Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng đề án mỗi xã một sản phẩm 

Cập nhật ngày: 20/10/2017 - 06:15

BTN - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh về việc xin chủ trương xây dựng Ðề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 -2020 và định hướng đến năm 2030”.

Chế biến muối ớt tôm tại một cơ sở (ảnh minh hoạ).

Theo Quyết định số 414/QÐ-TTg ngày 4.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23.11.2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 -2020, định hướng đến năm 2030.

Sau đó, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 4914/BNN-VPÐP ngày 15.6.2017 về việc xây dựng “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị xác định việc xây dựng và triển khai “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn... Thực hiện chủ trương trên, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” cấp tỉnh.

Mục tiêu của chương trình này là tập trung nguồn lực hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn thông qua phát triển các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ lợi thế theo hướng tăng giá trị gia tăng. Kết quả của chương trình là phát triển sản xuất hàng hoá tập trung đối với nhóm sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của tỉnh, huyện, xã trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; hỗ trợ phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp, tạo thêm động lực quan trọng làm gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư nông thôn, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông thôn cả nước nói chung, các địa phương nói riêng. Ðến nay, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương, chọn đơn vị tư vấn để xây dựng Ðề án.

Kết quả điều tra, khảo sát thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng Ðề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” cho thấy, tỉnh hiện có 27 sản phẩm thế mạnh, thuộc 4 nhóm. Trong đó, nhóm thực phẩm có 23 sản phẩm. Ðiểm mạnh của Tây Ninh là Tỉnh uỷ, UBND và Sở NN&PTNT đã quan tâm, đầu tư phát triển nông nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế do một số sản phẩm chưa có nhãn hiệu, thương hiệu, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống chưa gắn với các tour du lịch để tăng cường giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm...

UBND tỉnh đề ra nhiệm vụ hết năm 2017, tỉnh tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 để Tây Ninh giới thiệu Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm; hoàn thiện dự thảo và phê duyệt Ðề án “Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”, tổ chức hội thảo triển khai đề án này trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2018-2030, phát triển và nâng cấp 14 sản phẩm, trong đó đầu tư nâng cấp 7 sản phẩm chủ lực gồm: muối ớt tôm, bánh canh, bánh tráng phơi sươn, thịt bò, mãng cầu, nước tương, chao, đồng thời phát triển 7 sản phẩm mới...

THIÊN TÂM