BAOTAYNINH.VN trên Google News

Truyện ngắn

Xuân muộn

Cập nhật ngày: 16/02/2019 - 08:08

BTN - Kiều không hiểu vì sao tự dưng mình khóc. Phải chăng mình tiếc nuối đò tình lỡ chuyến? Hay khóc để tống biệt mối tình đầu? Giá như tám năm trước ba má Hiếu chấp nhận mình như hôm nay thì Hiếu đã không thiểu não ra về vì anh đã đến muộn…

Truyện ngắn của PHÙNG THỊ TUYẾT ANH

1.

- Thầy Hiếu lúc này hơi lạ à nhen!.

-Lạ gì?. Thì…lúc này thấy siêng vô trường hơn lúc trước. Khai thiệt đi! Trồng cây si cô nào rồi? Hiếu cười cười cầu hoà. Các giáo viên chủ nhiệm khác, sau khi bàn giao lớp cho giáo sinh thực tập họ ít tới trường để quản lý lớp. Hiếu thì ngược lại, có mặt trên từng cây số, dù ngày đó không có tiết dạy. Thấy vậy, đồng nghiệp chọc.

Hiếu tính tình vui vẻ, hoạt bát, hiền lành, khá điển trai, có tài lẻ biết đàn và hát hay nên không ít bạn gái trong và ngoài trường mê. Thậm chí có nàng mượn thơ tình để bày tỏ tình cảm của mình trong quyển lưu bút của Hiếu. Rất nhiều người giới thiệu em gái, cháu gái của họ nhưng Hiếu không chút xao động trước những đoá hoa hàm tiếu. Sau này ai có ý làm mai mối Hiếu đều từ chối. Phải duyên, tự duyên tìm đến.

Hiếu được ban giám hiệu phân nhiệm vụ hướng dẫn nhóm của Kiều. Hiếu mừng thầm, quả là ông trời thương mình. Bởi Hiếu có cảm tình với Kiều ngay cái nhìn đầu tiên. Tối nào Hiếu cũng kiếm cớ đến gặp nhóm của Kiều. Nào là … mấy đứa soạn giáo án có gì khó khăn thì hỏi thầy. Hiếu làm đề tài giúp Kiều để nộp sau chuyến thực tập. Thái độ ân cần, nhiệt tình, biết ga-lăng và như đọc được suy nghĩ của người khác của Hiếu khiến Kiều ngưỡng mộ. Tất cả các yếu tố đó trở thành mảnh vườn ươm mầm tình yêu của họ.

Hiếu mời nhóm của Kiều đi cà phê. Hùng và Nhung tế nhị bảo hai người đi trước, họ sẽ theo sau (nhưng họ không đi). Ngồi với nhau hàng giờ dưới ánh đèn mờ ảo trong một quán cà phê khá lịch sự. Cùng kể chuyện lớp 9A1. Về tính tình, về gia cảnh mỗi đứa. Rồi…dường như không còn gì để kể.

Hiếu rít một hơi thuốc dài nhìn Kiều đắm đuối khiến cô nàng e thẹn cúi đầu né tránh, tay khuấy ly cà phê đã cạn, những viên nước đá tan chảy nổi lênh đênh như những hạt băng trong suốt vẫn không giấu được vẻ ngượng ngùng, bối rối. Nhìn dáng vẻ e thẹn của nàng, trong lòng Hiếu trào dâng một niềm cảm xúc khó tả. Hiếu rụt rè cầm bàn tay nàng, một cảm giác ấm nóng từ bàn tay Hiếu truyền sang, Kiều hồi hộp rút tay lại, nói khẽ: “Đừng thầy..à..anh! Người ta nhìn kìa”. Nhìn vào mắt Kiều, với sự tinh nhạy của người con trai, Hiếu đã đọc được lời ẩn trong mắt…

Một cảm giác ngọt ngào sung sướng của kẻ đang yêu lan toả khắp cơ thể. Hiếu hướng mắt sang bàn bên cạnh có cây nguyệt quế làm bình phong, hỏi nhỏ: “Họ làm gì kìa?”. Kiều liếc sang thấy đôi trai gái đang hôn nhau. Kiều hiểu ý…mắc cỡ lắc đầu. Nàng như bông hoa thật đẹp trong vườn cấm của Thượng đế, Hiếu muốn được chạm môi mình vào những cánh hoa đó nhưng nàng thanh khiết quá khiến Hiếu càng thêm trân trọng nâng niu.

Ra trường, Kiều được nhận công tác gần nhà. Cứ mỗi chiều thứ bảy, Hiếu vượt chặng đường hơn ba chục cây số đến thăm người yêu. Ngày ngày, Kiều nắn nót thêu cặp gối cưới đôi chim loan phượng với bốn chữ “Loan phượng hoà minh” chuẩn bị cho ngày lấy chồng…

2.

