BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xử lý triệt để chất thải y tế 

Cập nhật ngày: 21/11/2017 - 15:35

BTN - Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phải phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

Rác thải y tế cần được xử lý đúng quy định. Ảnh minh hoạ

Theo Kế hoạch số 2349/KH-UBND của UBND tỉnh vừa được ban hành về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh, Tây Ninh đề ra mục tiêu quản lý và xử lý triệt để chất thải y tế, đảm bảo 100% cơ sở y tế xử lý chất thải rắn, nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phải phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

Tỉnh cũng đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại; quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và giảm chi phí xử lý chất thải y tế.

Hiện toàn tỉnh có 115 cơ sở khám và điều trị bệnh. Theo kết quả điều tra gần đây, tổng rác thải từ các cơ sở y tế phát sinh là 3.769 kg/ngày. Thành phần trong rác thải y tế phát sinh gồm: Rác thải thông thường 2.918,5 kg/ngày, rác thải y tế phải xử lý 850 kg/ngày. Trong rác thải y tế phải xử lý có chất thải lây nhiễm, chất thải không lây nhiễm và chất thải y tế nguy hại dạng lỏng.

Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư 9 lò đốt chuyên dùng có tổng công suất 165kg/giờ để xử lý rác y tế nguy hại của các cơ sở y tế. Trong đó, lò đốt của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tây Ninh có công suất đốt từ 50-70kg/giờ. Các bệnh viện còn lại như Bệnh viện phục hồi chức năng, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện (gồm Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên, Hoà Thành), có công suất của mỗi lò đốt là 20-25kg/giờ.

Bên cạnh đó, 2 bệnh viện tư nhân trong tỉnh cũng đã lắp đặt thiết bị xử lý rác y tế nguy hại (BVĐK Lê Ngọc Tùng lắp đặt lò đốt công suất 50 kg/giờ, Bệnh viện Cao Văn Chí lắp đặt lò hấp, công suất 20 kg/giờ).

Ngoài ra, tỉnh cũng đã đầu tư 5 lò đốt rác y tế nguy hại tại TTYT các huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng và Thành phố, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (mỗi lò đốt có công suất đốt từ 15-20kg/giờ). Trong đó lò đốt của TTYT Thành phố và TTYT huyện Trảng Bàng đã hư hỏng, không còn sử dụng.

Các cơ sở y tế tư nhân, hầu hết đều hoạt động ngoài giờ, lượt người khám bệnh không nhiều, hoạt động chủ yếu là khám và kê đơn thuốc nên lượng rác thải phát sinh rất ít. Thành phần rác chủ yếu là rác thải thông thường. Hình thức xử lý chính là đốt tại nhà hoặc mang đến đốt tại các lò đốt của trạm y tế, trung tâm y tế huyện.

Theo báo cáo của một số TTYT thì chi phí xử lý rác y tế nguy hại  khoảng 15.000 đồng/kg. Còn theo các cơ sở xử lý chất thải nguy hại (bao gồm cả xử lý rác y tế) trên địa bàn tỉnh được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thì chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác y tế nguy hại từ 9.000-10.000 đồng/kg.

Hiện còn 6 lò đốt rác y tế nguy hại do tỉnh đầu tư chưa được kiểm tra, xác nhận đạt quy chuẩn quy định. Một số lò đốt cũ đã xuống cấp, hư hỏng không đạt chuẩn (TTYT Thành phố và các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu) cần được nâng cấp. Trong khi đó, công suất xử lý của các lò đốt mới đang dư thừa như BVĐK Tây Ninh mỗi ngày đốt khoảng 5 giờ, các cơ sở y tế khác vài ngày mới đốt một mẻ. Do đốt không liên tục, thời gian ngắt quãng rất dài nên không tận dụng được nhiệt độ sẵn có của mẻ đốt trước dẫn đến hao phí nhiên liệu.

Mặt khác, tất cả các lò đốt được vận hành với công suất thấp dẫn đến hao phí nhiều nhân lực thường trực, đồng thời, hiện tất cả các lò đốt đồng loạt xuống cấp. Có một thực trạng đáng quan tâm là nhân lực phụ trách bảo trì, bảo dưỡng, vận hành lò đốt không chuyên nghiệp, thực hiện không đúng kỹ thuật theo hướng dẫn nên gây hao phí nhiên liệu, không đạt tiêu chuẩn xử lý, làm thiết bị nhanh xuống cấp. Ngoài ra, rác thải từ các trạm y tế, cơ sở y tế nhỏ chưa xử lý đúng quy định.

Các lò đốt mới chủ yếu tập trung phía Bắc của tỉnh (riêng Thành phố có 4 lò). Các lò phía Nam tỉnh (Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến Cầu) đã xuống cấp hoặc hư hỏng không đạt chuẩn.

Toàn bộ các cơ sở y tế như đã nêu ở trên đều phát sinh nước thải. Theo kết quả điều tra, tổng lượng nước thải phát sinh là 1.072,6m3/ngày. Trong đó, nước thải sinh hoạt là 680,2 m3/ngày; nước thải y tế cần phải xử lý mỗi ngày là 392,4 m3/ngày.

