BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Xứ bàu thương nhớ

Cập nhật ngày: 24/11/2017 - 05:41

BTN - Ở Tây Ninh, gần như đi tới đâu cũng gặp những tên bàu. Xa xưa nhất có lẽ là những Bàu Voi Nằm, Bàu Cheo… chắc có từ thời lưu dân đi mở đất.

Gần hơn là những Bàu Đồn, Bàu Hai Năm có từ khoảng đầu thế kỷ XIX, gắn với sự kiện vua Gia Long cho khôi phục, tu sửa con đường sứ thành đường thiên lý phía Tây năm 1815. Và, đội hình bàu hùng hậu nhất có lẽ là từ đó về sau, khi lưu dân đã xác định rõ địa giới các thôn làng; rồi ra sức làm ăn trên những rẫy ruộng, rừng cây đã trở nên thuần thục.

Những cái bàu giữa đất rẫy, ruộng, vườn ấy đã trở thành nơi cung cấp nước cho cây, nơi tắm giặt của dân làng, nơi hò hẹn của gái trai… Tóm lại là đã trở thành những cái tên gửi gắm nhiều thương nhớ.

Phía Tân Châu, theo đường 785 đi lên có các Bàu Cỏ, Bàu Văn Lịch, Bàu Bền, Bàu Rã… toàn gắn với kỷ niệm của nhiều cán bộ, chiến sĩ ta thời kháng chiến. Bên kia sông Vàm Cỏ Đông là Bàu Gõ, từng đi vào một câu ca dao buồn: “Lấy chồng về Bàu Gõ, nước mắt nhỏ hai hàng”.

Cô dâu ấy ngoài lý do thương cha, nhớ mẹ, thì vẫn còn một lý do cụ thể khác. Rằng bên kia người ta lao động miệt mài chăm chỉ lắm! Đến nỗi: “Dọn mâm cơm để đó, giã chín neo bàng mới được ăn”. Giờ câu ca ấy lại giữ cho ta một kỷ niệm, để làm tôn lên cái sức sống hừng hực đi lên của quê hương Bàu Gõ.

Đấy chính là xã Lợi Thuận bây giờ đó! Có cả cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, với những khu công nghiệp hàng chục ngàn công nhân, cùng các siêu thị, cửa hàng miễn thuế sầm uất, đông vui. Nàng dâu quê bên tả ngạn sông Vàm làm dâu bên ấy, nay về quê cứ phóng thẳng một lèo qua cầu Bến Đình, đường êm thuận mặt bê tông nhựa… Hỏi có quê nào bằng xứ Bàu Gõ lúc này không?

Các huyện Châu Thành, Tân Biên cũng có nhiều chiếc bàu vang danh. Như rừng Ninh Điền còn được gọi là rừng Ba Bàu, vì có ba cái bàu lớn, có tên trên bản đồ hành chính tỉnh. Đấy là Bàu Bò, Bàu Tre, Bàu Trảng Tràm. Vị chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Tây Ninh đã ngã xuống ở rừng Ninh Điền sau một trận chiến đấu với quân giặc Pháp.

Liệu ông và các đồng chí của mình có từng nấu ăn hay tắm giặt ở Ba Bàu những ngày còn nếm mật nằm gai? Trên xã Phước Vinh nay (thời kháng chiến chống Pháp gọi là Tà Păng) cũng có nhiều bàu, nhưng lớn và nổi tiếng nhất chắc phải là Bàu Rau Muống. Nó có tên trong bản đồ hành chính, là bàu Cho-Bát. Có một thời Tà Păng nuôi sống, bảo bọc cho hàng ngàn quân dân hai trong kháng chiến.

Có lẽ do ngọn rau muống từ đây đã góp mình vào nguồn sống, nên bàu đã được định danh. Nổi tiếng hơn nữa, nằm gần Bàu Rau Muống là Trảng Cồng, cái địa danh đã từng có cả triệu lần được nhắc tên thông qua bài hát Lên Ngàn nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Việt.

Đạt kỷ lục về số bàu có trong một khoảng rừng là khu Bảy Bàu thuộc rừng Chàng Riệc, Tân Biên, nay nằm trong Khu di tích Ban An ninh Trung ương Cục. Còn miền đất thường được các vị cao tuổi khoe là “xứ bàu”, chắc phải là huyện Dương Minh Châu, nơi có một xã mang tên bàu là xã Bàu Năng. Các xã còn lại của huyện cũng có nhiều bàu, như Bàu Châu É, Bàu Sen, Bàu Dài, Bàu Cốp, Bàu Đưng, Bàu Đế.

Các xã phía Nam huyện có Bàu Găng, Bàu Tràm, Bàu Me… Nổi tiếng nhất có lẽ là Bàu Chanh, nay thuộc xã Phước Ninh mà trong lòng nhiều người Dương Minh Châu vẫn nhớ. Đấy là vào các năm 1946, 1948 ở đây có chiến khu Hoa Lư- nơi ra mắt lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh. Thoạt tiên là Chi đội 11, sau thành Trung đoàn 311 nổi danh thời kháng Pháp.

Và còn biết bao nhiêu cái bàu nữa, gắn liền với hành trình ông cha đi mở đất, dựng xây và chiến đấu bảo vệ quê hương. Tôi đã từng nghe danh, rồi tìm đến nhưng nhiều cái bàu xưa nay đã mất. Khi đứng trước nơi từng có Bàu Gõ, Lợi Thuận, đành chỉ nhìn ngơ ngác giữa đồng xanh. Một anh bạn quen quê Bàu Năng kể rằng, Bàu Năng xưa lớn lắm, bao trùm cả một phần đường 781 sang trụ sở UBND xã bây giờ.

Nay bàu bị lấp dần để trồng sầu riêng hay các loại hoa màu khác. Về Bàu Đồn cũng vậy. Chỉ còn độ một, hai công mặt nước, giữa bộn bề xào xạc lá sầu riêng. Muốn tìm một cái bàu còn đầy đủ cỏ năn, đưng, lác giờ đây có lẽ phải đến tận miền biên giới Long Phước, Bến Cầu. Quả nhiên chỉ ở đấy, bàu mới còn nguyên vẹn với những hàng tràm vàng soi bóng nước và những cánh cò bay bát ngát ca dao.

Các bạn trẻ đang chơi flycam ơi! Các bạn đã có những tấm ảnh tuyệt đẹp về Tây Ninh, ở thành phố, Lòng Hồ hay núi Bà cao vợi. Mong các bạn đừng quên những cái bàu, từng làm nên hồn cốt quê hương qua những tên cây, tên đất hiền lành.

Tôi đoán rằng từ trên cao nhìn xuống, những chiếc bàu sẽ như những viên ngọc xanh ngời sáng điểm trang cho đất nước quê mình. Và cũng để sau này khi những chiếc bàu còn lại tiếp tục bị mất đi, nhường chỗ cho vườn cây hoặc đô thị và khu công nghiệp, ta có thể ngắm lại từ hình ảnh mà các bạn ghi nhận được để biết quê mình từng có những chiếc bàu thương nhớ...

NGUYỄN

Từ khóa
NGUYỄN