Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

LỘC HƯNG, TRẢNG BÀNG:

Vướng tranh chấp đất, đường nông thôn thi công dang dở 

Cập nhật ngày: 27/08/2018 - 14:20

BTN - Ðã đến lúc cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm vụ việc này thuộc về ai để có hướng xử lý dứt điểm. Hoặc trước mắt phải có giải pháp khơi thông dòng chảy mương thoát nước cho khu dân cư”

Con đường bị “thắt cổ chai” khi đến đoạn qua nhà 4 hộ dân.

“Chính quyền địa phương đã tổ chức khoảng 17 cuộc tiếp xúc, đối thoại với bà con (kể cả gia đình ông Lương) về vấn đề 50m đường còn lại, nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa được giải quyết.

Ðã đến lúc cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm vụ việc này thuộc về ai để có hướng xử lý dứt điểm. Hoặc trước mắt phải có giải pháp khơi thông dòng chảy mương thoát nước cho khu dân cư”, đó là ý kiến của hàng chục hộ dân tại ấp Lộc An, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng.

Theo đơn trình bày của các hộ dân: năm 1998, bà Hà Thị Chảy đứng ra vận động người dân trong ấp đóng góp công sức, kinh phí (có xin thêm kinh phí từ huyện), cùng nhau làm đường giao thông nông thôn. Tuyến đường dài hơn 3km, bắt đầu từ khu vực ngã tư Cây Dương đến Bàu Cá Chạch giáp địa phận Củ Chi (TP. HCM).

Mặt đường rộng 6m, kèm theo 2 mương thoát nước cặp hai bên đường, mỗi mương rộng 1m. Khoảng năm 2001, bà Chảy và ông Tô Văn Khánh (Bí thư Chi bộ ấp Lộc An) tiếp tục vận động bà con đóng góp tiền, xin thêm kinh phí của huyện để nâng cấp đường, đổ thêm đất sỏi phún, nạo vét mương thoát nước hai bên đường.

Thế nhưng, kể từ khi có 4 hộ dân ngay đầu tuyến đường (tại ngã tư Cây Dương) cất nhà “lấn” dần ra đường gây lấp mương thoát nước, nhiều hộ dân trong ấp vô cùng bức xúc về việc cả tuyến đường phẳng phiu hàng km lại bị thu hẹp khoảng 50m tại đầu đường theo kiểu thắt cổ chai.

Ðường hẹp đột ngột tại ngã tư giao nhau với đường ưu tiên, gây hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông. Vào mùa mưa, hệ thống thoát nước cho khu dân cư cặp hai bên đường gần như bị “tê liệt”.

Trong khi con đường này là một công trình giao thông quan trọng của hơn 500 hộ dân trong ấp, hàng trăm học sinh của một trường tiểu học trên địa bàn.

Ðã có nhiều đơn thư kiến nghị tập thể của người dân gửi đến cơ quan chức năng trong tỉnh và Trung ương để yêu cầu giải quyết trả lại 50m đường. Chính quyền địa phương nhiều lần vào cuộc, nhưng tình trạng “lấn đường” vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Sự việc càng trở nên căng thẳng hơn khi năm 2016 con đường này được nâng cấp lên thành đường nhựa. 4 hộ dân nêu trên vẫn cương quyết không chịu trả lại phần đường mà Nhà nước và nhân dân cùng làm từ năm 1998. Ðường nhựa thi công đến đoạn này bị ngưng lại. Nhiều bà con trong ấp tiếp tục khiếu nại…

Ngày 22.8.2018, ông Nguyễn Hiền Lương, một trong 4 hộ dân đang tranh chấp trình bày: “Gia đình chúng tôi không làm sai, Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDÐ tới đâu, anh em tôi cất nhà tới đó”.

Ông Nguyễn Quốc Tri, em trai của ông Lương tiếp lời: “Vì sao người dân sử dụng đất theo đúng giấy chứng nhận đã được cấp lại phải chịu nhiều áp lực từ phía chính quyền địa phương (bị mời làm việc nhiều lần)? Ngoài ra, anh em tôi còn bị mang tiếng là gia đình lấn đất, lấn đường công cộng.