Cầm thiệp cưới trong tay, các cô xôn xao bàn tính đi đám cưới sẽ mặc đầm hay áo dài. Trang điểm tiệm nào đẹp. Nhỏ Linh mở hàng đắt quá! Hổng chừng năm nay “con gái” trường này gả hết. Họ quay sang điểm quân: để tính coi…một, hai…Còn bảy đứa nữ độc thân. Chị chủ tịch Công đoàn giọng nửa đùa nửa thật: Kiều không lo lấy chồng lẹ lẹ nghen! Mấy đứa nhỏ bấm còi qua mặt sắp hết rồi đó. Cô chạnh lòng cười nhẹ. Lấy chồng chứ có phải mua hàng hoá đâu, hễ muốn là được. Mua hàng còn chọn lựa kỹ càng huống hồ lấy chồng…

Hai chữ “lấy chồng” thật đơn giản nhưng với Kiều đó là một bài toán nan giải, nhiều đêm giằng co đấu tranh tư tưởng đến mất ngủ. Mẹ già đang đau yếu, thằng cháu (con anh cả) chưa trưởng thành. Có hai ông anh thì cả hai đều theo quê vợ. Tất cả đều ở xa. Họ phó thác việc chăm sóc mẹ già cho cô. Thỉnh thoảng vợ chồng anh cả, anh hai về thăm đôi ba hôm rồi lại đi vì họ là công chức còn phải đi làm.

Hiếu là con một, đã ba mươi tám tuổi rồi, ba má Hiếu sốt ruột muốn có con dâu để ẵm cháu với người ta. Xuất giá theo chồng thì không ai nuôi mẹ. Cân đong mãi, lực bất tòng tâm, Kiều cam đành để hạnh phúc vuột tầm tay trong nuối tiếc!

Ngày Hiếu lấy vợ là ngày cô đau khổ nhất. Đêm tân hôn của Hiếu, Kiều ôm gối trong vòng tay, nỗi đau nham thạch bấy lâu âm ỉ trong lòng bất chợt trào ra bật thành tiếng nấc nghẹn. Cô không muốn khóc mà hai dòng suối nhỏ tuôn tràn không sao ngăn được. Con thằn lằn cất tiếng “chặc!chặc!” trong đêm tĩnh lặng trên mái nhà không biết là nó chia sẻ hay chê trách Kiều yếu đuối…

3.

Tình yêu đến với mỗi người không giống nhau như một mẫu hình có sẵn. Có người yêu lần đầu rồi nên vợ, nên chồng. Có người yêu nhiều lần vẫn chưa cầm được hạnh phúc. Hình như ngọn lửa tình yêu trong lòng Kiều đã tắt kể từ khi Hiếu lấy vợ. Thời gian cứ thế trôi đi. Tuổi chồng thêm tuổi. Những năm gần đây, giáo viên mới về trường của Kiều khá đông. Phần nhiều là giáo viên nữ độc thân. Trong “Hội độc thân” có chị Quỳnh lớn tuổi nhất. Đồng nghiệp đùa vui gọi chị là: Bộ trưởng Bộ “phòng không”. Kiều, Lệ và Hồng, Thắm ở hàng “băm”. Những đứa còn lại tuổi đồng hăm tám. Cổ xưa có câu:

Trai ba mươi tuổi đang xoan

Gái ba mươi tuổi đã toan về già

Trong thời đại ngày nay, cái “thì” của người con gái được hiểu rộng hơn trước. Không chỉ về sự chín muồi của cơ thể (dậy thì) mà còn chín muồi về các mặt tâm lý, xã hội, nghề nghiệp… Cái tuổi “ế” ngày xưa thì nay mới là đang “thì”. Số người tuổi ba mươi trở lên không phải là ít, họ đều là những người thành đạt. Phần lớn họ vẫn sống vui vẻ lạc quan không coi mình là hàng “ế ẩm”, “tồn kho”. Ngày càng xuất hiện đó đây những đám cưới cô dâu đã ngoài năm mươi. Ông cụ ngoài sáu mươi lấy vợ không còn là chuyện lạ nữa.

 Quy tắc chung của cuộc sống xưa nay vẫn là: có âm dương - có vợ chồng. Trời đất sinh ra cỏ cây vạn vật, để chúng tồn tại và phát triển nên đã ban cho cỏ cây, thú cầm có đủ giống đực - giống cái. Trời chia con người thành hai giống đàn ông - đàn bà để họ tìm kiếm nhau. Tình yêu, dẫu ở lứa tuổi nào cũng là tình cảm tôn quý, là vẻ đẹp riêng, là ân thưởng của tạo hoá dành cho con người.

