện thoại”. Nói rồi, trung tá Nam đọc đoạn thơ anh làm tặng vợ: “Ở nhà giàn không có hoa hồng/ chỉ có tấm lòng của người lính biển/ dẫu thời bình không phải thời lính chiến/ nhà giàn- đất liền khoảng cách quá xa/ nơi anh ở trời và biển bao la/ nắng gió quanh năm bốn mùa rát mặt/ rau vừa lên gió cuồng phong dập tắt/ chẳng có hoa nào sống nổi em ơi/ chỉ có hoa hồng trong điện thoại thay lời/ chúc mẹ con ở đất liền sức khỏe/ nhớ mãi về nhau, kỷ niệm xưa em nhé/ hẹn ngày về anh sẽ tặng hoa tươi”.

Mai Thắng