Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vùng đất xưa, nay là TP. Tây Ninh-một vài chuyện liên quan 

Cập nhật ngày: 22/05/2019 - 16:22

BTNO - Cuối năm 2018, Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố Tây Ninh cho ra mắt cuốn sách Lịch sử lực lượng vũ trang TP. Tây Ninh (1950- 2017). Sách do NXB Quân đội Nhân dân phát hành, với 308 trang, đóng bìa cứng, in trên giấy trắng láng rất đẹp và trang trọng.

Cổng thành Săng-đá, năm 1908 (vị trí nay là trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh).

Ðây quả là một sự kiện vui mừng, được mong chờ từ nhiều năm qua của người dân TP. Tây Ninh, đặc biệt là với các cán bộ cách mạng lão thành, cựu chiến binh từng trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trên địa bàn thành phố Tây Ninh. Tuy vậy, để niềm vui này được trọn vẹn hơn, cũng nên có một số ý kiến về nội dung sách, theo đúng như ý nguyện của BCH Ðảng bộ Thành phố trong lời nói đầu là: “Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của đồng bào, đồng chí và bạn đọc để khi có điều kiện tái bản, cuốn sách sẽ đầy đủ và chính xác hơn” (trang 7).

Chương mở đầu, mục 1: Ðịa lý tự nhiên và địa giới hành chính có đoạn mô tả rạch Tây Ninh như sau: “từ hướng Bắc thượng nguồn (xã Tân Phú, huyện Tân Châu) chảy xuôi về phía Nam ngang qua TP. Tây Ninh, với chiều dài khoảng 16km, đổ ra sông Vàm Cỏ Ðông. Bến Trường Ðổi nằm gần rạch Tây Ninh…”. Viết thế là không chính xác cả về chiều dài lẫn đầu nguồn con rạch. Bởi con suối Tà Hợp có nguồn từ xã Tân Phú chỉ là một trong nhiều nguồn suối của rạch Tây Ninh. Ngoài Tà Hợp còn có suối Trà Vong từ Tân Biên.

Và ngay trên địa bàn Thành phố cũng có các suối đầu nguồn từ núi Bà Ðen chảy ra như suối Núc, suối Vàng, suối Trà Phí, suối Lâm Vồ… Còn nếu tính về chiều dài con rạch, chỉ tính riêng từ Tà Hợp trên xã Tân Phú về tới sông Vàm Cỏ Ðông tại gần cầu Gò Chai đã có đường chim bay dài tới gần 30km. Mô tả như thế cũng giống như làm “co rút” lại núi sông ta chỉ còn phân nửa mà thôi!

Buộc phải xem xét và tính toán lại chi tiết này là do người xưa đã mô tả rạch Tây Ninh rất rõ ràng và lý thú. Ấy là ở sách Gia Ðịnh thành thông chí do Trịnh Hoài Ðức viết từ trước năm 1820 đã mô tả: “Sông Lăng Khê (rạch Tây Ninh- TV) ở bờ Bắc sông Quang Hoá (Vàm Cỏ Ðông- TV), cách trấn lỵ (dinh Phiên Trấn- Gia Ðịnh- TV) về phía Tây 85 dặm rưỡi, theo sông nhỏ từ cửa sông đi ngược lên phía Bắc, 61 dặm thì đến thủ sở Thuận Thành, có nguồn từ các đầm phá ở núi Bà Ðen thấm thía chảy ra, dân theo về lợi rừng núi sông chằm đi lại luôn luôn không dứt…”. Tính thử “61 dặm ngược lên phía Bắc” là bao nhiêu? Kết quả sẽ là 34,816 km, vẫn còn rất phù hợp với địa hình sông suối rạch Tây Ninh hiện nay.

Một chi tiết quan trọng khác là địa danh bến Trường Ðổi. Ðây là địa danh rất nổi tiếng ở TP. Tây Ninh nhờ trận đánh lẫy lừng của liên quân Trương Quyền - Pô-Kum-Pô ngày 7.6.1866, tiêu diệt quan ba chủ tỉnh Lác-cơ-lô-zơ. Nhưng tại sao bến Trường Ðổi lại “nằm gần rạch Tây Ninh”? Trong khi hầu hết lớp người trung niên của TP. Tây Ninh đều biết đấy là một bến sông bên hữu ngạn (bên bờ phải tính từ đầu nguồn trở xuống) của rạch Tây Ninh, cách cầu Quan về phía thượng nguồn khoảng 1km. Bến sông này nay thuộc về khu phố 2, phường 1.

