BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xin bác sĩ giải thích thêm về bệnh ?

Cập nhật ngày: 26/11/2017 - 07:22

BTN - Hỏi: Nữ 36 tuổi, đi khám bệnh vì ra nhiều khí hư nhầy, trắng đục, không hôi, không gây ngứa hay khó chịu nhưng thỉnh thoảng có ra máu sau giao hợp. Bác sĩ chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung, cho thuốc uống và thuốc đặt trong 10 ngày. Xin bác sĩ giải thích thêm về bệnh này? Nghe nói lộ tuyến phải đốt thì bệnh mới khỏi hẳn?

Một bạn đọc

Đáp: Cổ tử cung gồm cổ ngoài và cổ trong. Bình thường, chỉ thấy được cổ ngoài trơn láng, có màu hồng do được phủ bởi biểu mô lát. Lộ tuyến cổ tử cung xảy ra khi biểu mô trụ (vốn chỉ có ở cổ trong) nay mọc lan ra cổ ngoài, nên cổ ngoài có màu đỏ tươi, dễ nhận thấy khi khám phụ khoa.

Cổ tử cung lộ tuyến tăng tiết dịch nhầy, dễ chảy máu và dễ nhiễm trùng hơn so với cổ tử cung bình thường. Đa số lộ tuyến cổ tử cung được phát hiện tình cờ vì lý do khác như khí hư nhiều, khí hư có màu hay mùi bất thường, chảy máu sau giao hợp, đau trằn bụng dưới, đau khi giao hợp…

Lộ tuyến cổ tử cung hay gặp ở phụ nữ mất cân bằng nội tiết sinh sản, sử dụng thuốc ngừa thai kéo dài, hay sinh đẻ nhiều lần. Lộ tuyến tự khỏi được nhờ quá trình tái tạo: biểu mô lát mọc trùm lên trên biểu mô tuyến ở cổ ngoài. Quá trình tái tạo dễ nhận biết khi khám phụ khoa: biểu mô lát mới hình thành có màu trắng mờ đục, thường đi kèm các nang Naboth (vốn là các tuyến tiết dịch nhầy của biểu mô trụ bị bít miệng, gây tích tụ dịch ngày càng nhiều). 

Khuyến cáo hiện nay là rất cân nhắc đốt triệt lộ tuyến, chỉ điều trị viêm (nếu có), vì lộ tuyến sẽ tự khỏi khi tái lập cân bằng nội tiết sinh sản, ngưng thuốc ngừa thai hoặc đến giai đoạn mãn kinh. Mặt khác, đốt triệt lộ tuyến quá tay sẽ làm cho biểu mô trụ dịch chuyển vào sâu bên trong, vượt khỏi tầm với của dụng cụ lấy mẫu tế bào cổ tử cung, khó phát hiện sớm ung thư cổ tử cung hơn so với người không đốt lộ tuyến.

Trường hợp của bạn, dấu hiệu khí hư nhiều nhưng không có màu, mùi bất thường, không ngứa, thỉnh thoảng ra máu sau giao hợp rất gợi ý lộ tuyến cổ tử cung đơn thuần (không kèm theo viêm nhiễm), nhưng rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Bác sĩ khám trực tiếp có thể xác định được lộ tuyến có kèm theo viêm nhiễm hay không. Bác sĩ là người chỉ định kê toa điều trị bệnh lý viêm nhiễm, nhưng quyết định có đốt triệt lộ tuyến hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người bệnh, vì bản thân lộ tuyến không phải là bệnh lý, tự khỏi được, và đốt triệt lộ tuyến có thể cản trở việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.

Nếu cổ tử cung không còn viêm nhiễm, nhưng lộ tuyến tiếp tục gây nhiều phiền toái (tiết nhiều dịch nhầy, cổ tử cung chảy máu thường xuyên...) thì cần khám và cân nhắc đốt lộ tuyến với bác sĩ phụ khoa có kinh nghiệm.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú