BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng chính quyền điện tử để tiến tới Chính phủ số và nền kinh tế số 

Cập nhật ngày: 23/07/2019 - 20:04

BTNO - Sáng 23.7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại điểm cầu Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cùng các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, thành viên Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo tham dự hội nghị.

Ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xác định đây là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng Chính phủ điện tử. Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (còn thiếu TP.Hồ Chí Minh) đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính quyền điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 đã đạt được một số kết quả tích cực như: Từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ; các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng khẩn trương.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân kiến nghị một số nội dung tại hội nghị trực tuyến.

Đến nay, đã vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia. Các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh có cải thiện tích cực; theo công bố chưa chính thức cuối tháng 3.2019 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), năm 2018 Việt Nam xếp hạng thứ 50/193 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá về chỉ số an toàn, an ninh thông tin (tăng 50 bậc so với năm 2017).

Văn phòng chính phủ cũng nhận định, thời gian qua một số nội dung triển khai chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo; một số hệ thống đã triển khai nhưng việc khai thác, sử dụng chưa thật sự hiệu quả; vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu còn rất hạn chế. Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tại một số địa phương chưa bảo đảm các chức năng; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, kém hiệu quả, có dịch vụ không phát sinh hồ sơ gây lãng phí…

Tại Tây Ninh, tỉnh đã xây dựng cổng dịch công trực tuyến và công khai tại địa chỉ https://dichvucong.tayninh.gov.vn. Theo đó, 1.884 thủ tục hành chính ở cả 3 cấp được cập nhật đầy đủ theo quy định. Số lượng thủ tục hành chính đã triển khai cung cấp mức 3, mức 4 so với tổng số thủ tục hành chính của tỉnh đạt 53%.

Người dân đến Bộ phận Một cửa huyện Bến Cầu giải quyết TTHC.

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh còn đưa vào phục vụ Cổng Hành chính công tỉnh Tây Ninh trên ứng dụng mạng xã hội Zalo từ tháng 11.2018 với 3 chức năng chính: Nộp TTHC, tra cứu tình trạng giải quyết TTHC và phản ánh kiến nghị. Ứng dụng này đã tiếp nhận và xử lý được 1.028 hồ sơ cho cá nhân, tổ chức; tiếp nhận và xử lý được rất nhiều phản ánh kiến nghị cho cá nhân, tổ chức; trả lời trực tuyến 195 lượt.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cũng trình bày khó khăn thực tế tại tỉnh, đó là việc chia sẻ và kết nối dữ liệu giữa Hệ thống một cửa điện tử tập trung của tỉnh, các sơ sở dữ liệu có sẵn của tỉnh với các phần mềm xử lý chuyên ngành của bộ, ngành triển khai tại địa phương chưa thực hiện được, buộc cán bộ phải thao tác trên cả 2 phần mềm, mất nhiều thời gian, giảm chất lượng phục vụ nhân dân/doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo các bộ, ngành cho bộ phận chuyên môn làm việc với tỉnh để kết nối, chia sẻ các dữ liệu liên quan đối với các Hệ thống phần mềm do bộ, ngành triển khai tại địa phương với Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh khi Trục liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia chưa được vận hành chính thức.

Một khó khăn cần xử lý nữa là vướng mắc trong chữ ký số, khi chuyển dữ liệu điện tử có ký số (giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hay ngược lại) không thể xác thực được chữ ký số đó. Do đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng cổng xác thực chữ ký số quốc gia nhằm xác thực các hồ sơ đã được ký số nộp trên cổng dịch vụ công trực tuyến và xác thực các nội dung hồ sơ ký số được luân chuyển giữa các đơn vị hành chính nhà nước.

Người dân có thể nộp hồ sơ giải quyết TTHC qua ứng dụng Zalo.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, hiện nay, do chưa có sự thống nhất cách thức, hình thức thanh toán trực tuyến tập trung nên việc thanh toán trực tuyến các phí, lệ phí đối với các TTHC mức độ 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh vẫn chưa thực hiện được. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể địa phương về cổng thanh toán trực tuyến tập trung đối với việc thanh toán các phí, lệ phí trên cổng dịch vụ công tỉnh cũng như việc kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia sau này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân người dân ít chịu sử dụng dịch vụ công mức độ 4 do vẫn phải đi nộp phí, lệ phí.

Ghi nhận ý kiến của các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, làm chính quyền điện tử là phải thực chất để phát triển đất nước, không được hình thức. Trước mắt, phải xây dựng chính quyền điện tử để tiến tới Chính phủ số và nền kinh tế số. Chính quyền điện tử phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện hài lòng của người dân làm mục tiêu, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số. Về dịch vụ công, Thủ tướng yêu cầu thiết kế lại quy trình cung cấp dịch vụ công, ưu tiên những dịch vụ thiết yếu đưa lên thực hiện trước, tránh trường hợp làm dàn trải hàng ngàn dịch vụ công như thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin Truyền thông chịu trách nhiệm về quản trị dữ liệu xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu; Văn phòng Chính phủ tiếp tục xây dựng và sớm đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia; phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

N.D