Cần thiết phải làm rõ xem ai đúng, ai sai trong vụ việc này. Nếu anh em tôi sai sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngược lại, nếu gia đình tôi đúng, rất cần phải có một lời xin lỗi thoả đáng trước bà con trong khu dân cư”.

Ông Trần Văn Ðẹt, một hộ dân trong ấp nêu ý kiến: “Việc cấp sổ đỏ phạm vào tuyến đường này là tình trạng phổ biến. Tuy nhiên, đại đa số bà con đều đồng lòng hiến đất làm đường công cộng, chừa mương thoát nước cho khu dân cư. 4 hộ dân trên cũng nên theo đó thực hiện vì lợi ích chung của cộng đồng”.

Ông Nguyễn Phổ Thông, một người em trai khác của ông Lương giải thích: “Ðất của anh tôi có hậu không dài, đã được chính quyền cấp sổ đỏ, bây giờ địa phương vận động anh em tôi hiến đất để làm đường sẽ bị thiệt thòi, khó cất nhà”.

Thực tế, nhà của ông Tri và ông Thông đang cất trên đất do ông Lương đứng tên. Tình trạng nhà em cất, đất anh sở hữu cũng là một trong những nguyên nhân làm cho sự việc thêm phần phức tạp.

Ông Trần Nhật Phong, cán bộ địa chính xã Lộc Hưng xác nhận có nhiều trường hợp “sổ đỏ” được cấp phạm vào lòng, lề đường như trường hợp đang đề cập. Nguyên nhân có thể là do trước đây có thời điểm giấy chứng nhận QSDÐ được cấp theo hình thức đại trà, cán bộ phụ trách còn mỏng nên chỉ dựa trên bản đồ địa chính để cấp giấy chứ không đo đạc thực tế đất của từng hộ dân.

Hơn nữa, công nghệ đo đạc vào thời điểm đó chưa được chính xác như hiện nay. Mặt khác, sau khi tuyến đường từ ngã tư Cây Dương đến Bàu Cá Chạch được Nhà nước và nhân dân mở rộng, nhiều hộ dân đã chủ động đến cơ quan chức năng điều chỉnh “sổ đỏ” cho phù hợp với hiện trạng đất, trong khi vẫn còn một số hộ chưa điều chỉnh.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Lam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Trảng Bàng cho biết: “Trong xây dựng nông thôn mới, nguyên tắc là Nhà nước vận động nhân dân cùng làm. Ðối với vụ việc này, xã phải có trách nhiệm chính trong việc vận động người dân cùng thực hiện (4 hộ dân nêu trên - N.V).

Kể cả việc cấp giấy chứng nhận QSDÐ, về trách nhiệm, tham mưu chính vẫn là cấp xã. UBND huyện chỉ tạo điều kiện hỗ trợ cho UBND xã về mặt pháp lý, chuyên môn, nghiệp vụ…”.

Ông Hà Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng cho biết, ngày 23.8.2018, xã tiếp tục mời ông Lương lên văn phòng ấp Lộc An làm việc, theo hướng vận động gia đình ông Lương trả lại đoạn đường trước đây, để chính quyền cùng nhân dân thi công xong đoạn đường còn dang dở. Tuy nhiên, ông Lương vẫn không đồng ý.

Trở lại buổi làm việc với nhiều hộ dân vào ngày 22.8, bà Chảy, ông Khánh, ông Ðẹt cùng nhiều bà con có mặt rất lo lắng: chính quyền địa phương đã tổ chức khoảng 17 cuộc tiếp xúc, đối thoại với bà con (kể cả gia đình ông Lương) về vấn đề 50m đường còn lại, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được giải quyết xong.

Ðã đến lúc cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm vụ việc này thuộc về ai để có hướng xử lý dứt điểm. Hoặc trước mắt phải có giải pháp khơi thông dòng chảy mương thoát nước cho khu dân cư.

QUỐC SƠN


Liên kết hữu ích