BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trảng Bàng:

Xã Gia Bình phấn đấu lên phường 

Cập nhật ngày: 24/06/2019 - 09:16

BTN - Nhờ phát triển khá đồng bộ về nông nghiệp, công nghiệp - thủ công nghiệp, nhất là thương mại - dịch vụ mà thu nhập người dân địa phương ngày càng được nâng cao. Ðến cuối năm 2018, thu nhập bình quân của người dân xã Gia Bình đạt 49 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn 0,6%.

Giao lộ quốc lộ 22 và đường Hồ Chí Minh (cầu vượt) trên địa bàn xã Gia Bình.

Theo kế hoạch, khi huyện Trảng Bàng thành lập thị xã sẽ có 6 phường nội thị, gồm thị trấn Trảng Bàng và 5 xã lân cận. Trong 5 xã, đã có đến 4 xã là An Tịnh, An Hoà, Gia Lộc và Lộc Hưng đã được công nhận xã nông thôn mới. Riêng xã Gia Bình chưa được chọn làm điểm đầu tư xây dựng xã nông thôn mới. Mặc dù vậy, trong những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Bình đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, phấn đấu lên phường.

Theo lãnh đạo xã Gia Bình, trước đây, thu nhập chính của người dân trong xã chủ yếu từ nông nghiệp. Những năm sau này, thương mại và dịch vụ trên địa bàn xã có bước phát triển nhanh nên cơ cấu kinh tế của xã có nhiều chuyển biến theo hướng nông nghiệp - đô thị. Xã có diện tích tự nhiên hơn 1.200 ha, gồm 3.863 hộ, với 13.643 nhân khẩu, sống tập trung trên địa bàn 5 ấp. Xã có 6.616 lao động, trong đó có 1.249 lao động nông nghiệp (chiếm gần 19%), còn lại là phi nông nghiệp.

Mặc dù trên địa bàn xã không có khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng Gia Bình nằm giữa hai khu công nghiệp lớn trên địa bàn các xã lân cận là Khu công nghiệp Thành Thành Công và Khu công nghiệp - đô thị Phước Ðông - Bời Lời. Nhờ vậy, ngoài nghề nông và buôn bán, làm dịch vụ, còn có một bộ phận không nhỏ lao động trẻ làm công nhân các công ty, xí nghiệp ở hai khu công nghiệp lân cận.

Ðiều dễ nhận thấy nhất của xã là lợi thế về hạ tầng giao thông. Trên địa bàn xã có quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) đi ngang qua một đoạn dài 3,34km. Trung tâm xã cách trung tâm thị trấn Trảng Bàng 5km và cách trung tâm thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu) khoảng 7km. Phía Ðông của xã (tiếp giáp với xã Gia Lộc) có tỉnh lộ 782 đi qua một đoạn dài 2,37km. Hơn nữa, trên địa bàn xã còn có đường Hồ Chí Minh đi ngang. Hiện con đường đang được thi công. Khi con đường Hồ Chí Minh hoàn thành và đưa vào sử dụng, việc lưu thông từ xã Gia Bình đến đến các tỉnh lân cận hết sức thuận tiện.

Ngoài hệ thống giao thông “đối ngoại” quan trọng vừa nêu, trên địa bàn xã còn có nhiều trục đường liên xã trọng yếu và đều đã được nhựa hoá. Ðáng kể như, đường Bình Nguyên (đoạn qua địa bàn xã Gia Bình dài 2,56km) nối từ quốc lộ 22 qua địa bàn xã An Hoà đến bờ rạch Trảng Bàng, tiếp giáp Khu công nghiệp Thành Thành Công.

Ðường Bình Thuỷ nối từ quốc lộ 22 (ngã tư Gia Bình) qua địa bàn xã Gia Bình (đoạn qua xã Gia Bình dài 450m) đến xã An Hoà, tiếp giáp với tỉnh lộ 787A, ngang qua Khu công nghiệp Thành Thành Công và sang Long An. Ðây là con đường “tắt” từ Tây Ninh đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại, nên có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại rất cao.

Hay như đường Phước Hậu, dài 2,25km, nối từ quốc lộ 22 (ngã tư Gia Bình) qua địa bàn các ấp Phước Hiệp, Phước Hậu đến tỉnh lộ 782. Ngoài ra còn có các con đường quan trọng khác trên địa bàn các ấp như: đường Bình Nguyên 1, Bình Nguyên 2, đường Phước Hậu 1, đường Xe Làng. Các con đường này được Nhà nước đầu tư nâng cấp lưu thông rất thuận tiện.

Cùng với những con đường trục chính “đối ngoại”, trên địa bàn xã còn có 24 tuyến đường giao thông “đối nội”, với tổng chiều dài hơn 10km. Các con đường ngõ xóm này đã được nhân dân đóng công góp sức cùng với Nhà nước “cứng hoá” và lắp đèn chiếu sáng. Không có sông lớn chảy qua, nhưng trên địa bàn xã có các dòng rạch (phụ lưu sông Vàm Cỏ Ðông) đi sâu vào đất liền, đến các trục giao thông lớn, như rạch Rỗng Tượng, rạch Bình Thuỷ. Từ đó góp phần đáng kể cho việc vận chuyển nông sản và lưu thông đường thuỷ.

Ðáng lưu ý là con rạch Rỗng Tượng từ quốc lộ 22 ra sông Vàm Cỏ Ðông đã được Nhà nước đầu tư nạo vét, mở rộng và làm đường đê bao tiểu vùng. Mạng lưới điện đã được ngành chức năng đầu tư cải tạo, xây dựng mới các công trình hạ thế lưới điện. Ðến nay, toàn bộ các hộ dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh đều có điện sử dụng. Trên địa bàn đã có 3 tuyến đường được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng.

Trong thời gian tới, xã sẽ lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường còn lại. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã, để định hướng phát triển đô thị, xã cũng cần được quy hoạch hệ thống cấp điện hoàn chỉnh trong tương lai. Hệ thống giao thông ngày càng rộng mở, các phương tiện giao thông đi lại dễ dàng, từ đó thương mại - dịch vụ trên địa bàn nhanh chóng phát triển.

Cơ cấu kinh tế của xã đang phát triển theo hướng nâng cao giá trị thương mại - dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn có 65 doanh nghiệp và hơn 600 hộ buôn bán và làm dịch vụ. Ngành nghề thủ công như đan lát, tráng bánh tráng, làm muối ớt được duy trì và phát triển. Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và tăng năng suất. Xã có vùng quy hoạch chuyên sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 600 ha và năng suất bình quân từ 7 đến 10 tấn/ha/vụ.

Nhờ phát triển khá đồng bộ về nông nghiệp, công nghiệp - thủ công nghiệp, nhất là thương mại - dịch vụ mà thu nhập người dân địa phương ngày càng được nâng cao. Ðến cuối năm 2018, thu nhập bình quân của người dân xã Gia Bình đạt 49 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn 0,6%.

Về văn hoá, xã hội, những năm qua, Gia Bình có bước phát triển đáng ghi nhận. 100% ấp đạt chuẩn ấp văn hoá, 96% hộ dân trong xã đạt chuẩn gia đình văn hoá. Y tế, giáo dục luôn được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động. Xã luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách xã hội, chi trả kịp thời chế độ cho các đối tượng và trợ cấp cộng đồng, hỗ trợ hộ nghèo.

Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với các phong trào toàn dân phát hiện tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội... đã góp phần tích cực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

N.H