BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vùng đất xưa, nay là thành phố Tây Ninh- một vài chuyện liên quan 

Cập nhật ngày: 05/06/2019 - 12:06

BTN - Cuốn sách mới lần này đã làm “nhẹ đi” hành động cứu viện tức thời ấy, chỉ viết là: “Sau tổn thất đầu tiên và khá lớn này, Pháp tăng cường lực lượng cho quân đồn trú địa phương…

(Nhân đọc cuốn Lịch sử lực lượng vũ trang TP. Tây Ninh 1950-2017)

Mít tinh mừng chiến thắng 30.4.1975 tại sân vận động Tây Ninh.

Sách mới Lịch sử lực lượng vũ trang TP Tây Ninh (1950- 2017) không chỉ có những chi tiết chưa rõ ràng thiếu thuyết phục về thân thế Trương Quyền. Mà ngay cả hơn 1 trang mô tả về các trận chiến thắng lẫy lừng của ông cũng đã không còn đầy đủ (trang 19). So với cuốn Thị xã - 30 năm đấu tranh cách mạng, xuất bản năm 1991 cũng đã mất đi những chi tiết rất quý.

Ðấy là sau sự kiện quân Pháp bị thua đau tại bến Trường Ðổi, trong đó đại uý Chủ tỉnh De Larclauze bị giết, Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Sài Gòn lập tức: “gửi đại quân đến thị xã… Chúng đưa lên cả một chiến thuyền đặt dưới quyền chỉ huy chung của quan năm thuỷ quân lục chiến Marcchaise…” (trích Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng).

Cuốn sách mới lần này đã làm “nhẹ đi” hành động cứu viện tức thời ấy, chỉ viết là: “Sau tổn thất đầu tiên và khá lớn này, Pháp tăng cường lực lượng cho quân đồn trú địa phương… Chúng điều một chiến thuyền, đặt quyền chỉ huy chung của thiếu tá thuỷ quân lục chiến Marcchaise…” Từ quan năm đã biến thành thiếu tá?

Ðại quân có cả chiến thuyền (đặt súng đại bác), do quan năm chỉ huy này lên Tây Ninh là để trả thù, mục tiêu của chúng là truy lùng và tiêu diệt nghĩa quân. Sách mới chỉ viết ngắn gọn lại là: “Chúng lùng sục khắp chiến trường nhưng không gặp lực lượng ta. Tới rạch Vịnh, chúng lọt vào trận địa phục kích của nghĩa quân; tên thiếu tá Marcchaise cùng 10 lính chết tại trận…”.

Vậy là sách đã bỏ qua một chi tiết hết sức thú vị, bởi tính chất “trực quan sinh động” của nó, từng được in trong sách cũ Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng. Ðó là chi tiết về trận rạch Vịnh, do báo Pháp Courrier de SaiGon tường thuật trong số ra ngày 20.6.1866. Xin chép lại đầy đủ đoạn này như sau:

“Trong ba ngày, vị sĩ quan lỗi lạc này đã lùng sục khắp chiến trường nhưng không gặp kẻ thù…Ngày 14.6.1866, ông lại ra đi từ sáng sớm. Ðược hướng dẫn hết sức chính xác, ông đã gặp được đối phương ở bờ bên kia một con rạch lầy lội, sau một cuộc hành quân vất vả và mệt nhọc kinh khủng… Kích thích bởi lòng căm thù đến với những kẻ thù cho đến lúc bấy giờ không thấy mặt, những người lính của chúng ta mở ra tuyến tán binh và vượt suối để lao tới. Họ gặp một cánh đồng lầy và ở đó họ đã chịu đựng một trận đánh không cân sức với một lực lượng có số đông áp đảo…

Thế là trận chiến đẫm máu đã diễn ra, trong đó người ta phải đánh giáp lá cà; quan năm Marcchaise bị tử thương cùng với 10 người của ông ta…Ðến 5 giờ chiều, quân đội Pháp không còn nghĩ đến việc ở lại cái đầm lầy này mà không có tí lương thực nào để bao vây đối phương nên đã phải rút về…”.

Bài báo này cho thấy, trước hết quan năm Marcchaise đã từng là một sĩ quan tài ba (lỗi lạc). Sau nữa là đội quân Pháp cũng có một quyết tâm chiến đấu cao (được kích thích bởi lòng căm thù). Sau nữa, diễn biến trận đánh cho thấy tính chất một cuộc chiến tranh du kích của những người đánh trả. Sau này đến các cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đã được nâng cao thành cuộc chiến tranh nhân dân, bất bại trước mọi thế lực ngoại xâm. Bỏ đi những chi tiết hay như thế, có tiếc không?

Và không chỉ có thế, ngay cả đoạn mô tả trận đánh tiếp theo của quân Pháp, nhằm phục thù cho trận thua đau ở rạch Vịnh (nay là sông Vịnh, đoạn giữa hai xã An Cơ và Phước Vinh) sách kể trên cũng đã “đánh rơi” mất một phần quan trọng nhất, đấy là ở trận Trà Vong.