Thực hiện dự án đầu tư hỗ trợ xử lý nước thải y tế trên địa bàn, tỉnh đã đầu tư 9 hệ thống thu gom, xử lý nước thải có tổng công suất 1.500m3/ngày với tổng kinh phí là 57 tỷ đồng, xử lý nước thải y tế của BVĐK Tây Ninh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền và TTYT các huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, Tân Châu. Các hệ thống xử lý nước thải có công suất 100 m3/ngày đêm/cơ sở. Riêng TTYT huyện Hoà Thành có công suất xử lý 150 m3/ngày đêm và Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản có công suất xử lý 50m3/ngày đêm. Ngoài ra, BVĐK Lê Ngọc Tùng xây dựng hệ thống xử lý có công suất 100 m3/ngày đêm, Bệnh viện Cao Văn Chí xây dựng hệ thống xử lý có công xuất 70 m3/ngày đêm.

Trước đó, tỉnh cũng đã đầu tư 5 hệ thống xử lý nước thải có tổng công suất 400m3/ngày tại TTYT huyện Gò Dầu, TTYT Thành phố, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi có công suất xử lý 50m3/ngày đêm/cơ sở; Trảng Bàng có công suất xử lý 150m3/ngày đêm; Bến Cầu có công suất xử lý 100 m3/ngày đêm.

Hiện có 5/9 cơ sở sử dụng công nghệ xử lý nước thải y tế theo dự án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận gồm: BVĐK Tây Ninh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Bệnh viện Y học cổ truyền, TTYT huyện Dương Minh Châu. Còn 4 TTYT chưa được xác nhận gồm: Châu Thành, Tân Châu, Hoà Thành (do thu gom nước thải phát sinh chỉ được từ 1%-3% so với công suất hệ thống xử lý được lắp đặt), riêng TTYT huyện Tân Biên đang được xây dựng.

Tương tự lò đốt rác thải, một số hệ thống xử lý nước thải hiện đã xuống cấp, hư hỏng không đạt chuẩn, cần phải nâng cấp nhưng chưa được đầu tư. Ngược lại, công suất xử lý của các hệ thống xử lý mới thì đang dư thừa. Đồng thời, nhân lực phụ trách bảo trì, bảo dưỡng, vận hành hệ thống xử lý nước thải không chuyên nghiệp, thực hiện không đúng kỹ thuật theo hướng dẫn nên thường xuyên không đạt tiêu chuẩn xử lý. Nước thải từ các trạm y tế, cơ sở y tế nhỏ chưa được xử lý theo đúng quy định.

Trong thời gian tới, chất thải y tế nguy hại được xử lý theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm) bằng phương thức như sau: Ngành chức năng rà soát, đánh giá các lò đốt rác y tế nguy hại đã lắp đặt đạt chuẩn, đủ công suất để sử dụng đốt rác y tế nguy hại phát sinh theo cụm cơ sở y tế; tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, điều kiện, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép vận chuyển và xử lý rác y tế nguy hại theo cụm cơ sở y tế đúng theo đồ án quy hoạch chất thải rắn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt như sau:

Cụm 1 (Cụm BVĐK Tây Ninh) xử lý một số chất thải y tế nguy hại cho các đơn vị gồm BVĐK Tây Ninh; Bệnh viện Y học cổ truyền; Bệnh viện Phục hồi chức năng; TTYT Thành phố và các huyện Châu Thành, Hoà Thành, Dương Minh Châu; TTYT dự phòng tỉnh; Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng; Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản; Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; các trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc các huyện trong cụm;

Cụm 2 (Cụm TTYT huyện Tân Châu), xử lý một số chất thải y tế nguy hại cho các đơn vị: TTYT huyện Tân Châu, Tân Biên và các trạm y tế xã, thị trấn thuộc hai huyện này.

Cụm 3 (Cụm TTYT huyện Gò Dầu), xử lý một số chất thải y tế nguy hại cho các đơn vị: TTYT huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng và trạm y tế các xã, thị trấn của các huyện này.

 Riêng Bệnh viện lao và bệnh phổi do rác thải đặc thù có tính nguy hại và lây nhiễm cao nên sẽ xử lý tại chỗ bằng lò đốt rác y tế của bệnh viện.

Trong thời gian tới, ngành chức năng cũng tiếp tục rà soát, có biện pháp thu gom triệt để nước thải y tế phát sinh về hệ thống xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý của các hệ thống đã đầu tư và có biện pháp nâng cấp, sửa chữa để xử lý nước thải đạt quy định;

Các hệ thống xử lý nước thải đã được xác nhận đạt quy chuẩn quy định phải tiếp tục vận hành đúng quy trình, kiểm tra chặt chẽ hoá chất sử dụng trong xử lý nước thải để đảm bảo nước thải ra môi trường được xử lý đạt quy chuẩn quy định;

Các hệ thống thu gom, xử lý nước thải y tế đã đầu tư nhưng chưa thu gom triệt để nước thải y tế phát sinh thì tiếp tục rà soát, có biện pháp thu gom triệt để để xử lý và các hệ thống xử lý chưa được kiểm tra, xác nhận đạt quy chuẩn quy định thì tiếp tục rà soát, đánh giá, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.

Xem xét đấu thầu công tác vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế trên cơ sở tính toán chi phí (bao gồm cả hoá chất để xử lý) để đưa ra mức chi phí và lựa chọn đơn vị có đủ năng lực tham gia đấu thầu vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt quy định.

Các trạm y tế xã, phường, thị trấn, các phòng khám chuyên khoa tư nhân có lượng nước thải phát sinh nhỏ; có thành phần, tính chất nước thải tương tự như nước thải sinh hoạt thì xử lý bằng hầm tự hoại 3 ngăn. Khi có công nghệ xử lý nước thải y tế áp dụng cho quy mô nhỏ sẽ tiến hành thực hiện theo quy định.

Chuyên trang do Báo Tây Ninh và Sở Tài Nguyên- Môi Trường phối hợp thực hiện