Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xanh mát trang trại khóm ở vùng biên giới khô cằn 

Cập nhật ngày: 05/08/2017 - 21:44

BTNO - Ít ai ngờ rằng, ở một xã biên giới Tây Ninh, giữa vùng nước nhiễm phèn quanh năm, sản xuất lúa cũng không được nhưng đã có một trang trại trồng khóm xanh mướt với diện tích hơn 35ha của một lão nông từ tỉnh Hậu Giang lên đây đầu tư.

Xanh mát trang trại khóm trêm vùng đất nhiễm phèn.

Trang trại này nằm ở ấp Thuận Tây (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) của ông Dương Văn Thanh (70 tuổi, ngụ thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang).

Ông Thanh là chủ Doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh, người từng được gọi là “Vua khóm” ở Hậu Giang, từ hai bàn tay trắng, ông đã gầy dựng nên trang trại khóm quy mô lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với diện tích trên 100 ha.

Năm 2014, sau khi khảo sát, ông Thanh tiếp tục đầu tư trên 2 tỷ đồng thuê đất, lập trang trại trồng khóm ở huyện biên giới Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, dần dần mang lại màu xanh cho vùng đất phèn, cằn cỗi quanh năm này.

Ông Dương Văn Thanh- chủ trang trại khóm ở Bến Cầu.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại khóm bạt ngàn, ông Thanh nói: Cây khóm từ lúc mới trồng đến thu hoạch khoảng 14-15 tháng.

Để lập trang trại khóm trên vùng đất phèn, ông Thanh lên liếp, đào kênh mương và hàng rào bờ bao ngoài cùng chống ngập cao ráo, kiên cố để chủ động bơm nước ra vào. Những liếp khóm rộng 4-5 mét thẳng hàng, xen lẫn kênh mương rộng rải để thuận tiện vận chuyển bằng ghe khi thu hoạch khóm.

Nhìn diện mạo bên ngoài, ít ai nghĩ ông là một tỉ phú. Vẫn giữ nguyên phong thái của một lão nông miền Tây mộc mạc, xuề xòa và mến khách, giọng nói của lão nông đã 70 tuổi vẫn sang sảng khi kể về cơ duyên gắn bó với cây khóm.

Ông Thanh kể, trước khi có được những trang trại khóm cho thu hoạch như hiện nay, ông đã phải trải qua rất nhiều nghề, chịu cực chịu khổ, mất rất nhiều công sức cải tạo vườn tạp, rồi thành công với trang trại hơn 100 ha trồng khóm ở TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Thu hoạch khóm.

Với trang trại khóm ở vùng biên Tây Ninh này, ông đã có kinh nghiệm trong việc lập vườn và canh tác, nên mọi công đoạn xử lý thuận lợi hơn. Thêm vào đó, ông tận dụng nguồn nhân công ở quê nhà, đã từng làm công cho trang trại khóm ở Vị Thanh nên không gặp khó khăn gì trong việc chăm sóc khóm.

“Khi khóm được 15 tháng thì xử lý ra hoa, 1 tháng sau tiếp tục bón nhiều loại phân có kali giúp trái ngọt hơn. Khoảng 4 tháng 10 ngày từ khi xử lý ra hoa thì thu hoạch trái đợt 1. Cây khóm cho trái rất lâu, từ 7 đến 10 năm nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật.

Trung bình, năng suất khóm của trang trại đạt từ 20-25 tấn/ha/năm, thu lợi khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân có thể bỏ túi 80 triệu đồng tiền lãi”- ông Thanh chia sẻ.

Vận chuyển khóm lên bờ.

Với toàn bộ khóm thu hoạch được, ông Thanh đều ký hợp đồng cung cấp cho các nhà máy ở Long An, Tiền Giang. “Sắp tới đây, khi nhà máy của Lavifood tại Tây Ninh đi vào hoạt động thì khóm thu hoạch ở trang trại này sẽ cung cấp cho nhà máy theo như hợp đồng đã ký kết”- ông Thanh cho biết thêm. Ngoài ra, trang trại của ông Thanh còn là nơi cung cấp cây khóm giống cho thị trường miền Tây.

Theo ông Thanh, vùng đất phèn ở Bến Cầu này rất thích hợp cho cây khóm phát triển và cho trái ngọt. Nếu biết áp dụng các yếu tố khoa học kỹ thuật trong chọn giống tốt có năng suất cao, cách chăm sóc, bón phân, làm kênh mương thuỷ lợi... thì nông dân ở vùng đất bị nhiễm phèn hoàn toàn có thể sống được với cây khóm.

Dịu dàng sắc tím hoa khóm.

Ngoài trang trại khóm trên 100 ha ở Hậu Giang và Tây Ninh, ông Thanh còn thu mua khối lượng lớn khóm của nông dân địa phương để bỏ mối cho các nhà máy chế biến ở đồng bằng sông Cửu Long và TP.Hồ Chí Minh.

Hằng năm, doanh nghiệp của ông cung cấp ra thị trường trên 25.000 tấn khóm, với tổng doanh thu đạt khoảng 80 tỷ đồng/năm.

Yên Khuê- Sông Ninh