BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Vu lan tháng bảy

Cập nhật ngày: 16/08/2019 - 09:40

BTN - Không nói thêm, ai cũng biết nay là tháng bảy âm lịch. Cái tháng thường gió mưa sùi sụt, đôi khi vài ngọn heo may Ðông Bắc đã tràn về.

Tháng này, chùa Nam bộ nào cũng làm lễ trọng, thậm chí có cả đình làng cũng cúng lớn dịp Vu lan. Như đền Ðức Thánh Trần ở Bến Củi mà dân địa phương đã quen gọi là đình thần Bến Củi. Hay ở các chùa Gò Kén, Linh Quang, sau nghi lễ dâng cúng Phật và dâng y cho các tăng, ni, người ta cài hoa hồng lên áo cho mọi người về dự lễ. Ai được bông trắng ấy là người đã không còn mẹ. Ðấy là người đã mất đi quyền được hưởng cái: “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Sự mất mát ấy là không thể bù đắp được.

Nhưng vẫn còn một Vu lan khác, mà tôi mới chứng kiến lần đầu ở chùa Như Lai, phường 1, ngày 12.7 vừa qua. Ðấy là Vu lan cho các “vong nhân”. Sư thầy trụ trì chùa bảo: “- Biết là lễ cổ xưa, hay lắm nhưng cũng tốn kém vô chừng. May năm nay có người tài trợ nên mới dám làm”.

Chiều 12 tôi lên chùa ở ngay đoạn gọi là Mũi Tàu, nơi giao cắt giữa đường 30.4 và Trần Hưng Ðạo. Quả nhiên, cờ phướn đã bay lồng lộng, dây hoa, băng-rôn phấp phới trên sân và trước cổng chùa. Mới 3 giờ chiều, các nhà sư và phật tử đã tề tựu đông lắm. Trước tấm phù điêu “ông Hổ” đã thấy bàn kê, chất đầy hương, hoa, quả phẩm. Ô hay! Cả những cây mía tím cũng đã về đây, được chặt từng khúc và bó gọn gàng. Nổi bật hơn cả là chiếc đèn lồng hai tầng phất bằng giấy màu, giấy kính. Sư thầy bảo, đấy là chiếc "phan". Lát nữa sẽ có lễ “thượng phan”- tức là kéo "phan" lên trên trụ cột cờ. Ánh sáng từ đây sẽ lan toả, gọi mời các vong hồn còn lang thang đâu đó về dự hưởng những món vật phẩm dâng cúng.

Quả nhiên, sau một nghi lễ kinh cầu nghiêm cẩn, các nhà sư đã kéo chiếc đèn lồng có hình ngọn tháp lên cao. Ðèn lấp lánh ánh nắng chiều rực rỡ. Ðến 4 giờ chiều có lễ khoa nghinh thần chủ. Ở ngay gian chính điện chùa, phật tử ngồi xung quanh, chắp tay thành kính. Một sư thầy khoác áo cà sa, nón kiểu xưa, vừa đọc kinh vừa múa lửa. Các thầy khác gõ mõ và chuông, dàn nhạc dân gian phụ hoạ. Tất cả làm nên một không gian vừa huyền ảo, lại tưng bừng.

Vẫn còn một nghi lễ cũng rực rỡ sắc màu, vang rộn thanh âm không kém là khai kinh nhiễu đàn và đăng đàn chẩn tế. Tiền lẻ 500 đồng được xếp từ chiều thành những bông sen. Lễ này kéo dài suốt từ hoàng hôn cho đến tối. Kết thúc bằng xả giàn chẩn tế. Những gói lộc nhỏ và tiền lẻ được chia cho khắp cả mọi người. Trên các ban thờ đã có thêm nhiều chén cháo. Vâng! Chính là thứ cháo ở miền ngoài thường gọi là cháo lá đa, bởi các cụ thường sớt cháo trên lá đa rồi bày rải rác dưới gốc cây to. Chắc hẳn đấy là dành cho các vong hồn thụ hưởng…

Xem lễ, mới nhớ lại đạo lý dân gian, là uống nước nhớ nguồn, là luôn tưởng nhớ, ghi ơn những người đã khuất. Ngày nay thì có thể đã khác, nhưng người xưa coi trọng ngày mất còn hơn cả ngày sinh. Trên các bia mộ có thể không có ngày sinh, nhưng không thể thiếu cái ngày con người ấy đã rời cuộc sống đi qua cõi khác.

Tôi chợt nhớ đã từng xem nghi lễ đăng đàn chẩn tế trong lễ vía Bà mùng 5.5 ở trên điện thờ Bà của núi Bà Ðen. Ðấy là lễ hội cổ điển nhất ở Tây Ninh, có thể có từ những năm cuối thế kỷ 18. Ðàn chẩn tế trên núi còn rình rang, hoành tráng hơn nhiều lần nữa. Với nhiều giàn vật phẩm, tiền lẻ xếp hình ngọn tháp. Khi xả giàn, các nhà sư phóng các cây nhang cháy vun vút như phóng phi tiêu ra tứ phía. Người đến dự cũng tha hồ tự lấy cho mình một món trên giàn. Như là món quà kỷ niệm, hoặc là lấy may để khởi đầu một cuộc làm ăn.

Vu lan tháng 7 năm nay còn một sự kiện quan trọng nữa ở chùa Bà trên núi. Ðấy là việc khánh thành công trình mở rộng mặt bằng sân chùa Bà cùng với việc công bố di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho lễ vía Bà. Núi lại có thêm một sự kiện vượt ra khỏi một lễ Vu lan tháng bảy. Bao thế hệ người Tây Ninh đã gìn giữ và điểm tô cho núi thêm xanh và lộng lẫy dưới trời. Vu lan thắng hội kỳ này, trong gió núi mây ngàn, những người “muôn năm cũ” có về không?

NGUYỄN