Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh:

“Vùng đất sạch” cho các dự án nông nghiệp tiên tiến 

Cập nhật ngày: 26/09/2019 - 23:48

BTN - Ở Tây Ninh, sản xuất nông nghiệp đang có nhiều thuận lợi. Đất nông nghiệp chiếm trên 65% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, với tổng diện tích gieo trồng trong năm đạt khoảng 384.393 ha. Tây Ninh đang được xem là “vùng đất sạch” cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tìm đến triển khai thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, NNHC.

Nhân công làm việc tại một trang trại chuối Nam Mỹ (ảnh minh hoạ).

Theo tài liệu tại hội thảo phổ biến kiến thức trồng cây ăn trái hướng nông nghiệp hữu cơ ngày 26.9, Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) định nghĩa nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hệ thống sản xuất duy trì được lâu dài sức khoẻ của đất, hệ sinh thái và con người.

NNHC dựa trên việc khai thác hợp lý các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và các chu trình khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương thay vì chỉ hướng đến sử dụng vật liệu tổng hợp từ bên ngoài. NNHC kết hợp truyền thống với đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ để mang lại cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XX, NNHC đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đang là xu hướng của nền nông nghiệp thế giới. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL) và Liên đoàn Quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM), diện tích đất NNHC tăng nhanh trong những năm gần đây. Từ năm 1999 đến năm 2017, diện tích sản xuất NNHC tăng từ 11 triệu ha lên đến 69.8 ha, chiếm 1,4% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới, với 181 quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia sản xuất. Trong đó các khu vực châu Đại Dương, châu Âu và châu Mỹ chiếm tỷ lệ hơn 85%. 

Phần lớn diện tích canh tác hữu cơ là dành cho cây thức ăn chăn nuôi (63%), còn lại là các cây trồng khác, đặc biệt là diện tích cây lương thực, cà phê, trà, rau, cây dược liệu hữu cơ chiếm tỷ lệ cao. Đây cũng là “gợi ý” cho Việt Nam về định hướng phát triển sản phẩm hữu cơ trong tương lai. Tuy nhiên, trong diện tích cây lương thực hữu cơ, chỉ có 8% là lúa và 10% là bắp, còn sản phẩm thu hái tự nhiên (trong đó có cây ăn trái), cây dược liệu, nuôi ong, các loại trái có hạt, cây có dầu chiếm tỷ lệ lớn.

Năm 1999, nhằm đáp ứng nhu cầu về việc hình thành một tiêu chuẩn quốc tế chung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Uỷ ban An toàn thực phẩm Codex đã ban hành tiêu chuẩn mang số hiệu CAC/GL32-1999 “Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ”.

Cho đến nay, tiêu chuẩn Codex vẫn được xem như cơ sở nền tảng để hình thành các tiêu chuẩn khu vực (như tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ ASEAN), tiêu chuẩn hiệp hội (như tiêu chuẩn của IFOAM), hay quy định của một số quốc gia (như tiêu chuẩn về NNHC JAS của Nhật Bản)... Hiện nay, có 93/181 quốc gia sản xuất hữu cơ trên thế giới có quy định pháp luật về sản xuất hữu cơ và 16 quốc gia đang xây dựng dự thảo, 29 quốc gia có tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn khu vực.

Ở Việt Nam, giống như nhiều nước khác trên thế giới, nông dân được hiểu là đã biết canh tác hữu cơ theo cách truyền thống từ hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên, sản xuất NNHC theo khái niệm hiện tại của Hiệp hội NNHC quốc tế (IFOAM) thì ở nước ta chỉ mới được bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, chủ yếu tập trung vào việc khai thác các sản phẩm tự nhiên, như các loại gia vị, tinh dầu thực vật, mật ong và dược liệu... để xuất khẩu sang một số nước châu Âu.

Theo số liệu FiBL và IFOAM công bố năm 2019, năm 2017 Việt Nam có 58.018 ha đất canh tác NNHC được chứng nhận (tương đương 0,5% tổng diện tích canh tác), đứng thứ 58/181 nước sản xuất hữu cơ và xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, Philippines và Thái Lan. Theo Cục Trồng trọt, năm 2017, cả nước có 33/63 tỉnh, thành phố sản xuất NNHC và theo hướng hữu cơ (tức chỉ mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học). Các loại cây trồng có diện tích canh tác hữu cơ lớn nhất là dừa, ca cao, chè, lúa và rau. 

Riêng trong lĩnh vực cây ăn trái, Việt Nam có gần 1 triệu ha, tạo điều kiện cho tổ chức liên kết sản xuất hàng hoá, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Thành công bước đầu của một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cây ăn quả quy mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để chế biến, xuất khẩu là động lực để hình thành liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả hữu cơ trong thời gian tới.

Về chính sách, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm, trong đó có NNHC. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030”. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đứng trong top 15 của thế giới về NNHC. Dự kiến trong quý IV.2019, dự thảo sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ở Tây Ninh, sản xuất nông nghiệp đang có nhiều thuận lợi. Đất nông nghiệp chiếm trên 65% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, với tổng diện tích gieo trồng trong năm đạt khoảng 384.393 ha. Tây Ninh đang được xem là “vùng đất sạch” cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tìm đến triển khai thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, NNHC. 

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách giúp thúc đẩy sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Một số mô hình tiêu biểu trong trồng cây ăn trái đã được chứng nhận VietGAP...

Chuyển biến rõ nét nhất của nông nghiệp địa phương là việc chuyển đổi cơ cấu ngành trồng trọt sản xuất theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghệ chế biến, phát huy thế mạnh của từng vùng gắn với chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường, giúp tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng. 

Giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã giảm diện tích lúa, khoai mì, cao su với tốc độ giảm trung bình từ 0,3%-10,3%/năm; trong khi cây ăn trái có diện tích tăng mạnh với tốc độ tăng bình quân là 9,1%/năm. Chất lượng nông sản của tỉnh ngày càng được nâng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp, 10% nông sản được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.

ĐÌNH CHUNG


Liên kết hữu ích