 Ngay cả chị Quỳnh đã năm mươi. Mỗi ban mai soi mình trong gương thấy những vết kim thời gian đâm li ti trên đuôi mắt. Thời gian với nhan sắc vốn không là bạn bè. Chị kéo léo trang điểm để che giấu bớt vết thời gian trên khuôn mặt. Thế nhưng lúc nào chị cũng lạc quan, tâm hồn tươi trẻ, không có gì tỏ ra khó tính, kỳ cục như một “bà cô”.

Chị là một người phụ nữ kín đáo, đến nỗi không ai biết lúc trẻ chị đã có mối tình đầu chưa? Mấy ngày gần đây chị bộc bạch với các cô lớn tuổi rằng có người đàn ông tuổi đã sáu mươi, tóc điểm hoa râm, còn rất phong độ có tình ý với chị. Những thành viên trong gia đình chị Quỳnh ai cũng vun vào. Chị Quỳnh quen ông ấy trong một lần đi đám giỗ nhà người bạn.

Ông là anh họ của Mỹ Quân. Goá vợ mười năm nay. Lắm đàn bà say mê mà ông cứ dửng dưng. Khi chị Quỳnh bưng dọn thức ăn lên bàn. Ông chợt sững sờ, tim đập rối nhịp (sao có nét giống vợ mình quá!). Chị quay đi, ông nhìn theo… Không phải gia đình chị vun vào vì thấy ông ấy là đại gia cao su mà vì ông ấy hiền, có gương mặt phúc hậu, cư xử lịch thiệp.

Cha mẹ rồi cũng “trăm tuổi già”. Các em cũng có gia đình riêng, họ bận bịu công tác và chăm tổ ấm của họ. Dù thương chị nhưng họ đâu thể cận kề chăm sóc chị lúc ốm đau, nhất là đau bất tử ban đêm. Chị cần phải có người bạn đời. Nửa đêm trái gió trở trời hai người nương tựa chăm sóc lẫn  nhau. Lòng chị phân vân, e dè sợ người ta cười “cô dâu già” lại còn lên “chức” bà nội nữa chứ.

Đồng nghiệp nữ xúm nhau làm công tác tư tưởng và đang chờ xem chị Quỳnh có quyết định cho mọi người ăn đám cưới không ? Chị Hạ nói giọng nửa đùa, nửa thật: “Bà già sáu mươi hai tuổi còn can đảm lấy chồng hai mươi sáu tuổi mà người ta còn hổng sợ dư luận, nữa là…”.

4.

Hiện tại trong trường chỉ còn lại Kiều và chị Hạ như hai đoá hoa hải đường rực rỡ  chưa có chủ. Tội nghiệp những anh chàng si tình. Mỗi lần họ đến nhà đều nhận được câu: “Hạ đi chơi rồi, không có nhà” từ má hoặc anh trai chị (mặc dù họ vừa thấy dáng chị thoáng sau nhà). Cũng có đôi lần chị Hạ cùng Kiều đi chơi thật. Vậy mà họ vẫn tình nguyện làm thiêu thân lao vào ánh đèn, ngồi lì đợi hàng tiếng đồng hồ để rồi ra về với nỗi buồn man mác. Nhiều lúc nghĩ lại chị thấy mình đối xử hơi quá đáng với họ.

Chị Hạ yêu rồi chia tay, lại yêu người khác, lại chia tay. Đột ngột chị lấy chồng. Ai nấy đều kinh ngạc. Chẳng thấy nói yêu đương hẹn hò, mới xù “bồ” chưa ráo tay, nháy mắt cái là lấy chồng! Quang là một thanh niên lịch lãm, năm năm trước họ quen trong bàn tiệc. Tan tiệc rồi quên luôn. Một hôm Quang đến nhà bạn tình cờ thấy chị Hạ ở cạnh nhà.

Hỏi thăm, biết chị vẫn còn là “lính phòng không” bèn nhờ anh bạn mai mối. Đang chán đời chị nói vui nửa đùa nửa thật với vợ chồng ông mai: “Ảnh dám đi nói thì tui dám ưng”.“Thiệt hôn?”. “Thiệt”. Thế là ba hôm sau người ta cầm trầu rượu đến dạm hỏi. Một tháng sau tổ chức cưới.

Chị Hạ lấy chồng, Kiều bị hụt hẫng. Chưa bao giờ Kiều có cảm giác cô đơn như lúc này. Một cảm giác mất mát khó tả. Từ trước đến giờ đi đâu cũng có chị có em. Chị Hạ lấy chồng, cuộc vui coi như chấm dứt. Bay xa mối tình đầu, Kiều vẫn hoài nuối tiếc.

