Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Yêu nước từ những việc nhỏ 

Cập nhật ngày: 08/02/2019 - 14:00

BTN - Tuyên truyền lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua tranh thư pháp là cách làm hay được các bạn đoàn viên, thanh niên thành phố Tây Ninh thực hiện hơn 5 năm nay.

Vào một ngày lễ đi ngang tuyến đường ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành, chúng tôi ngỡ ngàng thú vị trước dãy dài đều đặn những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Hỏi thăm người dân mới biết, hình ảnh đẹp này đã có từ hơn ba năm nay.

“Trước kia, mỗi gia đình thường treo cờ tự phát. Có nhà treo trên tầng 2, hộ thì gắn trên cây, trước cửa, lá cờ bị bạc màu, rách, cán cờ xiêu vẹo… nhìn không đẹp mắt. Còn bây giờ, mọi người treo cờ vào giá đỡ, cắm ngay ngắn trước nhà, trông đẹp mắt và trang nghiêm” - cô Nguyễn Thị Bé Phụng, ngụ xã Thái Bình chia sẻ.

Mô hình Bìa đẹp, học hay - Trao tay truyền thống được triển khai tại Trường TH Võ Thị Sáu (TP.Tây Ninh).

HƯỚNG VỀ CỜ ĐỎ SAO VÀNG

Làm nên hình ảnh đẹp này là các bạn đoàn viên huyện Châu Thành. Trước hết là Xã đoàn Hoà Thạnh. Việc treo cờ Tổ quốc trong những ngày lễ, tết đã trở thành hoạt động thường xuyên, thể hiện lòng yêu nước, biết ơn sự hy sinh xương máu của thế hệ cha anh; tinh thần đoàn kết, chung sức phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhưng việc treo cờ tại một số nơi còn bất cập, chưa đồng bộ, do vậy, BCH Đoàn xã Hoà Thạnh đã xây dựng và triển khai sáng kiến “Tuổi trẻ Hoà Thạnh xung kích treo cờ Tổ quốc vào những dịp lễ”.

Qua 3 năm triển khai, tại tuyến đường chính thuộc các ấp Hiệp Phước, Cây Ổi, Hiệp Thành có hơn 310 hộ dân đã trang bị cán treo, lá cờ mới và trụ bê tông đặt trước nhà. Đoàn Thanh niên xã tuyên truyền, vận động hộ dân sinh sống tại các ấp khác tự trang bị và giữ gìn cờ. Đến nay, khoảng 70% - 80% hộ trên địa bàn xã trang bị cờ mới… để treo đồng loạt vào các dịp lễ tết, tạo nên hình ảnh vừa vui tươi vừa trang nghiêm trên các tuyến đường.

Điều thú vị, sáng kiến của các bạn được người dân rất ủng hộ, nên chi phí lắp cột cờ do người dân đóng góp. “Đây là hoạt động tích cực, thể hiện tình yêu đất nước. Mỗi hộ chỉ cần đóng góp một số tiền nhỏ, góp phần tạo nên vẻ đẹp cho địa phương, nên ai cũng đồng ý”- ông L.C ngụ xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành vui vẻ kể.

Sáng kiến “Tuổi trẻ Hoà Thạnh xung kích treo cờ Tổ quốc” đã được Ban Thường vụ Huyện đoàn Châu Thành triển khai trên toàn huyện, tính đến ngày 30.9.2018, đã có 1.577 trụ cờ mới với số tiền hơn 155 triệu đồng.

Bao bìa với nội dung phong phú, màu sắc nổi bật được nhiều em học sinh Trường TH Võ Thị Sáu yêu thích.

THƯ PHÁP GHI LỜI BÁC DẠY

Tuyên truyền lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua tranh thư pháp là cách làm hay được các bạn đoàn viên, thanh niên thành phố Tây Ninh thực hiện hơn 5 năm nay.

Suy nghĩ trăn trở: “Làm thế nào để đoàn viên, thanh niên dễ dàng thấm nhuần lời dạy của Bác”, và nhận thấy trên địa bàn rất nhiều bạn trẻ yêu thích thư pháp, thế là Thành đoàn triển khai mô hình Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp. Các bạn sưu tầm lời Bác dạy cho nhiều đối tượng, ngành nghề… rồi suy nghĩ mẫu và đặt vẽ tranh. Một bức thư pháp hoàn chỉnh có kích thước 26 x 60cm, bố cục hài hoà giữa chữ và hình vẽ.    

