Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực hiện Di chúc gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Bài 1: “Trước hết nói về Đảng”

Cập nhật ngày: 17/06/2022 - 00:04

BTN - Trong cuộc hội thảo tổ chức cách nay chưa lâu, TS. Trần Thị Kim Ninh (Học viện Chính trị khu vực II) phân tích, đề xuất việc thực hiện Di chúc của Bác gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, đăng trên Báo Cứu quốc ngày 21.1.1946, Bác Hồ nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui.

Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Trong Di chúc năm 1969, Bác Hồ viết: “Về việc riêng - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh- anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, đã để lại di sản tư tưởng, tinh thần cho dân tộc thông qua các tác phẩm tiêu biểu có giá trị “kim chỉ nam” cho hành động của toàn Đảng, của toàn dân. Trong số đó có 5 di sản đã được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm Đường Kách mệnh, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước và Di chúc. Đã hơn 50 năm, trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại “mấy lời căn dặn” mà chúng ta thành kính gọi là Di chúc”- TS Trần Thị Kim Ninh nêu.

Di chúc theo nghĩa thông thường là “lời dặn lại trước khi chết những việc mà người sau cần làm và nên làm”, vì vậy, đó là lời dặn chứa đựng tâm tư, tình cảm, mong mỏi nhất của người sắp đi xa. Di chúc mà Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta là những dòng chan chứa yêu thương, là những chỉ dẫn quý báu để mỗi đảng viên nỗ lực học tập, phấn đấu, hoàn thành di nguyện mà Người khiêm tốn nói rằng “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Nội dung của Di chúc được các nhà khoa học ví như “cương lĩnh xây dựng đất nước thời hậu chiến”, là “lời của non nước”, bao gồm rất nhiều nội dung. Bài viết này nhấn mạnh đến các nội dung cơ bản, như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kế hoạch xây dựng đất nước sau khi nhân dân ta hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”.

Có lẽ trong di sản Hồ Chí Minh, các bài nói, bài viết của Người về Đảng, về xây dựng Đảng chiếm nhiều, vì vị trí, vai trò của Đảng, là “người cầm lái, người dẫn đường” để đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, đi đến thắng lợi cách mạng. Ngay từ những ngày chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng, khi viết tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề “Cách mạng trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh… Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Đảng, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trong Di chúc, Người nhấn mạnh việc cần phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng- như một quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Để Đảng xứng đáng với vị trí, vai trò nêu trên, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ. Người coi cán bộ, con người là một vốn quý- vốn nhân lực- nguồn vốn đặc biệt quan trọng góp phần quyết định sự thành, bại cách mạng và Đảng cần đầu tư loại vốn này. Bởi, cán bộ giữ vị trí chủ thể của sự nghiệp cách mạng, là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Người viết: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”..

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định vị trí, vai trò của cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng. Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là ở những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, đội ngũ cán bộ có vai trò quyết định tất cả. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, trong công cuộc xây dựng đất nước Đảng đã ngày càng chú trọng đến công tác cán bộ và ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng về cán bộ. Đây là bước phát triển trong nhận thức của Đảng, bởi “công tác cán bộ thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…”. Do đó, công tác cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển bền vững của đất nước. Thực tế cho thấy, nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm đã dần mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành nguồn sức mạnh to lớn trong quá trình đổi mới đất nước.

Trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nội dung các vấn đề về xây dựng Đảng giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với gần một nửa số bài viết. Vị trí quan trọng của nội dung này trong cuốn sách phản ánh vai trò, vị trí có ý nghĩa quyết định của vấn đề xây dựng Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và công cuộc đổi mới nói riêng, cả về phương diện lý luận và trên thực tế. Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo “sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta”,

Tổng Bí thư nhấn mạnh “công tác xây dựng Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta”. Vì thế “phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết, mạnh mẽ, nhằm tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt hơn nữa trên các mặt”.

Mục đích hướng tới của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là xây dựng “một Đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tuỵ, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ”, một Đảng “có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”.

Việt Đông