5.

Vết thương lòng lành miệng theo thời gian. Kiều dậy sớm hơn những tia nắng đầu tiên để làm việc nhà, vệ sinh cho má, và cho má ăn sáng trước khi đến trường.

Cây mận trước sân trổ bông rụng đầy sân. Những cánh hoa mận trắng nhỏ bồng bềnh rơi như những bông tuyết, để lại những trái xanh non bé tí thẹn thùng nấp trong đám lá. Kiều lom khom quét những cánh hoa mận tấp vào gốc. Một làn gió thổi qua làm những chiếc lá trên cành đong đưa, rụng chao xuống thành vòng cung, bay lướt qua mặt, rơi xuống đất rồi bay tiếp đi xa.

Kiều! Tiếng gọi bất thình lình làm Kiều giật mình. Ngẩng lên nhìn. Anh Hiếu! Kiều vui mừng buông chổi, mời Hiếu vô nhà. Hỏi thăm nhau về gia cảnh.

Vợ Hiếu sinh bị băng huyết, qua đời để lại cho Hiếu đứa con đỏ hỏn. Giờ nó được năm tuổi rồi. Tuy lấy vợ nhưng Hiếu không quên được Kiều. Nhiều đêm nằm bên vợ mà hình ảnh Kiều len lén hiện lên trong tâm trí. Nhớ lại ngày Kiều rụt rè bước vào phòng họp cùng với đoàn giáo sinh thực tập. Đôi mắt to tròn đen xanh mênh mông giữa hai hàng mi cong vút, những tia sáng lấp lánh như reo vui nhảy múa của Kiều ai nhìn cũng phải trầm trồ. Đôi mắt nổi trội tạo điểm nhấn lên khuôn mặt thu hút sự chú ý của mọi người ngay lần gặp đầu tiên. Trong thời gian thực tập ấy, có vài đôi nên vợ nên chồng. Và tình yêu của Kiều và Hiếu cũng nảy sinh từ đó.

Kiều kể cho Hiếu nghe về anh Thành, là nhân viên văn phòng của trường, lớn hơn Kiều rất nhiều tuổi. Vợ anh mất khi con anh lên mười. Nhiều phụ nữ thương cảnh gà trống nuôi con muốn gá nghĩa nhưng anh đều từ chối. Con trai anh tốt nghiệp đại học và đã đi làm.

Anh không đẹp nhưng chơn chất, nhanh nhẹn, thông minh, hóm hỉnh, rất tốt bụng, hay quan tâm đến người khác. Anh có mặt ở đâu là ở đó có tiếng cười, có sự vui nhộn, thân tình nồng nhiệt. Chị Hạ lấy chồng, bao tâm tư buồn vui Kiều đều san sẻ cùng anh để tìm sự đồng cảm, một nguồn động viên từ một nguời anh.

Trong lúc cô cảm thấy bơ vơ, cần sự giúp đỡ anh lại xuất hiện đúng lúc. Trưa hôm ấy, cô dìu mẹ đi tắm như mọi khi. Không may bà ngã quỵ, cô cố sức bồng mẹ lên nhưng loay hoay mãi vẫn không nhấc lên được. Đang lúc bối rối, anh Thành xuất hiện như vị cứu tinh, anh bồng bà lên giường, giúp Kiều lấy khăn, chậu nước để lau cho mẹ.

 Bên Thành, Kiều có cảm giác ấm áp, cảm giác an toàn được che chở.

Tuy xa cách, nhưng Hiếu vẫn biết Kiều đến giờ còn độc thân nuôi mẹ già. Hiếu cố thuyết phục ba mẹ cho đến khi họ đồng ý. Hiếu hớn hở báo tin, nghĩ rằng Kiều vui lắm đây! Rằng ba má anh đồng ý khi chúng mình cưới nhau, em vẫn ở đây chăm sóc mẹ, còn anh hôm nào đi dạy thì ở nhà ba má với con, hôm nào không đi dạy và các ngày cuối tuần anh ở với em. Anh muốn bù đắp thiệt thòi bấy lâu cho em.

Cái hạnh phúc nghĩ sẽ mất vĩnh viễn nay đột ngột quay về làm Kiều xúc động. Cô khóc rấm rức. Hiếu cầm tay vỗ về. Nín đi em!

Kiều không hiểu vì sao tự dưng mình khóc. Phải chăng mình tiếc nuối đò tình lỡ chuyến? Hay khóc để tống biệt mối tình đầu? Giá như tám năm trước ba má Hiếu chấp nhận mình như hôm nay thì Hiếu đã không thiểu não ra về vì anh đã đến muộn…

P.T.T.A


Liên kết hữu ích