BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã nông thôn mới “khát” nước sạch 

Cập nhật ngày: 22/11/2018 - 20:08

BTNO - Là một trong những xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, nhưng cho đến nay, gần 520 hộ dân của xã Long Phước, huyện Bến Cầu vẫn chưa có nước sạch, hợp vệ sinh để sử dụng và đó cũng là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương nơi đây.

Nhiều năm qua, gia đình ông Phạm Văn Ky (ngụ ấp Phước Tây, xã Long Phước) vẫn sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng để tắm và giặt quần áo, còn nước uống, nấu ăn phải mua nước bình. Theo ông Ky, hầu hết nước giếng của vùng này đều bị nhiễm phèn rất nặng, nước bơm lên để vài giờ thì nổi váng, vàng khè, đến tắm giặt còn không dám chứ đừng nói là để ăn uống.

Thau nước giếng và bình lọc nước đóng cặn đỏ của gia đình ông Phạm Văn Ky.

Chỉ tay lên bồn nước bám đầy phèn đỏ, hoen gỉ, chị Tạ Thị Ngọc Nhi cùng ngụ ấp Phước Tây, xã Long Phước cho hay, vài năm trước, nước không nhiễm phèn nhiều như bây giờ nên vẫn có thể sử dụng được. Nhưng hiện nay nước bơm lên phải để đến ngày hôm sau mới dám dùng.

“Sử dụng nguồn nước nhiễm phèn thời gian lâu dài khiến gia đình tôi hết sức lo lắng, bởi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nên để hạn chế phần nào, hàng tháng gia đình tôi phải tốn gần 200.000 đồng để mua nước lọc đóng bình về uống và nấu ăn”- chị Nhi nói.

Theo người dân địa phương, không chỉ nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn mà ngay cả nguồn nước mặt như các giếng đào, ao hồ cũng ô nhiễm nặng, nước có màu vàng, mùi tanh, để lâu đóng váng nên chẳng ai dám sử dụng ăn uống mà phải mua nước bình.

Nước ao nhà ông Ky nhiễm phèn nặng, nước đỏ quanh năm.

Chia sẻ với người dân về tình trạng phải sống chung với nguồn nước nhiễm phèn từ nhiều năm qua, ông Ngô Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết, cả xã hiện có hơn 520 hộ dân nhưng chỉ có một trạm nước sạch tại ấp Phước Trung, chỉ đủ phục vụ nhu cầu cho hơn 80 hộ, ngay cả trụ sở UBND xã cũng phải mua nước bình về sử dụng vì nước nhiễm phèn nặng.

Theo ông Tùng, hầu hết các giếng đào cũng như giếng khoan trong xã đều nhiễm phèn, các vật dụng đựng nước đều có màu vàng chỉ sau thời gian ngắn sử dụng. Ngoài ra hệ thống ống nước, van nước sử dụng nước phèn rất nhanh xuống cấp, hư hỏng, gây tốn kém rất nhiều.

“Xã về đích nông thôn mới từ năm 2015, nhưng đến nay người dân vẫn chưa có nước sạch sử dụng là nỗi băn khoăn rất lớn của lãnh đạo xã. Cùng với đó, để đạt được chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch theo quy định, xã đã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện Bến Cầu về thực trạng nguồn nước bị ô nhiễm tại địa phương, đề nghị các cơ quan cấp trên hỗ trợ có phương án nâng cấp trạm cấp nước sạch tại ấp Phước Trung, đồng thời đầu tư thêm trạm xử lý nước sạch tại các ấp Phước Đông, Phước Tây nhằm đưa nước sạch phục vụ đời sống bà con nhân dân”- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết.

Bồn nước inox ở nhà chị Ngọc Nhi bị bám đỏ bởi nước nhiễm phèn lâu ngày.

Liên quan tới vấn đề thiếu nước sạch tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu, ông Đinh Hùng Danh- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Tây Ninh cho biết, do điều kiện mật độ dân cư của xã Long Phước khá thưa thớt trên địa bàn quá rộng nên việc đầu tư trạm cấp nước sạch rất khó triển khai và không khả thi.

Trước mắt, để tạo điều kiện người dân có nước sạch sử dụng, địa phương nên rà soát, lập danh các hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 23/02/2017 về quy định mức hỗ trợ đầu tư công trình nước sạch nông thôn của UBND tỉnh để được hỗ trợ kinh phí mua máy lọc nước đạt chuẩn.

Long Phước là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015. Vậy mà đến nay người dân vẫn thiếu nước sạch, vả tình hình ngày càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, việc đầu tư trạm cấp nước sạch đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn, nằm ngoài khả năng của địa phương. Do đó, chính quyền và người dân  rất mong nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng để người dân xã biên giới Long Phước được sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, bảo đảm sức khỏe.

Minh Dương