BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ MB24: 'Nghe kiếm 100-200 triệu/tháng nên mua gian hàng ảo' 

Cập nhật ngày: 08/06/2017 - 01:05

Bị hại trong vụ MB24 Đắk Lắk khai rằng người của MB24 nói chỉ cần bỏ ra 9 triệu đồng mua gian hàng ảo là có thể kiếm được 100-200 triệu đồng mỗi tháng chẳng cần làm gì.


Do số lượng bị hại và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan lớn nên HĐXX phải bố trí nhiều phòng theo dõi để những người liên quan có thể theo dõi quá trình xét xử - Ảnh: B.D

Ngày 6-6, phiên tòa xét xử vụ MB24 Đắk Lắk do TAND tỉnh Đắk Lắk tổ chức bước qua ngày làm việc thứ hai. HĐXX và các luật sư tập trung xét hỏi thẩm vấn các bị cáo xoay quanh việc thực hiện các hành vi phạm tội, động cơ của việc lôi kéo nhiều người dân tham gia mua gian hàng ảo...

Nghe lời có cánh, giấu chồng con vay tiền

Tất cả các bị hại trong vụ án đều cho rằng mình bị người của MB24 dụ dỗ. Bị hại Nguyễn Nghiêm cho biết đã bỏ 9 triệu đồng để mua gian hàng ảo sau khi nghe những "lời có cánh" của MB24 rằng "mỗi tháng chẳng cần làm gì mà vẫn có thể kiếm được từ 100-200 triệu đồng".

Tuy nhiên, sau khi đưa tiền cho nhân viên MB24 thì không thấy có hàng, cũng không thấy có hoá đơn chứng từ gì, ông Nghiêm sinh nghi rồi đi đòi lại tiền nhưng không được trả.

Một bị hại khác là bà Phan Thị Tuyết nói rằng khi được quảng cáo về tiềm năng làm giàu, sinh lợi nhanh, bà đã giấu chồng con bán thóc lấy 12 triệu đồng đi mua gian hàng ảo của MB24.

Mua xong, bà Tuyết sinh nghi nên gặp nhân viên của MB24 để đòi lại tiền thì được trả lời rằng phải mời thêm 8 người nữa mua, với mỗi người mua bà sẽ được công ty trả 1,5 triệu đồng hoa hồng, thì sẽ thu hồi lại đủ số tiền đã bỏ ra.

“Lúc này tôi mới biết là mình bị dụ dỗ nên cố gắng đi đòi lại chứ không muốn rủ rê ai tham gia thêm nữa, tiền là mồ hôi nước mắt cả nên mình lỡ rồi thì tự chịu, mong không có ai dính vào nữa”, bà Tuyết nói.

Các bị hại khác cũng khai tại toà về hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều người thậm chí không có tiền mặt trong nhà, phải chạy ăn từng bữa nhưng khi được người của MB24 “tư vấn” vẫn tin lời và vay mượn để có tiền tham gia.

Chưa dừng lại, những người này còn được “mồi” để tiếp tục lôi kéo người thân, anh em bạn bè tham gia cùng với mục đích là mời được càng nhiều người tham gia thì hoa hồng càng cao.

Bị cáo cũng kêu mình là "nạn nhân"

Cả 4 bị cáo đều khẳng định lời khai của các bị hại và nội dung cáo trạng có nhiều nội dung không đúng, rằng trong quá trình điều tra các bị cáo bị “mớm cung”, khai trong trạng thái tinh thần không tốt.

Các bị cáo cho rằng cho đến thời điểm bị khởi tố, MB24 Đắk Lắk chưa đổi điểm thành tiền mặt nên lợi nhuận mà các bị cáo được nhận cũng chưa quy ra tiền mà chỉ thể hiện trên điểm. MB24 cũng đang trong giai đoạn mở rộng mạng lưới.

Mặt khác, các bị cáo cũng khai rằng bản thân không biết việc MB24 hoạt động vi phạm pháp luật, thấy báo đài đưa tin và được đặt vấn đề thì tin tưởng nhận lời rồi tham gia quản trị. Các bị cáo cũng chỉ là nạn nhân bởi chính các bị cáo cũng bỏ tiền vào mua gian hàng ảo và rủ cả vợ con, người thân, cha mẹ... tham gia.

Đề nghị đổi thẩm phán

Kết thúc ngày xét xử thứ 2, luật sư Nguyễn Văn Quynh và luật sư Cao Thế Luận - bào chữa cho các bị cáo - bất ngờ có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk và Viện trưởng Viện kiểm sát ND tỉnh Đắk Lắk.

Trong đơn, hai luật sư này cho rằng quá trình xét xử của chủ toạ phiên toà là Thẩm phán Đỗ Anh Phương đã thiếu khách quan, có nhiều câu hỏi mang tính quy chụp đối với các bị cáo...

Hai luật sư cũng cho rằng thẩm phán Phương đã thể hiện "thái độ công quyền khi luật sư đứng lên đề nghị chủ toạ kiềm chế lời nói, lúc này chủ toạ lại dọa đuổi luật sư nếu tiếp tục có ý kiến", thể hiện "thái độ thiếu lắng nghe và tôn trọng ý kiến luật sư”.

LS Quynh và LS Luận đề nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu thẩm phán Phương giải trình, chấn chỉnh đồng thời xem xét thay đổi chủ toạ phiên toà. 

Nguồn TTO