Thư pháp ghi lời Bác dạy được trao tặng vào đợt tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu hay gương người tốt, việc tốt trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ khi triển khai mô hình, Thành đoàn đã trao tặng hơn 2.000 bức thư pháp. “Tranh thư pháp về lời dạy của Bác vừa trang trí phòng làm việc, vừa giúp mọi người suy nghĩ và học theo lời dạy của Bác”- anh Nguyễn Quốc Phong, cán bộ Thành đoàn chia sẻ.

Đến năm 2017, Thành đoàn tiếp tục đổi mới mô hình nhằm phát huy tối đa hiệu quả của tranh thư pháp. Không những thể hiện câu nói, tranh thư pháp còn được vẽ thêm chân dung của Hồ Chủ tịch trên khổ giấy 40 x 60cm. Đến nay, đơn vị đã trao tặng 15 tranh thư pháp vẽ hình Bác cho những người có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Mô hình này đã được nhiều Huyện đoàn nhân rộng. Như Huyện đoàn Châu Thành, Đoàn cơ sở và trực thuộc đã trao tặng 315 bức thư pháp trong năm 2018. “Đây là mô hình cụ thể hoá việc tuyên truyền, giáo dục lời dạy của Bác trong đời sống. Mô hình nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của cán bộ, đoàn viên, thanh niên”- một cán bộ Huyện đoàn Châu Thành đánh giá. Người đưa lời Bác dạy vào thư pháp là anh Nguyễn Văn Ngọc Hủ Trọng Tài.

Anh cho biết, những câu nói được Đoàn Thanh niên sử dụng nhiều như “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”… Tuỳ vào độ dài từng câu nói của Bác, Tài sắp xếp bố cục, viết chữ thư pháp kèm trang trí hoạ tiết hoa sen, hoa mai cho bức tranh thêm phần đẹp mắt.

Thông thường, để vẽ một bức thư pháp, Tài mất khoảng 40 - 60 phút mới hoàn thành. Cái khó của thư pháp là “tâm” phải “tại đầu bút”, chữ viết thể hiện tính cách con người. Để nét chữ có hồn, người viết phải tĩnh tâm và đặt tình cảm vào trong tác phẩm. Do vậy, Tài vẫn đang cố gắng nghiên cứu và cảm nhận nhiều hơn lời dạy của Bác để tác phẩm ngày càng có hồn hơn, qua đó, người nhận thư pháp càng thêm trân trọng món quà được tặng.

Bìa đẹp, học hay- Trao tay truyền thống

“Tôi thường nghe các bậc phụ huynh chia sẻ, học sinh ngày nay không mấy quan tâm đến lịch sử đất nước, anh hùng dân tộc. Còn cách thức tuyên truyền mang tính truyền thống, giới thiệu về lịch sử đất nước như tổ chức thi Rung chuông vàng, treo pa-nô… thường khó nhớ, dễ quên. Do vậy, tôi suy nghĩ và lên ý tưởng đưa nội dung tóm tắt lược sử Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh hoặc tiểu sử các anh hùng dân tộc lên bao bìa vở để học sinh dễ tiếp cận hơn”, chị Phạm Thị Hồng Thái- Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố chia sẻ về ý tưởng mới.

Mô hình Bìa đẹp, học hay - Trao tay truyền thống được Hội đồng Đội Thành phố triển khai tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trong năm học 2018-2019.  

Bìa tập được thiết kế nhiều màu sắc, phía trước có in tiểu sử sơ lược của vị anh hùng, phía sau ghi lời bài hát, tránh gây nhàm chán cho học sinh. Từ lúc lên ý tưởng đến khi thực hiện, Hội đồng Đội phải mất khoảng 3 tháng để tạo ra tấm bao bìa như ý muốn. Mô hình được Hội đồng Đội thiết kế gồm 4 mẫu, giới thiệu lược sử Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kim Đồng và Võ Thị Sáu.

Sau khi triển khai, mô hình nhận được nhiều phản hồi tích cực, ủng hộ từ phía phụ huynh, học sinh. Trong năm học tới, Hội đồng Đội sẽ thực hiện mô hình ngay từ đầu năm để các em sở hữu tấm bìa tập sớm; đồng thời, thiết kế thêm nhiều mẫu bao tập in tiểu sử của các vị anh hùng khác. Chị Ngọc Thảo, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Kim Đồng bày tỏ: “Lịch sử không khô khan nếu chúng ta có cách truyền đạt dễ hiểu, sinh động. Đây là mô hình thiết thực giúp thế hệ trẻ nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của lịch sử”.

P.T - Đ.N