Sách Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng viết: “Bị tổn thất như vậy, quân Pháp càng thêm cay cú. Tháng sau chúng lại tổ chức một trận đánh vào căn cứ nghĩa quân…chúng đã lọt vào trận địa phục kích của nghĩa quân tại Trà Vong và phải tháo chạy tan tác…Hôm sau tàn quân địch lại bị chặn đánh trên đường lui quân. Thừa thắng, nghĩa quân đêm đó lại đánh vào thị xã, bao vây chúng trong đồn, đốt phá một số cơ quan địch và truy lùng, trừng trị các tên tay sai đắc lực của chúng”.

Vậy là chẳng những không “phục thù” được, quân Pháp còn bị đuổi đánh khi đã chạy về tận sào huyệt ở ngay trung tâm tỉnh lỵ (nay là TP Tây Ninh). Quân dân Thành phố hẳn là đã rút ra ít nhiều kinh nghiệm của cha ông, trong các cuộc kháng chiến về sau này ngay giữa lòng đô thị. Thế mà sách Lịch sử lực lượng vũ trang TP Tây Ninh 1950- 2017 đã bỏ sót mà viết gọn lại: “Thừa thắng, nghĩa quân tiến đánh, bao vây quân Pháp trong đồn, đốt phá doanh trại địch và truy lùng, trừng trị những tên tay sai đắc lực…” Phải xem thêm dòng ghi chú ở lề cuối trang, mới biết cái đồn ấy “đóng trên vùng đất mà sau này là trung tâm tỉnh lỵ Tây Ninh (trang 20).

Rõ ràng, cách viết của sách Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng đầy đủ và rõ ràng hơn!

Tuy vậy, cả hai cuốn sách lịch sử cũ và mới viết về TP Tây Ninh vẫn còn một chi tiết khiến bạn đọc băn khoăn. Rằng tại sao chỉ có một chiến thuyền đưa quân lên, lại: “đặt dưới quyền chỉ huy chung của quan năm thuỷ quân lục chiến…” hoặc “thiếu tá” như cả hai sách viết. Băn khoăn này chỉ được giải đáp nếu bạn đọc tác phẩm Chống xâm lăng của giáo sư Trần Văn Giàu (Nxb TP Hồ Chí Minh, 2001).

Tại quyển thứ nhất- Nam kỳ kháng Pháp, trang 177 ông viết: “Ðược tin, đô đốc La-gờ-răng-de cấp tốc gửi chiến thuyền “Long din” đem quân cứu viện đến Tây Ninh; quân cứu viện do quan năm Mác-se-zơ (Marcchaise) cầm đầu…”. Cầm đầu, là vì ngoài chiến thuyền từ Sài Gòn theo sông Vàm Cỏ Ðông đi lên, còn một cánh quân khác “lên Tây Ninh bằng đường bộ từ Trảng Bàng”, do quan ba Fơ-rô-mi-ê chỉ huy (theo con đường sứ, nay là đường 782 và 784). Vì: “quân của Fơ-rô-mi-ê vừa qua thì quân khởi nghĩa Việt-Khơ mer đánh phá hai trạm Truông Mít và Cầu Khởi…” Thật là xuất quỷ nhập thần!

Hai cánh quân này đã hợp nhau tại đồn Tây Ninh, sau này là thành Săng- đá, nay là BCH Quân sự tỉnh và từ đây chúng kéo quân lên truy tìm nghĩa quân tại vùng sông Vịnh. Ðấy là trận Rạch Vịnh như ta đã biết, quân Pháp đã thất bại nặng nề.

Ðiều đáng phấn khởi nhất, là sách Lịch sử lực lượng vũ trang TP Tây Ninh 1950- 2017 đã sửa sai về trận đánh đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Tây Ninh đánh Pháp tại bàu Cá Trê ở xã Thanh Ðiền. Sách cũ từng viết về thời gian diễn ra trận này là: “đầu năm 1946” (trang 38). Sách Di tích LSVH và danh thắng Tây Ninh còn gọi đó là “Di tích Lịch sử chiến thắng Thanh Ðiền tháng 3.1946”.

Sách mới đã viết rõ ràng đó là “Ba ngày sau khi chiếm tỉnh lỵ Tây Ninh, ngày 11.11.1945 (trang 31). Báo Tây Ninh từng đã có bài viết kỹ lưỡng về trận thắng quan trọng này, ngay khi chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang Tây Ninh còn rất non trẻ. Tuy vậy, sách vẫn còn in tấm sơ đồ diễn biến trận đánh (sau trang 128) trong đó ghi là “tại xã Thanh Ðiền…năm 1946”.

Theo sơ đồ ấy thì trận đánh này đã diễn ra không phải là nơi nó đã diễn ra như đa số các sử liệu Tây Ninh mô tả, là ở ven đường số 7 (nay là đường 786 nới ngã tư Thanh Ðiền ra cầu Gò Chai). Mà, nó lại diễn ra trên đoạn đường tránh của quốc lộ 22 chạy ngang qua khu công nghiệp Thanh Ðiền. Thật là đáng tiếc lắm thay!

TRẦN VŨ

Tin liên quan