Tại mục 2- Ðịa giới hành chính qua các thời kỳ (trang 10) cũng có vài chuyện cần bàn lại. Trước hết là câu nhận định: “Ðịa danh Tây Ninh xuất hiện dưới triều Nguyễn, nhưng với ý nghĩa là một trung tâm hành chính thì phải tính từ khi thực dân Pháp đặt toà tham biện đầu tiên bên bờ con rạch cùng tên (6.1867). Trước đó, vùng đất này là trung tâm của đạo Quang Phong…”.

Câu cuối của đoạn văn trên chưa chính xác. Nguyễn Ðình Tư, một nhà nghiên cứu sâu sắc về địa danh hành chính Nam bộ đã viết trong bài Tây Ninh xưa và nay (Tạp chí xưa nay, số 96, năm 2001) rằng: “Mùa đông năm Kỷ Hợi (1779), sau khi khôi phục được đất Gia Ðịnh, chúa Nguyễn Ánh… thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh Phiên trấn. Ðạo sở đặt tại Cẩm Giang…”.

Như vậy: thoạt đầu vùng đất nay là TP. Tây Ninh còn chưa phải là trung tâm của đạo Quang Phong (sau này phát triển thành tỉnh Tây Ninh). Tuy nhiên, đến năm 1836 thì tình hình đã khác. Ðấy là do công lao của đoàn kinh lý Nam kỳ thuộc triều đình vào đầu năm 1836, do các quan đại thần Trương Minh Giảng và Trương Ðăng Quế dẫn đầu. Khi theo con đường sứ lên tới đồn Xỉ Khê (TP. Tây Ninh hiện nay), các ông thấy: “Ðất rộng, phẳng và màu mỡ, người Kinh, người Phiên ở xen nhau, làm ăn cày cấy.

Bên tả có sông nhỏ ăn thông với sông Quang Hoá (Vàm Cỏ Ðông); bên hữu có con đường bộ, ăn thông đến sông Ðục (sông Sài Gòn)… hình thế khá đẹp. Bọn Giảng bèn dâng sớ xin đặt phủ lỵ ở đó, rồi tuỳ địa thế liên lạc, nên chia đặt hai huyện lệ thuộc vào…” (sách Ðại Nam thực lục). Cũng tháng 7 âm lịch năm ấy (1836) vua Minh Mạng mới ban chỉ dụ rằng: “Nay đổi đặt đồn Xỉ Khê làm huyện Tân Ninh; đạo Quang Hoá làm huyện Quang Hoá, gọi thành Quang Hoá (đạo sở Quang Phong) là huyện thành.

Lại đặt phủ Tây Ninh kiêm lý huyện Tân Ninh. Nhân cái đồn bảo cũ, chữa cao rộng thêm để làm phủ thành…” (sách đã dẫn) Nhờ câu văn này, chúng ta được biết cái đồn Xỉ Khê ấy, chính là nơi sau đó 2 năm (1838) thành phủ Tây Ninh được xây nên. Sau khi Pháp chiếm Tây Ninh năm 1862, chúng mới phá bỏ thành đất của phủ Tây Ninh để xây thành Săng-đá. Ðấy là ở vị trí của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiện nay.

Và, quan trọng nhất là kể từ đây (1836), trung tâm hành chính đầu tiên của tỉnh Tây Ninh được xác lập với cái tên ban đầu là thành phủ Tây Ninh. Cái thành phủ ấy lại “kiêm lý huyện Tân Ninh”; nghĩa là vừa là phủ lỵ, vừa là huyện lỵ. Hơn 180 năm qua, vùng đất này đã trở nên là TP. Tây Ninh hiện tại. Vậy sao có thể viết là: “Phải tính từ khi thực dân Pháp đặt toà tham biện đầu tiên” mới thừa nhận là một trung tâm hành chính của vùng đất Tây Ninh? Sau giải phóng 1975, toà nhà gọi là Tham biện ấy vẫn còn và chỉ là một toà nhà xây gạch 2 tầng đã bị hư hại nhiều đến nỗi phải sửa sang, rồi đập đi xây mới thành toà trụ sở UBND tỉnh hiện nay.

Cũng do ý nghĩa của việc thành lập phủ Tây Ninh, mà năm 2016, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức long trọng lễ kỷ niệm 180 năm - Tây Ninh hình thành và phát triển. Do vậy, đoạn văn có 4 dòng trong sách Lịch sử lực lượng vũ trang TP. Tây Ninh ấy vừa có vẻ coi nhẹ công lao của các bậc tiền nhân người Việt ta, lại vừa không đúng với sự thật lịch sử phát triển của Tây Ninh nói chung và TP. Tây Ninh nói riêng. Liệu có nên nhận định như thế hay không?

(còn tiếp)

TRẦN VŨ